Suýt nguy, nếu chỉ tin máy móc

Nhớ lại ngày mới ra trường, tôi được phân công phụ trách quân y tại một đơn vị đóng quân tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương). Tôi cảm nhận được sự tôn trọng, quý mến chức danh bác sĩ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại một huyện miền núi trong giai đoạn đời sống còn gặp nhiều khó khăn này. Bệnh nhân đầu tiên của tôi không phải là quân nhân mà là người thân của một đồng chí trong đơn vị. Chị gần 40 tuổi, là vợ liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ, gần đây, chị cảm thấy mệt mỏi, ăn ngủ kém, đại tiện táo, tiểu tiện bình thường, có cảm giác bụng hơi to và hơi tức vùng hạ vị (bụng dưới). Với điều kiện duy nhất trong tay chỉ có chiếc ống nghe, tôi khám lâm sàng và thu được những thông tin: người bệnh có biểu hiện thiếu máu nhẹ (niêm mạc kém hồng); nghe tim phổi không thấy gì bất thường; bụng mềm, gan, lách không sờ thấy; vùng quanh rốn có một khối u, bề mặt nhẵn, di động được. Tôi giải thích sơ bộ, động viên người bệnh và mạnh dạn khám sản. Cảm nhận được khối u không dính liền với tử cung, di động dễ. Trúng tủ rồi, tôi nghĩ ngay đến đây là một khối u nang buồng trứng hoặc là khối u mạc treo (nếp phúc mạc, treo ruột non vào thành bụng sau, có chứa các mạch máu nuôi ruột). Mặc dù chưa có bất cứ sự trợ giúp nào của các xét nghiệm cận lâm sàng hoặc phi lâm sàng (chụp Xquang, bơm hơi sau phúc mạc...) nhưng tôi khá thỏa mãn với chẩn đoán của mình vì đây là bệnh mà tôi phải thuyết trình sau khi kết thúc chương trình học về ngoại bụng. Bệnh tuy chưa phải là cấp cứu nhưng cũng cần điều trị vì có thể sẽ gây biến chứng xoắn, hoại tử, vỡ khối u hoặc gây chèn ép các tạng lân cận.

Không nên chủ quan, quá tin vào máy móc mà cần kết hợp chặt chẽ giữa chẩn đoán lâm sàng và kết quả xét nghiệm.

Gửi bệnh nhân vào một bệnh viện quân đội có phẫu thuật. Vì là người thân của đồng đội, vì rất muốn đối chiếu, kiểm nghiệm chẩn đoán nên tôi thường xuyên theo dõi diễn biến của ca bệnh, thậm chí còn đặt giả thiết nếu là khối u mạc treo khi phẫu thuật ảnh hưởng đến mạch máu nuôi ruột, có thể phải cắt đoạn ruột, sẽ nối ruột bằng phương pháp nào...

Ít ngày sau, tôi được biết bác sĩ bệnh viện chỉ định cho chụp thận thuốc UIV (Urographie Intra Veineuse). Đây là một kỹ thuật chụp Xquang khá phức tạp có nhiều tai biến, phải sử dụng khá nhiều phim (hồi đó phim Xquang rất khan hiếm, phải tự đi mua ngoài bệnh viện, giá thành rất cao). Ở công đoạn này, tôi cũng là người tích cực tham gia giúp người bệnh. Sau xét nghiệm, kết quả thu được là thận trái ngấm thuốc kém. Chẩn đoán được hướng đến là khối u thận trái, theo đó là chỉ định phẫu thuật cắt thận. Lịch mổ được sắp xếp có sự chuẩn bị chu đáo với sự theo dõi kiến tập của nhiều học sinh trường trung cấp y tế của tỉnh.

Tiếp cận thận trái theo đường lưng - hông (thận là cơ quan nằm ngoài phúc mạc), bác sĩ phẫu thuật kiểm tra thấy hai thận hồng hào, bình thường về kích thước! Một cuộc hội chẩn chớp nhoáng của lãnh đạo bệnh viện và các khoa liên quan được thực hiện ngay tại phòng mổ. Khối u được xác định nằm trong ổ bụng. Chỉ định mở ổ bụng thăm dò. Bệnh nhân được thay đổi tư thế. Bác sĩ phẫu thuật mở ổ bụng bằng đường trắng giữa dưới rốn, khối u được bộc lộ nguyên hình là khối u buồng trứng trái với cuống u khá dài, không dính vào các tạng lân cận, việc loại bỏ khối u khá thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng. Công việc điều trị sau phẫu thuật diễn ra bình thường mặc dù có nhiễm khuẩn mức độ vừa tại vết mổ.

Để lý giải cho sai sót này có thể nói là các bác sĩ đã chủ quan, quá tin vào phương tiện hỗ trợ, chưa kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ lâm sàng và bác sĩ xét nghiệm, nhất là những kết quả trái ngược nhau, thiếu tính logic. Trong trường hợp này, quả nén (của máy Xquang) ép vào thận trái gián tiếp qua khối u làm thuốc cản quang không được đào thải qua thận là nguyên nhân dẫn đến làm sai lệch kết quả. Nhớ lại thời gian khi còn là sinh viên đi thực tập, các thầy thường khuyên chúng tôi cần phải biết loại bỏ những kết quả xét nghiệm sai lạc, thiếu logic vì một lý do nào đó (không phải do nhân bản). Sau sai sót này, lãnh đạo bệnh viện đã có buổi họp rút kinh nghiệm sâu sắc với các khoa có liên quan. Còn về phía gia đình người bệnh luôn đặt niềm tin nơi bệnh viện, luôn chia sẻ cùng các bác sĩ, họ nghĩ rằng sai sót trong chuyên môn cũng là đáng tiếc nhưng không ai muốn, nhất là đối với các bác sĩ quân y ở một bệnh viện đã xây dựng được thương hiệu.

BS. Vũ Cường

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

SK&ĐS

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dien-dan/suyt-nguy-neu-chi-tin-may-moc-20140504222847628.htm