" Súp xanh" - Những mẫu xe SUV chạy điện nổi bật

(ĐTTD) Xe hơi sử dụng động cơ điện (EV – Electric vehicle) đang ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ có các mẫu xe con nhỏ gọn, mà giờ đây EV đã có mặt trên hầu khắp các phân khúc, kể cả xe con hạng siêu sang hay xe tải siêu nặng.

Những conpept xe điện độc đáo tại CES Asia 2016

GM và LG cùng phát triển xe điện Chevrolet Bolt

Porsche Mission E: Siêu xe điện

SUV sử dụng động cơ điện có những ưu thế mà xe động cơ đốt trong truyền thống “khó với tới”. Thứ nhất, nó không cần đốt ôxy và cũng không có ống xả nên (gần như) hoàn toàn không sợ mưa, ngập. Thứ hai, các mô tơ điện có thể được lắp riêng cho từng bánh và hoạt động hoàn toàn độc lập, giúp xe có thể vượt các địa hình vô cùng phức tạp mà không cần hệ thống vi sai phức tạp. Đương nhiên, với các mô tơ riêng dẫn động cho từng bánh, hệ hộp số cơ khí (kể cả số tự động hay số tay) phức tạp và nặng nề cũng sẽ được loại bỏ.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có mẫu xe địa hình SUV nào thực sự chỉ vận hành bằng động cơ điện. Lý do thì có nhiều, nhưng “lực cản” lớn nhất vẫn là công mức tiêu hao năng lượng lớn, trong khi dung lượng điện dự trữ lại bị hạn chế - nôm na là bình ắc quy đòi hỏi không gian quá lớn và tải trọng lại quá nặng. Hiển nhiên, rào cản này không ngăn được các ý tưởng thiết kế SUV chạy điện bởi ai cũng hy vọng trong tương lai không xa sẽ xuất hiện các phát minh mang tính đột phá về lưu trữ cũng như nạp điện cho xe hơi, tương tự như cuộc “cách mạng pin” đang diễn ra trong ngành điện thoại di động. Trong bài viết, chúng ta cùng khảo sát một số mẫu thiết kế ý tưởng SUV chạy điện được coi là khả thi nhất hiện nay do chính các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới công bố.

Volkswagen BUDD-e

Mang thiết kế khá “lạ” đồng thời rất hiện đại, BUDD-e gây chú ý với bất cứ ai dù đó là ngưởi già hay trẻ, nam hay nữ. Điểm nhấn của mẫu xe tương lai này còn nằm ở khả năng kết nối hoàn hảo trong môi trường đa kết nối tương lai. Nó kết nối được cả tính năng di chuyển (gần như) vô giới hạn của xe hơi và kết nối của thiết bị IoT (Internet of Things) và nhờ vậy chủ sở hữu của nó sẽ có một văn phòng thông minh di động. BUDD-e sẽ được trang bị hệ thống Modular Electric Toolkit (MEB) đời mới nhất, cho phép lưu điện dung lượng lớn trong khi thời gian nạp nhanh. Ví dụ chỉ mất nửa tiếng là đã nạp được 80% dung lượng bình. Hệ thống pin nạp có tổng dung lượng 101 kWh được bố trí trải đều dưới sàn xe sẽ cung cấp năng lượng cho cặp động cơ hoạt động độc lập cho trục trước và trục sau.

Dự kiến, nó có thể đạt tốc độ cực đại 150km/h với quãng đường di chuyển giữa hai lần nạp điện tương đương 500km. BUDD-e concept không chỉ có động cơ đặc biệt, nó còn có kiểu dáng thiết kế cách tân, không gian trong xe cũng như các tiện nghi được ưu tiên hàng đầu. Xét về tổng thể, mẫu xe thừa hưởng các đường nét thiết kế của SUV Touran kết hợp với Multivan T6. Thiết kế bên ngoài xe phẳng phiu và gần như không có các chi tiết trang trí, kể cả gương hậu, nếu không tính đến các viền đèn mũi và đèn hậu Xe được trang bị các giao thức tối tân nhất, táp-lô trung tâm là hệ thống gồm nhiều màn hình hiển thị độc lập, đảm nhiệm các vai trò khác nhau từ dẫn đường định vị, giao tiếp với hệ sinh thái bên ngoài hay giải trí trong xe. Các tính năng điều khiển thông minh cũng được VW chú trọng tích hợp vào mẫu xe. Ngoài ra lệnh bằng giọng nói, chủ nhân có thể thực hiện nhiều tác vụ thông qua cử chỉ bằng tay.

Spyker electric SUV

Thương hiệu xe thể thao Hà Lan đang cùng cộng sự mới là hãng Volta Volaré, phát triển mẫu SUV chạy điện dựa trên phiên bản D12 Peking-to-Paris concept ra đời năm 2006. Khởi thủy là nhà sản xuất xe ngựa vào cuối thế kỷ XIX, Spyker đã nhanh nhạy khai phá thị trường xe hơi rồi máy bay nhưng rồi lụi tàn dần sau thế chiến I. Vào năm đúng năm cuối cùng của thế kỷ XX, cái tên Spyker được hồi sinh nhờ Maarten de Bruijin và Victor Muller với định hướng sản xuất các mẫu xe thể thao cao cấp, phần lớn là theo đặt hàng. Tuy nhiên số lượng đơn hàng cứ trồi sụt và kể cả sau khi về cùng một nhà với Saab tình hình cũng vẫn xấu đi trông thấy. Năm năm trở lại đây, không một chiếc xe Spyker mới nào xuất hiện trên thị trường, nhưng với dự án SUV điện có thể tới đây ta sẽ lại được chiêm ngưỡng mẫu cánh quạt máy bay Spyker vang bóng một thời.

D12 Peking-to-Paris được coi là một thiết kế SUV tân tiến dù mang đậm phong cách retro. Cho tới thời điểm hiện tại, thông tin về cấu hình xe còn khá ít ỏi, chỉ biết rằng động cơ điện năng chưa đầy 15kg nhưng có thể sản sinh mô men xoắn tới 900Nm -tương đương với các siêu SUV hiện nay. Một điều khá thú vị: đối tác mới của Skyper lại cũng là một nhà khởi nghiệp bước chân vào lĩnh vực chế tạo máy bay, nhưng là máy bay sử dụng động cơ điện. Có lẽ Volta Volaré muốn hệ động cơ của mình trước hết phải chạy được trên mặt đất rồi mới tính đến chuyện bay bổng, hoặc cũng có thể họ “back – up” – trong trường hợp máy bay không bay được thì chuyển sang chạy dưới đất cũng ngon.

Mitsubishi eX

Là một trong những nhà tiên phong trên thị trường EV. Mitsubishi đã tung ra thị trường những mẫu xe EV khá ăn khách điển hình là i-MiEV. Hãng cũng có nhiều mẫu xe ý tưởng SUV chạy điện và gần như mỗi năm lại tung ra một mẫu tại các triển lãm xe hơi quốc tế lớn. eX Concept được giới thiệu lần đầu vào cuối 2015, tại Tokyo MotorShow (chỉ diễn ra vào các năm lẻ). Nó không chỉ thu hút khách bằng thiết kế vị lai bắt mắt mà mang tính thực tế khá cao.

Phần mũi mang phong cách “Dynamic Shield – Tấm khiên năng động” đang thịnh hành ở các mẫu xe thương hiệu Mitsubishi vài năm trở lại đây. Đương nhiên, các chi tiết và linh kiện đều hiện đại hơn, vật liệu cũng tân tiến hơn. Tính năng vượt địa hình được nhấn mạnh nhờ bốn bánh kích thước lớn và bộ mâm đúc thiết kế ấn tượng. Phần thân cứng được nâng cao, chiếm nhiều diện tích của cửa kính, nhưng bù lại nóc xe được làm từ kính liền khối chạy suốt từ trước tới sau. Thanh chống B được bỏ hoàn toàn và cửa “đại hội” được mở ra hai bên. Thiết kế của cặp gương ngoài cũng khá thú vị, nó được thu nhỏ hết mức, chủ yếu chỉ mang tính trang trí hoặc làm nhiệm vụ “xé gió” bởi chức năng chiếu hậu (và theo dõi 360o quanh xe) đã có hệ thống camera đảm nhiệm.

Mitsubishi dự kiến lắp cho mẫu eX hệ thống động cơ mô tơ kép cho trục trước và trục sau, đi kèm đó là hệ thống S-AWC điều khiển dẫn động 4 bánh. Hệ thống ắc quy dung lượng 45kWh sử dụng pin nạp lithium-ion. Thông tin chính thức về cấu hình xe chỉ dừng ở lại đây nhưng rất có thể mẫu concept này đang tiếp tục được Mitsubishi hoàn thiện và phiên bản nâng cấp sẽ được trình làng trong thời gian tới.

Audi e-tron quattro

Tuy cũng mới chỉ tồn tại ở dạng concept, nhưng thông tin về mẫu xe do chính hãng cung cấp khá đầy đủ. e-tron quattro concept sẽ cạnh tranh ở phân khúc SUV sang trọng, vừa đi địa hình tốt lại vừa có khoang lái rộng, nội thất và tiện nghi cao cấp. Xét về tông thể, mẫu xe trông không khác nhiều so với các xe dòng Crossover hiện nay ngoại trừ một số chi tiết như không có ống xả và… không gương.

Tuy kích thước đường bệ nhưng nó lại có hệ số cản trước chỉ 0,25, tương đương các xe con, thậm chí là xe thể thao. Audi dự kiến sẽ trang bị cho xe hệ động cơ chạy điện có công suất cực đại 370kW (gần 500 mã lực) và quan trọng nhất là bộ ắc quy đảm bảo cho xe đi quãng đường xa lên tới 500km. Thời gian tăng tốc của xe từ 0 lên 100 km/h rất đáng nể, chỉ trong vòng 4,6 giây và tốc độ cực đại đạt 210km/h. Hệ thống pin nạp tổng dung lượng 95kWh được rải đều dưới sàn xe. Nếu sạc từ nguồn DC 150kW thì mất chừng 50 phút là đầy bình, thời gian chỉ tương đương bữa ăn trưa. Ngoài ra, nó cũng có thể được nạp từ nguồn AC, hệ thống sạc không dây và đương nhiên là nguồn quang điện đến từ... nóc xe, nơi bố trí tổ hợp pin điện mặt trời. Đương nhiên, xe được trang bị tất cả các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay mà hãng đang sở hữu, từ hệ thống treo sẽ tự động hạ thấp khi xe chạy nhanh, camera quan sát 360o, hệ thống cảm ứng quét bằng laser... cho tới nhưng chất liệu “xịn nhất” cho trang trí nội thất.

Audi chưa có thông báo chính thức về thời gian dự kiến ra mắt nhưng theo đánh giá của giới mộ điệu, mẫu xe này rất gần với thực tế và hoàn toàn có khả năng dược “hiện thực hóa” trong vòng 3 – 5 năm tới với thay đổi không đáng kể.

Jaguar I-Pace

Vừa mới được trình làng cách nay chưa lâu nhưng I-Pace đã gây ra tiếng vang lớn bởi không chỉ khoe tham vọng trở thành siêu SUV chạy điện, cạnh tranh trực tiếp với siêu xe Tesla, mà còn được hứa hẹn sẽ ra mắt chính thức ngay cuối năm sau hoặc đầu 2018.

So với “truyền nhân F-Pace, mẫu xe mới thanh thoát hơn hẳn, thậm chí khó có thể nhận ra đây là mẫu xe SUV nếu không nhìn vào chiều cao của nó. I-Pace sở hữu một cặp động cơ (mô tơ) điện được đạt chính giữa hai trục trước sau và phối hợp truyền động qua một số đơn. Mỗi động cơ có công suất 197 mã lực (tổng hai động cơ = 395 mã lực) giúp xe có thể tăng tốc từ 0 lên 100km/h sau đúng 4 giây. Hệ thống ắc quy lithium ion dung lượng 90kWh sẽ cung cấp năng lượng cho xe chạy quãng đường vừa đúng 500km trước khi đòi hỏi phải xạc đầy lại trong vòng 2 tiếng.

Khác hẳn với tuyệt đai đa số các mẫu SUV, đuôi của I-Pace không cắt vuông xuống mà lại kép dài ra dạng nửa sedan nửa hatchback. Thiết kế này sẽ hy sinh một mặt không gian phía sau của xe nhưng được coi là thiết kế khí động học hoàn hảo. Nó sẽ giúp xe giảm lực cản đồng thời cân bằng hơn khi phóng nhanh. Thanh chắn gió trên nóc và ống thông khí được gắn vào vị trí ống xả cũng sẽ giúp cải thiện chỉ số động học. Một trong những điểm đáng chú ý nữa là I-Pace có hệ số cản trước chỉ 0,29 – kém tí chút so với thông số 0,24 của siêu xe thể thao chạy điện đang “hot” nhất Tesla Model-X.

ĐTTD

Nguồn ĐTTD: http://dientutieudung.vn/ca-fe/nhung-mau-xe-hoi-chay-dien-noi-bat/