Sức Trẻ Trên Đảo Thanh Niên Bạch Long Vĩ

ND - "Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Em đứng trên biển đông. Thôn xanh Phù Thủy Châu. Mênh mông sóng bạc đầu. Gió rì rào năm tháng...". Lời hát của nhạc sĩ Huy Du từ lâu cứ thôi thúc làm lớn dần trong tôi mơ ước được đến miền biển đảo xa xôi của Tổ quốc, nơi gắn liền với bao huyền thoại cổ xưa và ký ức hào hùng một thời chưa xa của dân tộc. Mong ước ấy đã trở thành hiện thực với tôi trong Tháng Thanh niên này.

Những người trẻ dựng xây quê mới Sau hơn tám giờ đồng hồ bồn chồn giữa biển đêm, trên con tàu HQ 634, chúng tôi đến đảo thanh niên Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) lúc gần sáng. Một chút ngạc nhiên khi thấy mầu xanh áo lính và mầu xanh tình nguyện của sắc phục TNXP nổi bật trong đoàn ra đón khách đến đảo. Tiếng cười nói râm ran phút gặp nhau loang xa trong màn sương sớm. Cảm nhận đầu tiên là sự ấm áp, thân thiện. Ở đảo không lâu nhưng mỗi thành viên trong đoàn đều thấy thân thiện và mến khách dường như là nét chung của những người trên đảo. Câu chuyện đầu tiên tôi biết được là về những TNXP. Ở đảo, gần như mọi hoạt động, mọi công trình đều có sự góp sức của các anh, các chị. TNXP là lực lượng nòng cốt trong việc tham gia xây dựng nhiều công trình điện, đường, trụ sở làm việc của các cơ quan, chăm sóc bảo vệ rừng phòng hộ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, làm đẹp cảnh quan môi trường. Huyện đảo khang trang được như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của lực lượng TNXP trong suốt 15 năm qua. Là một trong những người tình nguyện tham gia TNXP ra đảo Bạch Long Vĩ, vợ chồng chị Vũ Thị Ngân đã tròn 15 năm gắn bó với đảo. Từ một cô gái nhút nhát, không lâu sau Ngân đã là một Liên đội trưởng rắn rỏi, quản lý điều hành công việc và chăm lo đời sống cho gần 200 con người, việc nào ra việc đấy. Hỏi chuyện chị Tạ Thị Tuyết - người trong đoàn ra đón chúng tôi, chị tâm sự: "Hai vợ chồng tôi đều là TNXP Bạch Long Vĩ, ra đảo đã được gần 5 năm. Đảo bây giờ vui hơn trước rất nhiều, đây sẽ là quê mới của chúng tôi và các con". Vợ chồng chị Tuyết đã có một cháu gái hai tuổi. Công việc hằng ngày khá bận rộn, nhưng anh chị đều hài lòng vì điều kiện sống trên đảo khá ổn định, con cái được nhà trẻ, mẫu giáo của đơn vị chăm lo rất chu đáo. Trường tiểu học Bạch Long Vĩ nằm bên bờ biển, khá khang trang. Đang giờ ra chơi, các cô giáo cùng học sinh quây quần thành từng nhóm; nhóm chơi trò rồng rắn, nhóm thì ôn lại mấy bài hát chuẩn bị cho đêm giao lưu văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, mừng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Cô giáo Phạm Thị Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tất cả các em đến tuổi ở đảo đều được đến trường. Ở đây, phần lớn thời gian trong ngày các cô đều dành cho việc dạy và học. Các cháu rất ngoan và chăm học. Từ mái trường này đã có rất nhiều em tiếp tục vào đất liền học lên tới đại học, cao đẳng. Trong đó các em như Vũ Thị Nga, Hoàng Thị Việt Hà, Lê Khắc Thanh, Trần Thị Hương... sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải, Cao đẳng Kinh tế ... đã tình nguyện trở lại đảo công tác. Bản thân cô giáo Hà cùng chồng là cán bộ Trung đoàn 952 cũng đã tròn 15 năm gắn bó với huyện đảo. Không riêng gì chị Ngân, chị Tuyết, các bạn trẻ tham gia TNXP, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng cái chung nhất là ý chí vì ngày mai lập nghiệp. Chính vì vậy, từ môi trường TNXP nhiều người đã trưởng thành. Hơn 40 cán bộ đội viên từ lực lượng TNXP đã được điều động về công tác tại cơ quan Huyện ủy, UBND huyện và các đơn vị kinh tế trên đảo, ngày càng gắn bó hơn với quê mới. Điểm tựa vững chắc Trong âu cảng Bạch Long Vĩ, hàng trăm tàu thuyền đánh cá của ngư dân từ Quảng Ninh tới Quảng Ngãi đang ghé vào đảo bán cá mực cho các đại lý thu mua; rồi lại lấy dầu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho chuyến ra khơi mới. Ông Nguyễn Thế Quảng, ngư dân từ huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết: Ở đảo tất cả các mặt hàng chuẩn bị cho mỗi chuyến ra khơi dài ngày đều có sẵn, giá cả cũng dễ chịu; riêng dầu máy thì giá bằng mua ở trong bờ. Còn điều kiện chăm sóc y tế ở Bạch Long Vĩ thì rất tốt, nhất là tinh thần phục vụ của các y sĩ, bác sĩ. Bác sĩ Quân y Ngô Bá Canh thuộc Trạm xá Quân dân y - Trung đoàn 952 cho biết: Trung bình mỗi tháng, trạm tiến hành thăm khám cho hơn 200 người dân ở đảo và ngư dân đánh cá. Riêng trong cơn bão số 10 vừa qua, trạm y tế đã tiến hành chữa trị và cấp thuốc miễn phí cho hơn 100 người dân ở đảo và ngư dân bị nạn, trong đó có trường hợp bệnh nhân bị gãy xương đùi, xương cẳng tay. Khi chúng tôi tới, bác sĩ Canh đang điều trị cho bệnh nhân Phạm Thị Tuyết, là ngư dân xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh bị cảm sốt biến chứng, vừa được chồng đưa từ thuyền đánh cá vào. Nói về nhiệm vụ của đơn vị trên đảo, Thượng tá Đỗ Đình Nam, Chính ủy Trung đoàn 952 - Hải quân vùng A, cho biết: Song song với việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn luôn phối hợp với các lực lượng trên đảo làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho ngư dân. Nhiều năm qua, với sự có mặt thường trực của các lực lượng, đảo thanh niên Bạch Long Vĩ đã trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân an tâm làm ăn trên ngư trường rộng lớn và giàu tài nguyên này. Những ngày này, chỉ huy đơn vị đang triển khai kế hoạch phối hợp với các cơ quan trên đảo tổ chức thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, giao lưu văn nghệ. Chiến sĩ trẻ, đoàn viên Hoàng Đình Hiệp, quê ở Vũ Thư, Thái Bình, chia sẻ: Những hoạt động giao lưu thanh niên đảo đã giúp chúng tôi có cuộc sống tinh thần phong phú, lành mạnh, để từ đó yên tâm công tác và cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đảo, bảo vệ nhân dân. Dọc theo con đường bê-tông phẳng lỳ dẫn vào trung tâm huyện đảo, nơi lực lượng TNXP đang khẩn trương lắp đặt các bóng đèn chiếu sáng, chúng tôi thấy hàng hóa từ đất liền đưa ra, cá mực từ tàu thuyền ngoài khơi đưa vào đầy kín các quầy hàng. Chị Dương Thị Thảo, chủ một quầy dịch vụ gần âu tàu không giấu niềm vui vì năm qua bán được khá nhiều hàng. Tính đến cuối năm vừa qua, vợ chồng chị tiết kiệm được hơn 70 triệu đồng. Tết vừa rồi, nhà chị càng vui hơn, vì được đón bố từ quê ra ăn Tết. Huyện đảo Bạch Long Vĩ hôm nay đã là đất lành của không chỉ riêng lực lượng bộ đội và TNXP.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=170972&sub=130&top=37