Sức sống mới ở Huồi Sơn

Đã 5 năm trôi qua, kể từ chuyến đi đầu tiên cùng BĐBP Nghệ An đưa quân lên mở "chiến dịch" xây dựng bản điểm Huồi Sơn. Nay chúng tôi mới có dịp trở lại vùng đất khó ở khu vực biên giới này. Được thấy một Huồi Sơn "quá khứ và hiện tại" có cảm giác, sự đổi thay diễn ra từng ngày.

Cuộc sống của đồng bào ở Huồi Sơn đang khởi sắc từng ngày.

Trên đường từ Đồn BP Tam Hợp vào bản Huồi Sơn, Đại úy Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên phó Đồn BP Tam Hợp nói với chúng tôi rằng, bản làng của đồng bào Mông giữa rừng xanh đã có điện lưới quốc gia, trường học, nhà văn hóa cộng đồng khang trang, nhà nhà có ti vi. Những người dân đồng bào Mông thuở nào chưa thể cầm cày "đi sau" con trâu thì giờ đây có thể sử dụng máy cày thành thạo.

Câu chuyện vui của Đại úy Hùng như làm cho quãng đường từ đồn biên phòng xuống bản được rút ngắn lại. Chỉ hơn 15 phút chạy xe máy, Huồi Sơn đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ con dốc nhìn xuống, bản làng như một bức tranh đa sắc màu giữa đại ngàn. Dãy nhà kiên cố lợp tôn màu đỏ của điểm trường tiểu học, màu tôn xanh của Tổ công tác Biên phòng, màu trắng prô-xi măng của hàng chục ngôi nhà gỗ khang trang. Đi sâu vào bản, chúng tôi gặp nhiều bạn trẻ đang phát cây hai bên đường. Hỏi ra mới biết, hôm nay, Đoàn Thanh niên của bản tổ chức dọn vệ sinh trong khu vực dân cư. Trên những thửa ruộng lúa nước mới được khai phá, nhiều hộ gia đình đang cày ải chuẩn bị cho vụ lúa thứ 2 trong năm.

Điểm chúng tôi ghé chân đầu tiên là Tổ công tác Biên phòng, do Thượng úy Lầu Bá Rê, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Tam Hợp phụ trách. Tổ công tác có nhiệm vụ vừa bám nắm địa bàn, xây dựng cơ sở chính trị, vừa giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây cũng là Trạm xá quân dân y kết hợp để chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Khi nói về cuộc sống của đồng bào ở Huồi Sơn, Thượng úy Rê hào hứng lấy xe máy chở chúng tôi đi một vòng quanh bản: "Anh thấy đấy, cơ sở hạ tầng ở đây từ điện, đường, trường, trạm đều được xây dựng kiên cố. Nhân dân giờ đã biết làm lúa nước, phát triển chăn nuôi, có đàn bò hàng chục con, không còn hộ gia đình nào bị đói. Một số hộ còn có của ăn của để, dành cho con cái học hành. Điều đáng mừng hơn, gần như 100% số hộ gia đình đều có ti vi để xem". Đem lời của cán bộ biên phòng vào để "đối chất" với anh Xồng Bá Xềnh, một người dân trong bản thì được anh khẳng định: "Cán bộ Rê nói thật đấy! Những ngày mới chuyển về đây, cuộc sống của bà con còn khó khăn, lạc hậu lắm. Người lớn tuổi chỉ dám mơ sao không bị đói, trẻ con biết cái chữ. Nhưng giờ đây, chỉ sau 5 năm, giấc mơ đã trở thành hiện thực".

Kết quả tất yếu từ sự tận tâm

Bản Huồi Sơn được thành lập vào đầu năm 2008, trên cơ sở sáp nhập hai bản Huồi Sến và Tân Sơn, với 47 hộ đồng bào Mông sinh sống. Trước đó, đồng bào ở Huồi Sến và Tân Sơn chủ yếu sống du canh, du cư trên rừng núi sát biên giới Việt - Lào. Cuộc sống gần như tách biệt với xã hội bên ngoài, nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, song hành với đó là những hủ tục lạc hậu. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, khi một số người dân bị các phần tử xấu lợi dụng, kích động, dẫn đến hành động trái pháp luật.

Với quyết tâm đưa cuộc sống của đồng bào Mông thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, ổn định cuộc sống lâu dài, năm 2008, BĐBP Nghệ An chủ trương di dời tất cả các hộ dân của hai bản nói trên về vị trí mới thuận lợi hơn. Đồng thời, triển khai xây dựng Huồi Sơn thành bản điểm văn hóa trên biên giới.

Để thực hiện chủ trương trên, BĐBP Nghệ An đã thành lập tổ công tác cắm chốt ở Huồi Sơn. Cán bộ biên phòng kiên trì bám bản, tích cực vận động nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Để bà con không di cư, BĐBP Nghệ An đã cùng các cấp, các ngành của địa phương huy động nguồn lực, vận động đóng góp, thực hiện kiên cố hóa nhà ở cho tất cả hộ dân trong bản. Chỉ trong năm 2009, toàn bộ 47 hộ dân ở Huồi Sơn đều được vào ở trong những ngôi nhà mới khang trang. Niềm khát khao lớn nhất của cuộc đời họ đã thành hiện thực. Khi dân đã "an cư", để đảm bảo lương thực về lâu dài, BĐBP đã vận động nhân dân trong bản khai hoang ruộng lúa nước tại các vị trí phù hợp. Cùng với đó là trồng các loại nông sản như khoai sọ, bầu bí, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trạm quân dân y luôn rộng cửa sẵn sàng cứu chữa nhân dân khi ốm đau, bệnh tật. Điểm trường Tiểu học xã Tam Hợp tại bản Huồi Sơn cũng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp để trẻ em được cắp sách đến trường học chữ. Song song với triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở, BĐBP Nghệ An rất chú trọng đến củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn. Đến nay, chi bộ Đảng ở Huồi Sơn đã được thành lập với 7 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên là con em ưu tú của đồng bào. Các tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đều hoạt động nền nếp. Cuộc sống của đồng bào Mông ở Huồi Sơn đang đổi thay từng ngày. Đó cũng là kết quả tất yếu từ sự tận tâm của những người lính biên phòng với bà con dân bản.

Viết Lam - Trọng Hoàng

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/353/353/20874/Suc-song-moi-o-Huoi-Son/bbp.aspx