Sữa loạn giá, ai chịu trách nhiệm?

Trước việc các hãng sữa lớn có dấu hiệu "bắt tay” để nâng giá sữa, vi phạm Luật Cạnh tranh, làm rối ren thị trường đồng thời gây thiệt hại cho người tiêu dùng- tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị các bộ liên quan phải làm rõ, kiểm soát tình hình. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo nhanh chóng làm rõ vụ việc. Sau đó, các bộ liên quan, mà cụ thể là Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã vào cuộc. Tuy nhiên, "ma trận” giá sữa chưa hẳn đã được kiểm soát.

Ảnh:Hoàng Long

Vẫn... chịu thua

Có một thực tế là các hãng sữa đã nhanh chân điều chỉnh giá sữa theo chiều hướng tăng mạnh ngay trong thời điểm Bộ Tài chính ra công văn "đe” các hãng sữa. Mới đây, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương kiểm tra giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của 4 hãng sữa có thị phần lớn tại Việt Nam, gồm Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty Cổ phần sữa Việt Nam và Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam. Đây được coi là hành động tích cực, nếu so với những lần giá một số mặt hàng "vô tư mà tiến” trước đó.

Thế nhưng, một lần nữa các "đại gia” lại có "chiêu” mới lách luật. Cụ thể là, họ vẫn dán giá cũ trên sản phẩm- có nghĩa là giá trước khi tăng; trong khi đó báo giá và bán với giá mới (giá đã tự ý tăng) bằng miệng với người tiêu dùng. Một câu hỏi đặt ra là: với cách hành xử như vậy, liệu các doanh nghiệp và đại lý sữa có vi phạm luật để vẫn có thể "móc túi” người tiêu dùng?

Ông Vương Ngọc Tuấn - Phụ trách Văn phòng tư vấn khiếu nại (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam- Vinastas) cho biết, hiện giờ chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan quản lý về việc các doanh nghiệp sữa có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, nhưng nếu họ vi phạm thì phải trừng phạt theo quy định.

Vẫn theo ông Tuấn, với mặt hàng sữa, Việt Nam là thị trường có cạnh tranh. Nếu làm tốt thì người tiêu dùng được hưởng lợi, bởi có hơn 80 nhãn hiệu sữa đang lưu thông trên thị trường. "Quan trọng là người tiêu dùng cần có thông tin liên quan đến sản phẩm, kèm theo cả đánh giá, phân tích về sản phẩm để họ chủ động lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, vừa có chất lượng tốt lại vừa có giá hợp lý” - ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, điều đáng nói với mặt hàng sữa là, tuy có cạnh tranh nhưng do thị phần của những "ông lớn” quá lớn, nên người tiêu dùng chẳng những không được hưởng lợi (cạnh tranh bằng cách giảm giá); ngược lại, họ còn phải chịu thiệt khi các hãng sữa này ngấm ngầm bắt tay nhau cùng đồng loạt lên giá.

Diễn biến thị trường sữa suốt một thời gian dài cho thấy, giá sữa chỉ có lên chứ chưa từng một lần giảm. Cho dù có các cơ quan kiểm soát giá, nhưng thực tế cho thấy các hãng sữa đã dễ dàng "qua mặt”, khiến tiếng kêu của người tiêu dùng trở nên lạc lõng. Cụ thể việc kê khai giá sữa của các doanh nghiệp thực hiện từ 12-2013 với MeadJohnson, rồi Nestle từ tháng 1-2014, kê khai của Công ty Frieslandcampina Việt Nam từ tháng 2-2014, kê khai của Công ty cổ phần dinh dưỡng 3A phân phối sản phẩm sữa Abbot từ tháng 3, nhưng tất cả đều đã tăng giá trước đó. Như vậy, cả người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý cũng đều bị đặt vào tình thế "chuyện đã rồi”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, giá mặt hàng sữa không khác gì mê hồn trận. Người tiêu dùng chỉ được tiếp nhận thông tin một chiều. Theo cách đặt vấn đề của ông Phú thì giá sữa tăng không bao giờ nói rõ ra nguyên nhân từ đâu. Cũng không nói sau khi tăng giá thì chất lượng sữa, hàm lượng dinh dưỡng có tăng hay không. Giá sữa chỉ được nhà phân phối thông báo, còn phản ứng của người tiêu dùng ra sao không được nhà sản xuất lẫn cơ quan quản lý chú ý.

Người tiêu dùng băn khoăn khi phải chọn mua sữa

Ảnh: Hoàng Long

Giá cũ + 10% = giá thật

Trong 2 ngày 3 và 4-3, chúng tôi đã làm một cuộc "khảo sát” nhỏ về thị trường sữa tại Hà Nội, sau khi cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm soát giá.

Khi được hỏi: Vì sao sữa tăng giá? Chủ cửa hàng sữa Bích Hiền (15 Hàng Giầy, Hà Nội) giọng đầy bức xúc: "Giá sữa tăng thì phải đi hỏi các hãng sữa, đi hỏi Bộ Tài chính. Thị trường ảm đạm, ít người mua mà giá sữa cứ tăng ầm ầm, chúng tôi cũng bị vạ lây”. Phố Hàng Buồm là địa chỉ tập trung của nhiều cửa hàng bán lẻ sữa. Tại đây, các mặt hàng sữa cả nội lẫn ngoại đã chính thức tăng giá với mức phổ biến từ 6- 10%, trùng với thời điểm Bộ Tài chính tổng rà soát thị trường sữa. Tại hầu hết các cửa hàng, giá sữa vẫn được niêm yết theo bảng giá cũ. Chẳng hạn như Nestle với dòng sữa Nan-pro 400g có giá 235.000 đồng/hộp; loại 800g có giá 415.000 đồng…Sữa Abbott với dòng sữa Grow 4 có giá 289.000 đồng. Nhưng khi hỏi mua, thì nhân viên bán hàng cho biết, đây là bảng giá cũ, còn giá bán thật "đương nhiên” là cao hơn.

- Vậy thực giá là bao nhiêu? Chúng tôi hỏi.

Một người bán hàng trả lời:

- Cứ tính từ giá cũ cộng thêm 10%. Em không thể cho chị xem bảng giá cụ thể được. Hiện nay chỉ có duy nhất hãng Mead Johnson chưa tăng giá, còn hãng nào cũng tăng 10% hết. Giá tăng từ giữa tháng 2 rồi.

Một đại lý trên phố Hàng Buồm cho rằng, nhà phân phối nói là nguyên liệu sữa tăng, giá cước vận chuyển tăng nên buộc phải tăng giá. Như vậy là các đại lý cũng lại rơi vào thế bị động nốt.

Câu hỏi: các "đại gia” ngành sữa có "bắt tay nhau” làm giá hay không? vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, qua sự việc này cho thấy việc kiểm soát giá thời gian qua không tốt, "thả nổi” cho các hãng sản xuất lên giá. Mà điều đó thì không thể chấp nhận. Trong tình thế đó, xét cho cùng người tiêu dùng là chịu thiệt thòi nhất.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=77444&menu=1372&style=1