Sửa điều kiện hưởng chế độ hưu trí để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Để hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mở rộng diện bao phủ cần thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp, các chính sách nhằm gia tăng lợi ích, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu.

Đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong số này có khoảng 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội (chiếm 26% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

Năm 2023, có 1,1 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 23% so với năm 2022. Số liệu cập nhật trong Quý I năm 2024 là có 263.032 lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%; tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước (chiếm hơn 90%); vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 60%; người hưởng bảo hiểm xã hội chủ yếu là người trẻ (độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi chiếm gần 80%), có thời gian đóng ngắn (dưới 05 năm chiếm đến 66,6%); hầu hết là trường hợp “sau một năm nghỉ việc” (chiếm đến gần 99%).

Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng, số lao động mất việc làm không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động; đa số người lao động có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm và phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Các vấn đề về mặt chính sách pháp luật, niềm tin, tâm lý, văn hóa vùng miền…cũng là nguyên nhân góp phần gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.

Để hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội nhằm đạt được mục tiêu của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW cần thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp, các chính sách nhằm gia tăng lợi ích, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);

Thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật có liên quan khác như hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm; chính sách hỗ trợ duy trì việc làm tránh sa thải lao động, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm…

Bên cạnh đó, cũng cần thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội, lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thiệt hại khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần,...từng bước thay đổi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sua-dieu-kien-huong-che-do-huu-tri-de-han-che-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-post576145.antd