Syria: Phải đàm phán để có hòa bình

Hội nghị hòa bình Syria tại Geneva (còn gọi là Hội nghị Geneva II) còn đúng một tuần nữa là khai mạc (vào ngày 22/1). Thế nhưng cho đến giờ này, phe đối lập ở Syria có tên gọi mới là Liên minh Đối lập Syria (SOC) vẫn chưa quyết định tham gia. Sự chần chừ này đang khiến cho nhiều bên tham gia hội nghị sốt ruột.

Hội nghị Geneva II do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, theo sáng kiến đề xuất của Nga và Mỹ, là cơ hội tốt nhất để các bên liên quan tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Đàm phán Geneva đồng thời cũng là nước cờ giúp Mỹ và các đồng minh phương Tây gỡ thế bí vì không thể sử dụng vũ lực quân sự trực tiếp cũng như các quân cờ đối lập ở Syria một cách hiệu quả để "nhổ" cái gai chướng mắt họ trong khu vực.

Tuy nhiên, cho đến nay, về phía các bên liên quan ở Syria mới chỉ có Chính phủ của Tổng thống Assad nhận lời tham dự hội nghị. Sự tham dự của Chính phủ Syria vừa là nhân tố bảo đảm cho hội nghị thành công, vừa là cách để Syria khẳng định vai trò không thể thiếu của Tổng thống Assad trong đời sống chính trị Syria, trong chính phủ chuyển tiếp như một giải pháp chính trị chấm dứt khủng hoảng.

Tại cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng với 10 ngoại trưởng châu Âu và Arập, Chủ tịch SOC Ahmad al-Jarba nói rằng, việc SOC vẫn chưa thể đưa ra quyết định tham gia Hội nghị Geneva là do một số lãnh đạo SOC cho đến nay vẫn còn hoài nghi về khả năng Mỹ và các quốc gia phương Tây, Arập khác có thể giúp họ lật đổ Tổng thống Assad thông qua bàn đàm phán hay không.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh rằng, nhóm tài trợ cho SOC, còn gọi là nhóm London 11, cam kết theo đuổi mục tiêu "chấm dứt chế độ Assad", vì "Assad còn nắm quyền thì sẽ không có hòa bình và ổn định cho Syria và khu vực" - theo một tuyên bố của nhóm London 11. Ngày 17/1 tới, SOC dự kiến sẽ lại họp để đưa ra quyết định tham dự Hội nghị Geneva II.

Từ trái sang: Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Ngoại trưởng Anh William Hague, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh tại cuộc họp của nhóm London 11 hôm 12/1.

Tuyên bố của nhóm London 11 chủ yếu nhằm lập luận cho chiến dịch gạt bỏ Tổng thống Assad, nó không thể giúp phe đối lập xua tan đi một thực tế rằng, trong cuộc nội chiến trên mặt đất kéo dài gần 3 năm qua, phe đối lập không những không thể dùng vũ lực quân sự để lật đổ Tổng thống Assad mà còn tạo ra một mặt trận mới, một vùng đất mới cho các chiến binh thánh chiến Hồi giáo cực đoan tìm đến hoạt động.

Sự hiện diện và ngày càng bành trướng của lực lượng thánh chiến đến từ Iraq, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISIS), đã làm thay đổi cục diện cuộc nội chiến theo chiều hướng xấu và phức tạp hơn. ISIS liên kết với tổ chức Jabhad al-Nusra của Syria và các tay súng thánh chiến quốc tế để chiến đấu chống Chính phủ Syria.

Tuy nhiên, do tranh giành nguồn lợi từ tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ mà các lực lượng phiến quân đối lập Syria và Hồi giáo cực đoan do ISIS cầm đầu đã bắt đầu mâu thuẫn nhau. Năm 2013, những tổ chức Hồi giáo cực đoan cùng với Al-Nusra và ISIS đã tách riêng ra thành lập một nhóm mới có tên gọi là Mặt trận Hồi giáo, không chỉ chiến đấu chống Chính phủ Syria mà còn quay mũi súng chống lại ngay cả những người Hồi giáo cùng chung chiến tuyến thuộc Quân đội Syria tự do (FSA).

ISIS đã đánh bại các nhóm phiến quân đối lập khác tại các địa phương, biến các địa phương chiếm được thành những vùng đất Hồi giáo mới trực thuộc Nhà nước Iraq và vùng Levant (ISAL). Chính vì ISIS và Al-Nusra mà Mỹ và phương Tây quyết định không tiếp tục tài trợ cho phe đối lập vì lo ngại nguồn viện trợ sẽ rơi vào tay quân thánh chiến.

Cuối năm 2013 đầu năm 2014, cuộc chiến giữa phe đối lập và thành phần thánh chiến càng thêm ác liệt, với việc ISIS đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng ở 2 tỉnh Aleppo và Raqqah ở miền Bắc và Đông Bắc Syria. Gần 1.000 người chết chỉ trong 10 ngày giao chiến.

Đến ngày 12/1/2014, phiến quân đối lập ở Syria đã giành lại được 2 trong số các mục tiêu đó. Và cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2014/1/82377.cand