Sức nóng giá vàng, tỷ giá và câu chuyện hài hòa trong quan hệ kinh tế

Giá vàng, tỷ giá 'nóng' lên thời gian gần đây tuy chỉ là một yếu tố kinh tế, nhưng từ đó các chuyên gia cũng chỉ ra một số quan điểm cho thấy cần có những chính sách hài hòa các mối quan hệ trong nền kinh tế để vững bước đưa quốc gia phát triển trong giai đoạn mới nhiều khó khăn thách thức đan xen.

Khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ có cạnh tranh lành mạnh là cần thiết. Ảnh tư liệu

GS.TS. NGÔ TRÍ LONG - CHUYÊN GIA KINH TẾ:

Chính sách cần bám sát sự chuyển động và đòi hỏi không ngừng của nền kinh tế

Thị trường vàng là một bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính tiền tệ. Do vậy, việc quản lý thị trường vàng là một nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước của mọi quốc gia.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động quản lý của mỗi quốc gia ngoài việc đòi hỏi phải xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Do vậy, việc xây dựng chính sách quản lý thị trường vàng là quá trình vừa làm, vừa thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Chính sách và các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng cần linh hoạt với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, không có một chính sách, một biện pháp nào đúng cho mọi giai đoạn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nhận thức được sự chuyển động và đòi hỏi không ngừng của nền kinh tế, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quản lý với lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu.

Để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh là cần thiết.

Cần sớm nghiên cứu thành lập một sở giao dịch hàng hóa, trong đó có vàng như các nước đã làm. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ do sở ban hành. Nhà đầu tư cá nhân không cần cầm vàng đến hoặc mang vàng về mỗi lần giao dịch mà có thể ký gửi lại các trung tâm lưu ký, sẽ tiện lợi, nhanh chóng, bớt rủi ro hơn phương thức mua bán vàng truyền thống. Giá mua bán được ghi trên số tài khoản vàng của khách hàng và họ có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống.

TS. CHÂU ĐÌNH LINH - GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP. HỒ CHÍ MINH:

Xác định những yếu tố cần ưu tiên giải quyết trước

Tỷ giá giai đoạn tháng 4/2023 mặc dù đã vượt đỉnh hồi tháng 10/2022, nhưng bối cảnh hiện tại cũng có nhiều điểm khác so với trước đây. Cụ thể, tại thời điểm trước thì đó là giai đoạn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn đang tiếp tục các đợt tăng lãi suất, còn hiện tại tuy chưa giảm nhưng họ cũng không tăng thêm nữa. Động thái của FED thời điểm đó không chỉ gây áp lực lên tỷ giá của VND mà còn với nhiều đồng tiền của nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang phải giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề thì phải xác định đâu là cái cần ưu tiên. Về lãi suất, chủ trương của Chính phủ vẫn là những ưu tiên thực thi giảm lãi suất và chủ yếu hướng vào việc giảm lãi suất đầu ra, vì đó là chi phí phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này cần phải công khai minh bạch để người vay nắm rõ và từ đó thị trường có cơ sở để điều tiết chuyển dịch về các nơi cho vay có lãi suất thấp nhất.

Trong ngắn hạn tại thời điểm này, lãi suất tạm thời giữ ở mặt bằng thấp hiện tại là hợp lý, vì nếu giảm xuống nữa sẽ gây sức ép lên tỷ giá; nếu tăng thì tác động lên khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc duy trì tỷ giá ổn định là yếu tố cần thiết phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tỷ giá tăng do đầu vào tăng có thể sẽ chỉ là yếu tố tạm thời, bởi tính chất nền kinh tế của ta có tỷ trọng tạm nhập, tái xuất cao nên qua giai đoạn tăng nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng có nguồn gốc nhập khẩu trước đây và khi đó tỷ giá sẽ lại bình ổn trở lại.

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU - CHUYÊN GIA KINH TẾ:

Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước có thể làm ảnh hưởng đến tỷ giá

Nói đến vấn đề giá vàng thời gian này chúng ta phải nói đến những nguyên nhân từ trong và từ bên ngoài. Ở thị trường bên ngoài thì bối cảnh hiện nay đang cho thấy có sức nóng từ thị trường vàng thế giới. Giá vàng thế giới đã lập đỉnh rất cao. Nguyên nhân chính có lẽ là các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư thu mua vàng dự trữ. Nguyên nhân sâu xa hơn nữa có thể là tình hình lạm phát, khủng hoảng địa chính trị, chiến tranh, giá dầu lửa tăng, các cuộc tranh cử tổng thống…

Trong khi đó, chính sách tiền tệ của Mỹ đang có thể có nhiều diễn biến, FED có thể sẽ giảm lãi suất, tức là sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng hiện lạm phát Mỹ vẫn còn cao hơn mục tiêu 2% nên thực tế họ vẫn chưa giảm lãi suất. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã nhận định về tín hiệu đó nên họ dự đoán rằng giá trị của đồng USD trong tương lai có thể sẽ giảm và vì thế nhiều nhà kinh doanh vàng thấy rằng giá vàng tương lai sẽ tăng do giá trị đồng USD giảm. Tất cả những yếu tố đó sẽ tác động đẩy giá vàng thế giới lên.

Tại Việt Nam, giá vàng chịu nhiều tác động bởi tỷ giá, lạm phát, kinh tế vĩ mô… Trong khi đó, câu chuyện tỷ giá hiện cũng là lại vấn đề đang được quan tâm tại thị trường trong nước khi tỷ giá VND/USD đã tăng vượt ngưỡng trên 25.000 đồng/USD và có thể tăng nữa và nó ảnh hưởng giá vàng vì có thể vàng bị nhập khẩu qua buôn lậu.

Thực tế vấn đề vàng trong nước và thế giới còn chênh lệch nhau cao và việc này tạo rủi ro cho người mua vàng và việc đó cũng vô tình “khuyến khích” cho hoạt động buôn lậu vàng. Đó là điều bất lợi cho kinh tế và bất lợi cho thị trường vàng.

ÔNG PHẠM THANH HÀ - PHÓ THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC:

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ổn định thị trường vàng

Trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế.

Để ổn định thị trường, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp; đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc…

Theo đó, để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Ngoài ra, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý; thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.

Đối với Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24 và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định 24 và triển khai trong thời gian tới.

Hoàng Long(lược ghi)

Hoàng Long

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/suc-nong-gia-vang-ty-gia-va-cau-chuyen-hai-hoa-trong-quan-he-kinh-te-149620.html