Suy nhược do tác dụng phụ của thuốc

Thuốc dùng để chữa bệnh nhưng lại có thể gây ra tác dụng phụ bất lợi. Một trong số các bất lợi đó là gây ra sự mệt mỏi, suy nhược cơ thể... cho người dùng. Vậy đó là những thuốc nào?

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Người bệnh tăng huyết áp phải dùng thuốc điều trị và kiểm soát huyết áp thường xuyên, lâu dài. Đáng ngại đây là loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ, trong đó có các dấu hiệu mệt mỏi. Đa phần, khi mới dùng thuốc trị tăng huyết áp, bệnh nhân có thể có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đặc biệt với người cao tuổi. Nếu biểu hiện này nhanh chóng biến mất và cảm thấy tình trạng được cải thiện, người bệnh vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Thông thường, mệt mỏi và chóng mặt sẽ dần mất đi sau từ 3-5 tuần dùng thuốc. Nếu tình trạng này kéo dài hơn thì cần sự tư vấn của bác sĩ.

Thuốc chẹn beta là một nhóm thuốc thường được sử dụng rất nhiều trong điều trị bệnh tăng huyết áp, đau thắt ngực, loạn nhịp tim, suy tim... Cũng giống như nhiều loại thuốc khác, chúng ẩn chứa những tác dụng phụ và những tương tác không mong muốn gây hại cho sức khỏe. Loại thuốc này không thực sự được bệnh nhân yêu thích. Khi dùng thuốc, nhiều người phàn nàn, họ có cảm giác như bị cúm, cơ thể suy nhược... Các thuốc chẹn beta ức chế sản sinh adrenaline, một hormon khiến tim đập nhanh. Bằng cách làm chậm nhịp tim, chúng làm giảm áp lực máu lên thành động mạch (hay còn gọi là huyết áp). Nhưng có ít adrenaline cũng có thể làm giảm năng lượng của cơ thể, vì vậy gây mệt mỏi.

Rất nhiều thuốc có thể gây mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

Thuốc chống trầm cảm

Đây là một trong số những loại thuốc kê đơn phổ biến nhất, đặc biệt với phụ nữ (phụ nữ dễ mắc trầm cảm gấp 2 lần nam giới), nhưng chúng có thể gây mệt mỏi. Phần lớn các thuốc chống trầm cảm, bao gồm cả thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs) hoạt động bằng cách điều chỉnh serotonin, một hóa chất trong não chi phối tâm trạng, đóng vai trò quan trọng trong giấc ngủ. Mặc dù các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) có tác dụng an thần ít hơn các thuốc chống trầm cảm khác (gồm cả các thuốc chống trầm cảm 3 vòng), nhưng một số người sử dụng thuốc vẫn có cảm giác lờ đờ, chậm chạp, mệt mỏi. Khi dùng các thuốc SSRIs, 8-10 giờ đầu tiên là lúc thuốc có hiệu lực mạnh nhất. Nếu tình trạng của bệnh nhân tốt hơn lên khi dùng thuốc thì nên sử dụng thuốc vào ban đêm. Tiếc thay, bệnh nhân trầm cảm thường phải dùng thuốc lâu dài, có người dùng suốt đời, nên khi gặp các tác dụng phụ do dùng thuốc chưa đến mức quá đáng ngại thì người bệnh thường cố gắng chịu đựng. Nếu người bệnh dùng thuốc một thời gian mà không thể thoát khỏi cảm giác mệt mỏi, lờ đờ, thì hãy yêu cầu bác sĩ cho đổi thuốc khác.

Thuốc kháng histamin

Histamin là một trong những chất trung gian giữ vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng. Trong cơ thể, histamin có sẵn trong các mô như: da, phổi, niêm mạc miệng, dạ dày. Khi cơ thể bị dị ứng, các tác nhân gây dị ứng sẽ tác động lên phức hợp protein và giải phóng ra histamin, gây ra những phản ứng dị ứng từ phát ban, đỏ da, phù nề, khó thở, ngứa, ho, buồn nôn... cho đến các phản ứng trầm trọng như sốc phản vệ. Khi đó, chúng ta phải sử dụng các thuốc kháng histamin để điều trị. Các thuốc kháng histamine H1 là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị dị ứng như: viêm mũi dị ứng, nổi mày đay, ban da, viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, các trường hợp bị côn trùng cắn... Các thuốc kháng histamin đối kháng cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích và có tác dụng tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Histamin cung cấp năng lượng và giúp não hoạt động bình thường. Khi thuốc ngăn chặn chất này sẽ ức chế phản ứng dị ứng, nhưng lại cũng ức chế hoạt động bình thường của não. Các thuốc này khiến người dùng dễ bị lơ mơ, gà gật, mệt bải oải... Vì vậy nên dùng ban đêm để hỗ trợ giấc ngủ và người dùng bớt phải cảm nhận các tác dụng phụ.

Các thuốc chống lo âu

Các thuốc nhóm benzodiazepin nằm trong số những thuốc kê đơn phổ biến nhất và tất cả chúng đều gây mệt mỏi. Những loại thuốc này liên kết với một thụ thể trong não giải phóng hóa chất GABA. Khi GABA được giải phóng, nó báo hiệu cho não và cơ thể thư giãn, điều này có thể làm giảm lo âu căng thẳng ở một số người trong thời gian ngắn, nhưng cũng có thể, chúng hoạt động kém hiệu quả hơn, gây mệt mỏi hoặc thậm chí là buồn ngủ.

Lời khuyên của dược sĩ

Chứng mệt mỏi có thể xảy ra với bất cứ ai, có thể do dùng thuốc và cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa. Vì vậy, khi cảm thấy mệt mỏi, mọi người nên thay đổi cách sống và nếp sinh hoạt như: Luôn ăn sáng và cố gắng có đủ đạm và chất xơ trong mỗi bữa ăn. Uống nhiều nước, giảm dần cà phê, trà, sôcôla, nước ngọt và bất cứ loại nào có chứa caffein. Năng vận động và giảm căng thẳng... Khi đã thay đổi mà vẫn thấy mệt mỏi thì nên nghĩ đến tác dụng phụ của thuốc và gặp bác sĩ để được tư vấn. Người bệnh không nên tự ý dừng thuốc, bởi tất cả các thuốc gây mệt mỏi đều là các thuốc điều trị bệnh mạn tính. Việc tự ý dừng thuốc hoặc bỏ thuốc giữa chừng khiến triệu chứng bệnh nặng hơn, rất nguy hiểm.

DS. Nguyễn Thanh Lâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/suy-nhuoc-do-tac-dung-phu-cua-thuoc-n133007.html