Sữa ngoại sẽ phải đăng ký giá

TPO – Tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang soạn thảo một phương án mới sửa quy định hiện hành, theo đó sẽ đưa các loại sữa ngoại vào diện đăng ký giá.

>> Truy thu tiền chênh lệch giá bán sữa vượt khung Giá sữa đắt do người tiêu dùng “sính ngoại”, thiếu thông tin. Ảnh: Hồng Vĩnh Việc buộc các loại sữa ngoại phải đăng ký giá được cơ quan chức năng tính đến sau khi phương án của Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính về việc đề nghị áp giá trần cho những loại sữa tăng giá bất hợp lý bị chính Bộ này bác với lý do phương án này thiếu tính thị trường, tính pháp lý và thiếu khả thi. Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Văn Hiếu, phương án áp giá trần cho sữa ngoại là việc tính toán giá trần cho rất nhiều mặt hàng sữa với mức giá có thể thay đổi hằng ngày, là rất khó có thể thực hiện. Theo các quy định hiện hành, cụ thể theo Thông tư 104, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH có trên 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước. Theo phương án đang được tính toán, các loại sữa ngoại cũng phải đăng ký giá để các cơ quan chức năng nắm được cấu thành đầu vào. Cơ quan chức năng cũng sẽ phải sửa đổi quy định hiện hành là yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký giá bán các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn theo hình thức nộp hồ sơ đăng ký giá bán với giải thích về cơ cấu giá nhập khẩu CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, giá vốn nhập khẩu, lợi nhuận dự kiến, mức giá dự kiến... Giá bán đăng ký của doanh nghiệp sẽ được cơ quan chức năng thẩm định và quyết định phê duyệt trong thời hạn dự kiến là 8 ngày tính từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp cơ quan chức năng không chấp thuận sẽ phải có văn bản trả lời vì sao từ chối. Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban bảo vệ Người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết các các nhà nhập khẩu sữa bột ngoại tại Việt Nam vừa có buổi làm việc với cơ quan này quanh việc có hay không việc giá sữa bột bị đẩy lên quá cao trước khi được đưa vào Việt Nam. Tại buổi làm việc này, một số nhà nhập khẩu sữa tỏ ý không đồng tình về việc so sánh giữa giá sữa tại Việt Nam và thế giới khi cho rằng giá sữa tại Việt Nam cao do chi phí quảng cáo lớn và việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam chưa có quy định giới hạn tối đa các vi chất dinh dưỡng nên các hãng sữa ngoại mặc sức quảng cáo việc bổ sung vô tội vạ các vi chất này, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. Kết quả khảo sát chỉ tiêu an toàn, chất lượng dinh dưỡng một số sản phẩm sữa ngoại bán tại TP.HCM vừa được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố cho thấy giá bán lẻ của sữa nhập khẩu cao hơn 46% so với giá sữa sản xuất trong nước. Giá bán lẻ trung bình của sữa nước ngoài là 32.100 đồng/lít trong khi giá sữa nước sản xuất tại Việt Nam 22.000 đồng/lít. Kết quả thử nghiệm trên 9 mẫu sữa sản xuất tại Việt Nam và 7 mẫu sữa nhập khẩu cũng cho thấy các chỉ tiêu về an toàn vi sinh vật, kim loại nặng và hàm lượng dinh dưỡng của sữa nội và sữa ngoại tương đương nhau đều đạt mức quy định. Riêng về chỉ tiêu hàm lượng đạm, có 2/16 mẫu có kết quả thử nghiệm hàm lượng đạm thấp hơn so với hàm lượng đạm ghi trên nhãn Theo ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới Hội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các loại sữa bán trên thị trường nhằm kiểm tra hầu hết các chỉ số mà doanh nghiệp kinh doanh sữa công bố. Việc lấy mẫu này sẽ tiến hành cả với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu sữa. Mới đây, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giá sữa ngoại trong năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 tại Việt Nam quá cao. Bộ Công thương cho biết, qua thông tin từ thương vụ Việt Nam tại các nước, giá sữa ngoại đang lưu thông tại thị trường Việt Nam cao hơn sản phẩm cùng loại ở Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan... từ 20 đến 60%, cá biệt có loại cao hơn 150 đến 220%. Cũng trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình giá sữa tại Việt Nam, Bộ Tài chính xác nhận có sự bất thường trong giá sữa. Theo Bộ Tài chính, đầu năm 2009, mặc dù giá nguyên liệu sữa bột trên thế giới đã giảm 13,8 - 43% nhưng doanh nghiệp vẫn giữ giá cao tăng từ năm 2008, thậm chí tăng thêm khiến giá một số loại sữa tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 60% đến trên 100%.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=174746&channelid=3