Sức sống mới bên dãy núi Huyền Đinh

Mỗi lần về với vùng đất sông Lục, núi Huyền tôi lại nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Lai: Sông Lục Nam mềm xanh/... Đồng nhỏ trong thung, mảnh ruộng chân đồi/ Màu lúa chín tràn về tận cửa; hay... Trung du thơm như khay mật ong chiều/ Đến sỏi đá cầm lòng còn chẳng được/ Ai hát khúc núi đồi thuở trước/ Dẫu không đò, ta cũng phải sang ngang. Vùng đất Lục Nam vốn mang trên mình vẻ đẹp thiên nhiên lộng lẫy , nay vẻ đẹp đó như được nhân lên đôi phần bởi nhà cửa khang trang, xóm làng ngăn nắp và người Lục Nam cần cù, biết làm giàu trên chính quê hương mình.

Phát huy truyền thống vùng đất trung du

Người Lục Nam có tiếng là cần cù chịu khó. Một cán bộ ở Hà Nội về công tác nói với tôi rằng: Sáng sớm đi qua huyện Lục Nam đã thấy người dân tất bật trên đồng, chiều muộn khi về qua Lục Nam thấy người làm ruộng vẫn đông như trảy hội. Trước đây Lục Nam là vùng đất thuộc ba huyện: Phượng Nhỡn, Lục Ngạn và Bảo Lộc thuộc trấn Kinh Bắc. Mùa xuân năm 1957, thực hiện Nghị định số 24-TTg ngày 21-1-1957 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Lục Nam chính thức được thành lập. Toàn huyện khi đó có 19 xã và một thị trấn. Lục Nam sở hữu địa hình khá độc đáo, có vùng chiêm trũng, đồng bằng, có vùng trung du lúp xúp những đồi và có cả rừng núi nguyên sinh của dãy Huyền Đinh với bao ghềnh thác.

Thuần nông và nghèo khó như bao miền đất khác nhưng Đảng bộ và nhân dân Lục Nam vẫn luôn tự hào về những đóng góp của mình cho đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có 8.551 người con của quê hương Lục Nam lên đường nhập ngũ, 3.320 người tham gia dân công hỏa tuyến. Trên các chiến trường, có hơn 2.600 người con ưu tú của quê hương anh dũng hy sinh, cùng hàng nghìn thương binh, bệnh binh… Cùng với việc đóng góp sức người, sức của chi viện cho các chiến trường, nhân dân Lục Nam còn trực tiếp tham gia các trận đánh lớn trên địa bàn, như trận đánh bốt Cẩm Lý, đốt kho xăng Đồi Ngô… Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý. Với 12.934 Huân, Huy chương Kháng chiến, chín xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 196 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hai người con của quê hương được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, một Anh hùng Lao động và nhiều người giữ những chức vụ quan trọng trong Quân đội như: Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương; Trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô Lư Giang; Anh hùng LLVT nhân dân Tô Quang Lập; Anh hùng Lao động Thân Công Khởi. Năm 2000, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Lục Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày nay, Lục Nam vươn mình mạnh mẽ và năng động trong xây dựng nông thôn mới. Có dịp đi thăm năm xã xây dựng thành công nông thôn mới của Lục Nam là Bảo Đài, Đông Hưng, Tiên Hưng, Phương Sơn, Đông Phú mới thấy những đổi thay vượt bậc về đời sống cũng như bộ mặt nông thôn nơi đây. Quang cảnh thường gặp là những ngôi nhà rộng rãi hai, ba tầng có mái đỏ, tường sơn vàng nổi bật ở giữa khu vườn cây trái sum suê. Đường làng ngõ xóm được cứng hóa, nhà nào cũng có vườn cây, tạo nên một không gian sung túc và bình an cho những vị khách phương xa. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Lục Nam đã có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất, hàng nghìn hộ dân ủng hộ đóng góp tiền của vượt mức để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi cũng như nhiều công trình phúc lợi khác. Đó cũng là lý do huyện Lục Nam được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh Bắc Giang. Để có được kết quả đó, nhiều năm qua chính quyền huyện Lục Nam đã mạnh dạn chi dùng hơn 50% tiền ngân sách hằng năm để đầu tư xây dựng đường giao thông, từ đó tạo thành phong trào cứng hóa đường nông thôn rộng khắp trong nhân dân. Vì thế mới có những con đường ngân sách của huyện đầu tư hai tỷ đồng nhưng tổng kinh phí xây dựng do người dân, doanh nghiệp đóng góp lên đến gần mười tỷ đồng để con đường được dài hơn, đẹp hơn. Theo báo cáo về xây dựng nông thôn mới của huyện Lục Nam, hiện huyện đã có 17 xã đạt được từ 10 đến 14 tiêu chí. Để thực hiện xây dựng nông thôn mới, ngân sách nhà nước các cấp và nhân dân đã đầu tư tổng số tiền hơn 81 tỷ đồng, trong đó tiền do nhân dân đóng góp là hơn 35 tỷ đồng. Trong 5 năm qua đã cứng hóa được 350,5 km đường giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ gần 60% hệ thống giao thông trên toàn huyện. 94,9% số trường học trên địa bàn đã được kiên cố hóa. Số thôn, bản có nhà văn hóa là hơn 88%...

Không chỉ vùng nông thôn Lục Nam thay đổi diện mạo, bộ mặt đô thị của Lục Nam cũng đang chuyển dịch từng ngày. Thị trấn Đồi Ngô, trung tâm huyện lỵ trở nên đông đúc và sôi động hơn bao giờ hết. Chính quyền huyện đang triển khai lập đề án phát triển thị trấn Đồi Ngô thành đô thị loại IV vào năm 2020, trong đó có đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị trấn Đồi Ngô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với diện tích là 755 ha. Hiện nay, thị trấn đã xây dựng được nhiều khu đô thị hiện đại và đồng bộ, các tuyến đường nội bộ và đường kết nối thị trấn với vùng phụ cận được mở rộng, nâng cấp và chỉnh trang khá hoàn thiện. Nhiều hạng mục đầu tư như bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, sân vận động đã hoàn thành và được khai thác hiệu quả. Nhất là dự án cải tạo, nạo vét, xây kè hồ Thanh niên nằm tại trung tâm thị trấn đã tạo nên cho thị trấn một không gian xanh hiện đại, khiến du khách đi ngang qua không khỏi trầm trồ khen ngợi.

Vững vàng phát triển

Chính quyền và người dân huyện Lục Nam đã sớm chọn được cho mình hướng đi đúng đắn trong phát triển nền nông nghiệp bền vững, tạo dựng giá trị kinh tế cao. Ngoài diện tích trồng lúa, ở Lục Nam vùng chiêm trũng được quy hoạch ổn định cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm gồm các xã: Bảo Đài, Đông Phú, Cẩm Lý, Khám Lạng. Vùng sản xuất rau an toàn, rau chế biến, rau màu truyền thống gồm các xã: Thanh Lâm, Bảo Sơn, Đông Hưng, Tam Dị, Tiên Hưng... Vùng sản xuất dưa hấu và các loại cây lấy củ tập trung tại các xã: Khám Lạng, Chu Điện, Đồi Ngô, Đông Phú, Bảo Sơn, Bảo Đài... Vùng chuyên canh cây ăn quả nhãn, na nức tiếng tập trung tại các xã: Đan Hội, Huyền Sơn, Đông Phú, Cương Sơn, Nghĩa Phương, Lục Sơn. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Lục Nam đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 1.200 ha đất ruộng, tạo ra nhiều cánh đồng mẫu lớn, đưa hiệu quả sản xuất tăng từ 40% đến 49% so với ngoài cánh đồng mẫu. Tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện ổn định khoảng 96.000 tấn/năm, giá trị sản xuất trên một héc-ta đất nông nghiệp đạt 78 triệu đồng/năm. Hằng năm, tổng đàn trâu bò của huyện duy trì ở mức gần 25 nghìn con, đàn lợn 150 nghìn con, đàn gia cầm gần hai triệu con, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1.820 ha. Nhìn vào những thành quả trong phát triển nông nghiệp của người dân Lục Nam không chỉ thấy sự nỗ lực không ngừng của người dân và các cấp chính quyền nơi đây mà còn thấy sự vận hành hiệu quả của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung mang lại giá trị kinh tế cao.

Trong thời gian tới, huyện Lục Nam tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, coi đó như nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Huyện đã thu hút được nhiều dự án cho phát triển nông nghiệp như: gia cố hệ thống đê sông Lục Nam, cải tạo hồ đập, kênh mương. UBND huyện đang thực hiện Dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, được đầu tư hơn 60 tỷ đồng với quy mô 55 ha tại xã Lan Mẫu. Dự án gồm các hạng mục chính như đường nội bộ, hệ thống kênh mương tưới, tiêu nước, trạm bơm... Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nuôi cá thâm canh, nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Đồng thời chính quyền huyện bước đầu triển khai xây dựng thương hiệu nông sản cho các sản phẩm nổi tiếng như dứa, na dai, hạt dẻ Lục Nam. Ngoài ra, trong nhân dân còn nở rộ nhiều mô hình nuôi con đặc sản như lợn rừng, nhím, ba ba, vịt trời... khiến cho sản vật của Lục Nam ngày càng phong phú.

Song hành cùng với nông nghiệp, trong những năm gần đây hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp đã được xây dựng ở Lục Nam và đi vào hoạt động, giải quyết hàng chục nghìn việc làm cho người dân trong huyện. Đã và đang có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lục Nam tìm hiểu đầu tư, phát triển công nghiệp. Huyện Lục Nam cũng tạo dựng những cơ chế tốt nhất, thông thoáng nhất để thu hút đầu tư, nhất là trong hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất, giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND huyện Lục Nam Hà Quốc Hợp cho biết, chính quyền huyện luôn tạo dựng môi trường tốt để thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như chế biến nông, lâm, thủy sản, gia công bởi huyện có sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào, giao thông thuận lợi và lực lượng lao động đông đảo.

Chia tay huyện Lục Nam, xe của chúng tôi bon bon trên đường tỉnh 293, còn gọi là "đường tâm linh". Con đường rộng thênh thang, một đầu kết nối với cửa ngõ Thủ đô, một đầu về chân núi Yên Tử (nơi cõi thiêng của Thiền phái Trúc Lâm) đã và đang mở ra vận hội mới cho Lục Nam vươn mình phát triển. Những địa danh Dùm, Mai Sưu rồi Đủng Đỉnh nghe xa ngái ngày xưa giờ trở nên gần gũi thân thuộc. Các khu du lịch suối Mỡ, suối Nước Vàng, suối Rêu, thác Thùm Thùm... ngày càng thu hút được nhiều khách phương xa. Họ đến với Lục Nam để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, thưởng thức sản vật của một vùng trung du trù phú, để được đắm mình với bản sắc các văn hóa dân tộc như: hát Sli, Lượn, Soong Hao của dân tộc Nùng; hát Then của dân tộc Tày; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan; hát Soong Cô của dân tộc Sán Dìu... Huyện Lục Nam đang hội đủ yếu tố thế và lực để vươn mình phát triển mạnh mẽ, người dân Lục Nam vẫn cần mẫn và tích cực hội nhập sẽ sớm đưa nền kinh tế - xã hội nơi đây phát triển đạt một tầm cao mới.

Mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2015-2020 mà Đảng bộ huyện Lục Nam đề ra là phấn đấu đưa Lục Nam trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Huyện xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 như tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm 16-16,5%; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 110 - 120 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2 - 3%/năm; giải quyết việc làm mới bình quân mỗi năm cho 3.100 - 3.600 lao động, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt hơn 90%, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31866902-suc-song-moi-ben-day-nui-huyen-dinh.html