Sức sống của những “Ký họa thời chiến”

(HNMO) - Sau 35 năm, mặc dù chiến tranh ở nước ta đã chấm dứt, nhưng mọi ký ức của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc chẳng khi nào phai mờ. Hàng chục ngàn bức ký họa của hàng trăm họa sĩ đã tham gia chiến trường ghi chép lại một cách sống động, trực tiếp và phản ánh khí thế hào hùng của quân và dân trong hai cuộc kháng chiến.

Không ít những bức ký họa chiến tranh ấy là những ý tưởng và hình tượng chính cho các tác phẩm hội họa có giá trị cao của nhiều người và trở thành dấu ấn đặc biệt, rất nóng bỏng cho đề tài chiến đấu bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta. Nhưng hiện nay, rất nhiều bộ sưu tầm những ký họa chân thực này bị phân tán, rải rác ở nhiều nơi. Do đó việc gìn giữ và bảo tồn kho tàng ký họa thời chiến, một di sản văn hóa vật thể, cần được chú ý một cách sát sao, khoa học, nếu không chúng ta sẽ đánh mất đi những bộ nhật ký vô giá bằng hình phản ánh sức sống của nền hội họa cách mạng nước ta. Những ký ức nóng bỏng Có thể nói mỗi bức ký họa thời chiến đều phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và máu của người vẽ, bởi lẽ đã từng có khoảng 80 họa sĩ đã hy sinh trên chiến trường. Các họa sĩ-chiến sĩ luôn luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất và đã để lại những tác phẩm rạo rực tính hùng ca và hàng ngàn bức ký họa luôn luôn phập phồng hơi thở và mạch đập trẻ trung của trái tim người lính. Gần đây, trong cuộc triển lãm 200 ký họa thời chiến của mình, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu đã nói với vong linh của các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong mặt trận Quảng Trị, rằng: - “Nợ các anh, tôi không thể trả” Rồi ông kể chuyện về một bức ký họa, được vẽ vào đầu 1973, ở một trận địa chốt, trên sân bay Ái Tử, Quảng Trị. Đó là hình ảnh ghi lại cuộc giao ban của một tiểu đội ở ngay một căn hầm chữ A. Ông vẽ nhanh toàn bộ bối cảnh với một bố cục rất tự nhiên và sinh động. Nhưng không ngờ xong việc, ông vừa đi khỏi căn hầm, thì một loạt pháo dội xuống trận địa. Cả tiểu đội ấy đã bị chôn vùi trong bom đạn, trong khi còn chưa kịp ăn bữa cơm sáng. Đó là hình ảnh những người lính trẻ, tươi sáng, thông minh mới rời ghế nhà trường, tạo nên sự xúc động mạnh đối với người xem. Đây là một trong gần 1000 bức ký họa của Phạm Ngọc Liệu, vẽ trong hai năm, khi tham gia chiến trường Quảng Trị. Ông là người đầu tiên làm triển lãm cá nhân, với các ký họa thời chiến, tại Bảo tàng Lich sử quân sự Việt Nam, vào dịp 30-4-2009. Cùng vào giai đoạn này, họa sĩ Bùi Quang Ánh, hiện ở TP Hồ Chí Minh, cũng từng vẽ khoảng 150 ký họa về một giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, ở Trường Sơn, từ năm 1968 đến 1975. Ông bồi hồi nhớ lại, có những cảnh huống rất khốc liệt, ở chốt trọng điểm, phải vẽ thật nhanh, nhiều khi còn vẽ vào thời điểm giữa hai trận bom; ở dưới hầm vượt lên, ông vẽ nhanh rồi lại chạy xuống ngay. Sống chết đều may rủi cả, nên ông vẽ trong một tâm trạng hết sức mạnh mẽ, do vậy những hình vẽ của ông có sức thu hút lạ kỳ. Thêm nữa, có bức ký họa ông vẽ dưới hầm sâu 40 mét, để mô tả cuộc họp quan trọng, có tính quyết định ngay trên trận địa, nhưng chỉ diễn ra trong vài phút. Ông luôn tâm niệm, đây là những thời khắc hiếm hoi, sự thật chỉ có mình ghi lại được, nên không thể bỏ qua. Đó là những khoảnh khắc có một không hai trong lịch sử đã được ghi lại trong ký họa của họa sĩ Bùi Quang Ánh. Nhưng thật đáng buồn, sau này ông đã bán 30 bức cho các cựu chiến binh Mỹ, và các nhà sưu tập nước ngoài. Hiện ông đã giao số ký họa còn lại cho con trai và chỉ giữ cho riêng mình khoảng 20 bức để làm kỷ niệm. Ông có ý tỏ ý buồn phiền, vì các Bảo tàng Mỹ thuật ở ta rất chểnh mảng trong việc sưu tầm các ký họa kháng chiến. Quả thế khi các tác phẩm đã đi ra nước ngoài rồi, thật khó hy vọng chúng tìm được đường về. Vừa qua, vào tháng 4-2010, họa sĩ Lê Đức Tuấn, người đã tìm lại được cuốn ký họa chiến tranh của mình sau hơn 40 năm bị thất lạc, trong thời gian tham gia chiến đấu tại mặt trận ở Plâyku - KonTum. Người đã nhặt được cuốn ký họa ấy lại là một thiếu tá người Mỹ, R.Simson, vào năm 1968, trong một trận càn. Thật may sao viên thiếu tá này đã dịch tất cả các dòng chú thích cho từng bức ký họa, sang tiếng Anh, rồi tặng lại cho viên tướng William R. Peers, chỉ huy mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh. Sau khi trở về nước, viên tướng này đã cất giữ cuốn ký họa gồm 109 bức, trong suốt mấy chục năm trời. Trước khi mất vào năm 1984, ông có nguyện vọng trao lại tác phẩm cho người đã vẽ chúng. Vậy là trong nhiều kỷ vật được quân đội Mỹ trao tặng cho Bảo tàng lịch sử quân sự, vào đầu năm 2010, có tập ký họa này. Họa sĩ Lê Đức Tuấn hết sức xúc động nói: -“Tôi không nghĩ rằng mình còn gặp lại cuốn nhật ký do bên kia lưu giữ. Họ đã giữ quá cẩn thận. Sau 41 năm mà không hề thay đổi chút nào. Có khác chăng chỉ là những trang nhật ký đã ngả mầu theo thời gian.” Nỗi niềm bày tỏ Những câu chuyện trên cho thấy, hiện còn hàng chục ngàn bức ký họa còn nằm đây đó, và lặng lẽ trong tay các họa sĩ, hoặc các nhà sưu tầm yêu thích mảng ký họa thời chiến. Chúng có một đời sống chìm nổi, lẩn khuất, dễ bị quên lãng theo thời gian. Mặc dù trước đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã từng tỏ sự quan tâm, qua triển lãm “Ký ức kháng chiến”, hồi 2003, với 117 bức ký họa mầu nước, mực, chì, than được chọn lọc qua nhiều thế hệ họa sĩ sáng tác từ năm 1945 đến 1975. Thật khó ai có thể quên các bức ký họa đẹp và gợi cảm như: “Ông cụ cầm điếu cày”, “May áo”, “Chuẩn bị đi chợ” của Tô Ngọc Vân; hay họa sĩ Trần Văn Cẩn luôn luôn sinh động qua các tác phẩm “Lớp học bình dân làng Bền” và “Xưởng rèn trong chiến khu”, thì họa sĩ Mai Văn Hiến lại mơ màng với tác phẩm “Lán tranh”…Cùng với các họa sĩ lão thành, còn có sự đóng góp rất phong phú và nhiều nét vẽ hừng hực khí thế chiến đấu của lớp họa sĩ trẻ ở chiến trường miền Nam như Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam…Bộ sưu tập của triển lãm tuy rất ít nhưng phần nào đã gắn bó với những chiến tích của lịch sử cách mạng Việt Nam. Nhưng, phải đến dăm năm sau một số bộ ký họa mới có dịp đến với người xem qua các triển lãm, ở địa phương như: “Ký họa kháng chiến miền Tây Nam bộ”, tại Cần Thơ, hoặc “Triển lãm sưu tập ký họa kháng chiến”, ở TP Hồ Chí Minh. Tính như vậy suốt 35 năm, sau ngày chiến tranh chấm dứt, hàng chục ngàn bức ký họa bị mai một và âm thầm trong khó khăn. Ngoại trừ mốt số họa sĩ trung thành với đề tài chiến tranh, thì chỉ khai thác phần nào những ký họa của mình, hoặc chọn lọc để mở triển lãm như Nguyễn Nam Ngữ, ở Đồng Nai; và mới đây là Phạm Ngọc Liệu, ở Hà Nội. Còn hàng trăm họa sĩ khác, tham gia chiến trường, lại chưa khai thác những ký họa của chính mình, một cách hữu ích nhất. Họa sĩ Lê Trí Dũng, khi nói về những ký họa thời chiến của mình, không khỏi suy tư, vì ông nghĩ rằng, những ký họa trong chiến tranh của ông là những ghi chép thiêng liêng trong thời gian tham gia mặt trận, từ Quảng Trị, hồi 1972, đến Sài Gòn, năm 1975. Đúng là giờ đây hàng loạt kho tàng của những ghi chép thiêng liêng ấy đạng bị cất kho. Đời sống của chúng chưa được người đời biết đến như những nhân chứng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều họa sĩ còn chưa có dịp khai thác cho hết ngọn nguồn tư liệu quý giá này. Không ít họa sĩ của thời chiến đã về già hoặc còn nhiều người phải lo toan cho cuộc mưu sinh mà quên đi những ghi chép thiêng liêng ấy. Mặc dù như ai đó đều nhận định rằng những ký họa thời chiến đều là những di sản vô giá, nhưng nếu để lưu kho và tản mát như hiện nay, rất dễ dẫn đến hệ lụy khó lường như hỏng nát, thất lạc, hoặc bị bán đi một cách lặng lẽ cho các nhà sưu tập nước ngoài, như trên dã nói thì quả là đáng tiếc. Các nhà sưu tập nói gì? Có người hình dung, nếu dày công sưu tập, thật sự tâm huyết với các ký họa thời chiến thì sẽ có một bộ lịch sử chiến tranh cách mạng bằng hình ảnh chân thực, gây xúc động lòng người. Bởi ai cũng biết cái hơi hưóng thẩm mỹ đầy lãng mạn trong thơ Quang Dũng, đã lẩn sâu vào từng nét vẽ ký họa với tâm trạng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Do vậy xem bất cứ bức ký họa nào cũng đều thấy nét tươi nguyên của hồn thơ thấm đẫm trên chiến hào. Nói cái sự vô giá của những bức ký họa là ở chỗ đó. Lại có nhà sưu tập ước, các bảo tàng Mỹ thuật, hay các nhà hảo tâm nhanh chóng cho in lần lượt những bộ sách ký họa thời chiến, với các tác phẩm được chọn lọc của các họa sĩ đã từng tham gia với vai trò người lính vẽ trên chiến trường thì tốt biết mấy. Bởi chúng không còn là tài sản của một người nữa, mà là của mọi người, và sẽ trở thành nguồn tài liệu gợi hứng sáng tác cho những họa sĩ theo đuổi đề tài chiến tranh; Đây là một trong những đề tài quan trọng và nổi bật trong nền hội họa nước nhà.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/van_hoa/369975/suc-song-cua-nhung-ky-hoa-thoi-chien.htm/