Suy thận mạn ngày càng trẻ hóa

Gánh nặng toàn cầu của bệnh suy thận mạn đang gia tăng nhanh chóng. Đáng lưu ý là căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ảnh: BVCC.

Số liệu từ Tổng hội Y học Việt Nam, ước tính nước ta hiện có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số. Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Số ca mới được chẩn đoán mỗi năm khoảng 8.000 ca. Trong khi đó, số ca bệnh cần lọc máu vào khoảng 800.000.

BS Trịnh Thị Thanh Hằng - Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu, (Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết, suy thận là hậu quả của rất nhiều bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều, trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… Bên cạnh đó, còn do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng hầu hết là do bệnh nhân tự ý sử dụng.

Nguy hiểm như vậy, thế nhưng hầu hết bệnh nhân suy thận mạn không nhận thức được tình trạng của mình. Hậu quả là rất nhiều người chỉ được phát hiện khi bệnh đã bước vào giai đoạn cuối. Theo BS Phạm Thị Thúy - Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai), suy thận mạn tính được biết đến với tên gọi kẻ giết người thầm lặng vì triệu chứng của bệnh tương đối mờ nhạt ở giai đoạn đầu của bệnh, thậm chí bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Ở giai đoạn này, các cầu thận không bị tổn thương vẫn đủ sức gánh vác nhiệm vụ thay cho các cầu thận bị tổn thương. Bởi thế, hầu hết người bệnh không tự phát hiện khi suy thận ở mức độ nhẹ. Khi có triệu chứng lâm sàng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Đa số những bệnh nhân vào viện chạy thận khi đã có biểu hiện bệnh nặng lên, bệnh nhân đi khám mới phát hiện bị bệnh thận và đã ở giai đoạn cuối.

Đáng lo ngại hơn, cùng với sự gia tăng người mắc bệnh thận, số lượng người trẻ tuổi mắc suy thận mạn cũng có xu hướng gia tăng.

TS.BS Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) đánh giá: “Bệnh thận mạn có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây, tại Bệnh viện đã ghi nhận trường hợp nam thanh niên 18 tuổi chỉ được phát hiện ra bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Hay bệnh nhân nam T.T.A, sinh năm 1997 (Long Biên, Hà Nội) không có triệu chứng gì, chỉ mệt đau đầu, đi khám thì phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị lọc máu cấp cứu ngay”.

BS Phạm Thị Thúy cũng thông tin: “Hiện khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai) đang điều trị cho 177 bệnh nhân giai đoạn nặng, trong đó có 23 bệnh nhân dưới 30 tuổi”.

Thông tin từ Bệnh viện Bình Dân cũng cho biết, những năm gần đây, số bệnh nhân trẻ bị suy thận ở nhiều mức độ có chiều hướng tăng, không ít trường hợp diễn tiến suy thận mạn giai đoạn cuối. Khoảng 1/3 lượng bệnh tại phòng khám Nội thận của Bệnh viện là người dưới 40 tuổi.

Theo các bác sĩ, nguy cơ mắc suy thận mạn có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, lối sống không lành mạnh, như ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.

Do vậy, người dân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đưa các chất có hại vào cơ thể, đặc biệt là rượu bia và chất kích thích, ăn ngủ đúng giờ, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, uống đủ nước, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Đặc biệt, không nên tự ý dùng thuốc, các loại lá cây có dược tính để dùng với mục tiêu làm đẹp hay chữa bệnh mà không rõ thành phần của thuốc và chức năng thận của bản thân. Người dân nên đi khám ngay nếu thấy có các triệu chứng bất thường như: Phù, tiểu đêm, đau đầu, tăng huyết áp... Đặc biệt, hiện tượng tăng huyết áp cần được chú ý kiểm soát, không chủ quan, lơ là vì dễ dẫn đến những bệnh nguy hiểm như suy thận, đột quỵ.

Việc tầm soát sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận để điều trị kịp thời, tránh để diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính. Đối với gia đình có người bị suy thận, bệnh viêm cầu thận, các thành viên cùng huyết thống nên tầm soát chức năng thận, xét nghiệm đạm niệu, đạm máu để đánh giá và nhận biết sớm các vấn đề bệnh lý.

Dương Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/suy-than-man-ngay-cang-tre-hoa-10280402.html