Sức mua vẫn tăng

Đó là nhận định của ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước tại cuộc giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/3/2014.

Tháng Tết Nguyên đán, sức mua vẫn tăng

CôngThương - Nhiều tín hiệu mới

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, hoạt động công nghiệp và thương mại có nhiều tín hiệu khởi sắc đáng mừng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với năm trước, trong đó chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến tăng 3,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng ước đạt 21,06 tỷ USD tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Liên quan đến kim ngạch nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất, số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, đã có mức tăng cao so với cùng kỳ và chiếm đến 87,8% kim ngạch nhập khẩu. Đây là một tín hiệu rõ ràng khẳng định xu hướng phục hồi của nền kinh tế là không thể đảo ngược.

Ở góc độ quản lý, ông Võ Văn Quyền - nhấn mạnh, những nhận định gần đây, kể cả trong một số báo cáo của Bộ Công Thương cho rằng sức mua đang hạn chế là không đúng. Trên thực tế, theo ông Quyền, sức mua thực vẫn tăng. Tuy nhiên, mức tăng không được như kỳ vọng là trên 10% đã góp phần tạo nên ấn tượng này và phần nào khỏa lấp những nỗ lực bình ổn thị trường của ngành Công Thương và các địa phương. Minh họa cho nhận định này ông Quyền cho biết, sức mua trong tháng 1 và 2/2014 tăng 6,2% so với năm 2013. Trong khi đó, cũng thời điểm tháng 1 và 2/2013, sức mua chỉ tăng 4,7% so với năm 2012. “Điều quan trọng là sau Tết Giáp Ngọ, thị trường không lặp lại “thói quen” tạo nên một mặt bằng giá mới mà đã trở về mức bình thường”- ông Quyền đánh giá.

Các cơ quan quản lý cần liên thông hoặc kết nối tư duy khi làm và ban hành chính sách, tránh để doanh nghiệp phải chịu thiệt hại.

Đại diện Tổng cục Năng lượng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, tình hình cung cấp điện những tháng tới trên quy mô cả nước, đặc biệt là miền Nam là khả quan, căn cứ vào những tổ máy đã hòa lưới điện và tiến độ các dự án đang vận hành.

Doanh nghiệp gặp khó vì … văn bản

Tại buổi giao ban, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam phản ánh, nhiều doanh nghiệp dệt may lo ngại có thể sẽ bị làm khó khi Văn bản số 1767/BTC-TCHQ về tăng cường quản lý chống vi phạm lợi dụng hải quan điện tử của Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực từ 1/4/2014. Theo đó liên quan đến việc khai và nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, người khai hải quan khai và nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu sau khi tập kết tại các địa điểm theo quy định và thông báo thời gian dự kiến đóng container, xếp hàng lên phương tiện vận tải cho cơ quan hải quan. Địa điểm tập kết hàng hóa gồm: Khu vực của khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế; ICD, kho ngoại quan, kho CFS; địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu tại biên giới; kho, bãi tập kết hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp được cơ quan hải quan công nhận đủ điều kiện giám sát hải quan. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, việc áp dụng quy định như trên có thể khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, thậm chí có thể bỏ lỡ hoặc chậm cơ hội giao hàng.

Về mối quan ngại này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý cần có những liên thông hoặc kết nối tư duy làm và ban hành chính sách, tránh để doanh nghiệp “lãnh đủ” thiệt hại khi chính sách được ban hành. Theo các chuyên gia, tuy văn bản nói trên của Bộ Tài chính chỉ mang tính nghiệp vụ, nhưng khi áp dụng, nó nghiễm nhiên mang tính pháp lý và do vậy, những hệ lụy sẽ dồn lên doanh nghiệp.

Quang Lộc

Tháng Tết Nguyên đán, sức mua vẫn tăng

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-trong-nuoc/50581/suc-mua-van-tang.htm