Sửa đổi, bổ sung Cuộc vận động CBCCVC phù hợp với giai đoạn mới

Mới đây, tại Hà Nội, CĐ Viên chức Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) “trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch CĐ Viên chức Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, được phát động từ năm 1999, qua 18 năm triển khai, Cuộc vận động đã bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gắn với nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần thi đua yêu nước, ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC; góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Cuộc vận động đã được đưa vào nghị quyết Đại hội IX, X, XI Công đoàn Việt Nam và trở thành phong trào chung của hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch CĐ Viên chức Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng chủ trì hội thảo

Tuy nhiên, việc triển khai Cuộc vận động cũng cho thấy những hạn chế như: Nội dung chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, tình trạng vi phạm đạo đức công vụ vẫn xảy ra, nạn tham nhũng, lãng phí không giảm, tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân của cán bộ chưa có chuyển biến mạnh; không ít CBCCVC còn hách dịch, cửa quyền… làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, chính quyền, giảm hiệu quả công việc trong các cơ quan nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nội dung và phương thức tổ chức Cuộc vận động của các cấp công đoàn phải bảo đảm thiết thực, sát với chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tổng LĐ; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng bộ với phong trào thi đua yêu nước, với chủ đề “Vì lợi ích đoàn viên” và những nội dung thi đua được Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đề ra.

Vì thế, việc bổ sung, sửa đổi tên gọi, các tiêu chí nội dung Cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” cho phù hợp với tình hình mới là hết sức cần thiết. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung này phải làm sao vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn, sức sống của Cuộc vận động là hướng về người lao động, phục vụ người lao động. Bên cạnh đó, người CBCCVC phải thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền hạn của mình trong việc đóng góp xây dựng đất nước.

Tại Hội thảo, ý kiến của lãnh đạo CĐVC Việt Nam các thời kỳ và đại diện công đoàn các bộ, ban, ngành cho rằng, tên gọi của Cuộc vận động khi thay đổi phải dựa trên nguyên tắc vừa kế thừa, vừa phát triển những kết quả đã đạt được, khắc phục được những hạn chế; đồng thời, phải nâng cao chất lượng Cuộc vận động gắn với xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với nhu cầu của đoàn viên là yêu cầu cấp thiết do vậy, Cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” dù để lại dấu ấn trong đoàn viên, trong xã hội nhưng cũng không nên duy trì quá lâu và cần phải đổi mới một số nội hàm cho phù hợp với xu thế và sự vận động không ngừng của xã hội đồng thời phải coi đây chính là sự hưởng ứng tích cực của đoàn viên, người lao động trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có tác dụng quan trọng trong việc rèn luyện đạo đức, tác phong và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể.

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/sua-doi-bo-sung-cuoc-van-dong-cbccvc-phu-hop-voi-giai-doan-moi-52059.html