Syria - 'điểm nóng' gây bất đồng trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Với 10 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã không thông qua dự thảo nghị quyết về Syria do Anh, Pháp và Mỹ soạn thảo. Điều này cho thấy Syria tiếp tục là 'điểm nóng' gây bất đồng giữa các nước thành viên HĐBA LHQ.

Phiên họp của HĐBA LHQ ngày 12-4 về Syria do Anh, Pháp và Mỹ soạn thảo. Ảnh: AP

Chiều 12-4, giờ New York (tức rạng sáng 13-4, giờ Hà Nội), HĐBA LHQ đã tiến hành cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết yêu cầu Chính phủ Syria hợp tác trong cuộc điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun do quân nổi dậy chiếm đóng.

Bản dự thảo nghị quyết, do Anh, Pháp và Mỹ đề xuất, có sửa đổi chút ít so với văn bản được trình hồi tuần trước nhằm phản ứng trước vụ tấn công nghi sử dụng khí độc sarin tại Khan Sheikhoun. Dự thảo lần này lên án vụ tấn công nói trên, đồng thời đề nghị chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad cho phép các thanh sát viên tiếp cận hiện trường và cung cấp những thông tin cần thiết.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu, HĐBA LHQ đã nhóm họp gần 3 giờ đồng hồ vào sáng cùng ngày để thảo luận về tình hình tại Syria. Tuy nhiên, cuộc họp đã biến thành cuộc khẩu chiến khi Mỹ cùng các đồng minh Phương Tây cho rằng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là chủ mưu vụ tấn công, đồng thời cáo buộc Nga bao che cho Damascus. Trong khi đó, Nga khẳng định rằng chưa có đủ bằng chứng để kết tội chính quyền Damascus.

Đó là lý do vì sao dự thảo nghị quyết đã không được thông qua tại cuộc họp ngày 12-4. Đây là lần thứ 8 Nga sử dụng lá phiếu phủ quyết để phản đối một dự thảo nghị quyết liên quan đến vấn đề Syria. Trước đó, Nga đã tuyên bố sẽ dùng lá phiếu phủ quyết vì theo họ nội dung của dự thảo này "không thể chấp nhận được". Bên cạnh Nga còn có Bolivia cũng bỏ phiếu chống. Trung Quốc, nước đã 6 lần bỏ phiếu chống về vấn đề Syria, lần này bỏ phiếu trắng cùng Ethiopia và Kazakhstan. Trong khi đó có 10 nước bỏ phiếu thuận.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Nga bỏ phiếu phủ quyết bản dự thảo nói trên. Trong một tuyên bố tại London, ông Johnson cho rằng quyết định này đã đưa Nga về phía đối địch trong cuộc tranh luận.

Vấn đề Syria cũng là chủ đề gây tranh cãi trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại thủ đô Moscow của Nga. Tại cuộc họp báo sau hội đàm, ông Lavrov khẳng định, Nga nhận thấy Mỹ đã sẵn sàng hỗ trợ công tác điều tra vụ tấn công bị nghi là sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Theo ông Lavrov, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng khôi phục thỏa thuận giữa hai nước về vấn đề an toàn bay trên không phận Syria. Ông Lavrov cho biết, Moscow chỉ muốn một tiến trình chính trị diễn ra trong hòa bình ở Syria. Bất cứ nỗ lực nào nhằm lật đổ Chính phủ Syria đều chỉ có lợi cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson cho rằng Mỹ chưa có chứng cứ rõ ràng về việc các lực lượng Nga có liên quan đến vụ tấn công bị nghi là sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục cáo buộc các lực lượng Chính phủ Syria đã lên kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện vụ tấn công này. Trước đó, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã kiên quyết phủ nhận việc can dự vào vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học này, khẳng định các lực lượng vũ trang Syria chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công.

Với kết quả đạt được ít ỏi sau cuộc hội đàm Nga-Mỹ cho thấy hy vọng về việc “hâm nóng” mối quan hệ Nga- Mỹ vốn băng giá từ thời Chiến tranh Lạnh cho đến nay càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/syria-diem-nong-gay-bat-dong-trong-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc/