Sức ép Mỹ vào Triều Tiên có thể vấp đòn giáng ngược

Lệnh trừng phạt mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cùng với lời đe dọa xóa sổ Triều Tiên chỉ mang lại tác dụng ngược.

Lệnh trừng phạt mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cùng với lời đe dọa xóa sổ Triều Tiên sẽ chỉ thúc đẩy Bình Nhưỡng đẩy nhanh chương trình hạt nhân của họ, nhiều chuyên gia chia sẻ nhận định với Sputnik.

Ông Trump ngày thứ Năm vừa qua đã kí sắc lệnh hành pháp thúc đẩy các biện pháp trừng pháp mới đối với Triều Tiên, tăng cường hành động của Bộ Tài chính Mỹ trong việc giám sát các cá nhân cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ hoặc công nghệ cho Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào ngành dệt, đánh cá và sản xuất của Triều Tiên.

Ngày 19/9, trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rằng, trong khi Hoa Kỳ có sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn lao, nếu buộc phải phòng vệ hoặc bảo vệ các đồng minh, thì nước này sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "hoàn toàn hủy diệt" Triều Tiên.

Thúc đẩy chương trình hạt nhân

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ coi những tuyên bố leo thang căng thẳng của ông Trump như một chất xúc tác để đẩy nhanh tiến trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia nói với Sputnik.

Cho tới nay chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên vẫn tiếp tục bất chấp sức ép từ LHQ. (Nguồn: AP)

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein thuộc Đại học Stanford, Tiến sĩ Gi-Wook Shin ngày 22/9 cho biết: "Điều này (những tuyên bố từ phía Mỹ) sẽ làm cho ông Kim tin rằng vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo ông, Triều Tiên sẽ tiếp tục chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân. Và một khi họ đạt được những gì họ muốn hoặc cần, vũ khí hạt nhân cùng sức mạnh của một ICBM, họ sẽ yêu cầu Hoa Kỳ ngồi vào bàn thương lượng.

"Hoa Kỳ và Hàn Quốc lúc đó sẽ phải đưa ra một quyết định khó khăn khác, có đàm phán với Triều Tiên hay không, hoặc tiếp tục tăng cường các lệnh trừng phạt", giáo sư cho biết.

Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và LHQ đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, cả đơn phương và đa phương, tuy nhiên, cho đến nay chưa thể buộc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước về Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) năm 2003 và tuyên bố tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 10/2006. Riêng trong năm nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 - cũng là vụ thử lớn nhất cho tới nay vào ngày 3/9, đồng thời phóng thử hàng chục tên lửa, đa dạng về tầm bắn và chủng loại.

Chiến lược của Triều Tiên

Mối đe dọa lớn nhất đối với nhà lãnh đạo Kim Jong un trong việc lãnh đạo Triều Tiên là phải cúi đầu trước sức ép của Mỹ và quốc tế về chương trình hạt nhân của họ. Chính sách quốc gia cốt lõi của Bình Nhưỡng là không bao giờ đầu hàng bất kỳ quyền lực bên ngoài nào, dù là các cường quốc hàng đầu như Mỹ, hay người láng giềng thân cận Trung Quốc, một chuyên gia khu vực Canada chỉ ra.

"Sự cân bằng chính trị ở Triều Tiên phụ thuộc vào việc không đầu hàng bất kỳ quyền lực nước ngoài nào, cho dù đó là Hoa Kỳ hay Trung Quốc", ông Andre Schmid, chuyên gia hàng đầu tại Khoa nghiên cứu Đông Á của Đại học Toronto, nói với Sputnik. "Khuất phục chắc chắn sẽ là nguy cơ lớn nhất đối với quyền lực của bản thân nhà lãnh đạo Kim Jung Un."

Và điều gì sẽ xảy ra khi và nếu Triều Tiên thành công phát triển ICBM có đầy đủ chức năng và được trang bị đầu đạn hạt nhân, chuyên gia này đặt ra vấn đề.

Ông Schmid nói thêm: "Không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau khi một ICBM có khả năng hạt nhân được tạo ra ở Triều Tiên. Điều bất ổn này đang dấy lên căng thẳng leo thang."

Về phương diện kỹ thuật, Hoa Kỳ và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Vào ngày 27/7/1953, hai quốc gia chỉ ký hiệp ước đình chiến để chấm dứt chiến sự cho tới khi có một giải pháp hòa bình.

Trung Quốc và Nga cũng đang kêu gọi Mỹ và Triều Tiên bình tĩnh trong diễn biến căng thẳng hiện nay – điều không có lợi cho sự phát triển chung của toàn cầu. Ngày 22/9, Ngoại trưởng Nga Lavrov một lần nữa đưa ra đề nghị của Moscow và Bắc Kinh về việc đóng bang kép các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên và các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn để bắt đầu các cuộc đàm phán.

(Theo Sputnik)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/suc-ep-my-vao-trieu-tien-co-the-vap-don-giang-nguoc-256263.html