Sửa luật Chứng khoán: Đa dạng hóa sản phẩm, thu hút nhà đầu tư

Bộ Tài chính vừa lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) với những thay đổi cơ bản về thẩm quyền của cơ quan chức năng, sản phẩm, quy chế…

Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ thay đổi cơ bản về thẩm quyền của cơ quan chức năng, sản phẩm, quy chế... Ảnh: Nguyễn Hiền.

Nhằm hướng tới một thị trường chứng khoán (TTCK) công khai, minh bạch, tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo Bộ Tài chính, Luật Chứng khoán hiện hành đã được Quốc hội thông qua từ ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2007. Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Chứng khoán đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đến nay Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Thiếu minh bạch, rõ ràng, thiếu tính hệ thống và không còn phù hợp với sự phát triển không ngừng của TTCK và yêu cầu của nhà đầu tư, dẫn đến bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Chứng khoán không còn phù hợp, thống nhất và đồng bộ với một số quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính…

Bộ Tài chính cho rằng, việc sửa đổi toàn diện, ban hành Luật Chứng khoán mới nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển TTCK ổn định, vững chắc, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, Bộ Tài chính đã phác thảo mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách. Trong đó hướng đến việc giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đủ thẩm quyền để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể: UBCKNN phải có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các đối tượng có dấu hiệu vi phạm; yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời được quyền triệu tập tổ chức cá nhân đó đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về phối hợp giữa UBCKNN với các cơ quan quản lý TTCK nước ngoài.

Để sửa đổi Luật Chứng khoán theo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, ông Nguyễn Quang Việt, Vụ Pháp chế, UBCKNN cho rằng: “Việc bổ sung thẩm quyền của UBCKNN sẽ tăng cường bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, nhất là quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tài sản của tất cả các cá nhân tham gia TTCK. Ngoài ra, việc sửa đổi này sẽ bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành, đáp ứng được các nguyên tắc của IOSCO (Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán) về năng lực, thẩm quyền thanh tra, cưỡng chế thực thi của UBCKNN”.

Đa dạng hóa sản phẩm

Đối với hàng hóa trên TTCK, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ tăng cung hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán cho TTCK; mở rộng TTCK có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do; thu hút đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam; tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường. Giải pháp đã được Bộ Tài chính lựa chọn là sửa đổi các quy định về chào bán chứng khoán theo hướng xác định điều kiện phát hành phù hợp với từng sản phẩm (chứng khoán nợ, chứng khoán vốn, chứng khoán phái sinh) và nâng cao điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng.

Trong một cuộc hội thảo gần đây liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Thùy Vân, Trưởng ban Phát triển thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường giúp tăng cường thu hút được sự tham gia đa dạng của nhà đầu tư, tăng khả năng huy động vốn, đồng thời phát triển cơ sở nhà đầu tư. Cơ sở pháp lý về phát hành và niêm yết nên được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn, đồng thời quy định về các nội dung về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường và từng nước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế sẽ giúp sàng lọc loại bỏ các doanh nghiệp có năng lực yếu kém, hoạt động không hiệu quả, tạo nguồn cung các mã cổ phiếu có chất lượng cao cho nhà đầu tư.

Tại dự thảo Luật, quy định về công bố thông tin cũng rõ ràng hơn. Theo đó, cơ chế công bố thông tin của công ty đại chúng được dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng. Dự thảo cũng quy định rõ phương thức công bố thông tin, đối tượng, nội dung công bố thông tin và làm rõ trách nhiệm công bố thông tin của các cổ đông lớn/nhà đầu tư sở hữu trên 5% chứng chỉ quỹ đóng, nhóm người có liên quan và các chức danh nội bộ, người có liên quan của người nội bộ của công ty đại chúng/quỹ đại chúng.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng hướng đến việc đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán được chào bán, nâng cao điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và xác định điều kiện chào bán phù hợp cho từng loại chứng khoán. Khái niệm của công ty đại chúng cũng sẽ được làm rõ ràng và nâng cao chất lượng thông qua việc nâng cao tiêu chí công ty đại chúng: Không bị ràng buộc bởi điều kiện về niêm yết hay điều kiện về chào bán ra công chúng.

Ngoài ra, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng sẽ hoàn thiện cơ chế bảo đảm chất lượng kiểm toán chấp thuận; mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua tỷ lệ sở hữu Nhà nước của các công ty đại chúng trên TTCK Việt Nam; Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán, đa dạng hóa sản phẩm giao dịch, phương thức giao dịch, sản phẩm nghiệp vụ của Sở Giao dịch Chứng khoán; Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, hoàn thiện hệ thống giám sát giao dịch cho thị trường giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Năm 2016, TTCK Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, được đánh giá là 1 trong 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Mức vốn hóa thị trường đạt 1.765 nghìn tỷ đồng, (tương đương 42% GDP và tăng 30%). Chỉ số VN-Index tăng 15% và HNX-Index tăng 0,8%. Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt 6.860 tỷ đồng/phiên (tăng 39% so với cuối năm 2015).

Hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch, trên thị trường có 695 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết và 377 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Tổng giá trị niêm yết đạt 712 nghìn tỷ đồng (tăng 22%) và 590 mã trái phiếu với tổng giá trị niêm yết là 934 nghìn tỷ đồng (tăng 22,5%). Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt 348 nghìn tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015).

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sua-luat-chung-khoan-da-dang-hoa-san-pham-thu-hut-nha-dau-tu09022017.aspx