'Tá hỏa' với hàng trăm khiếu nại tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm

Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong 4 tháng đầu năm 2017, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Cục đã ghi nhận được hàng trăm cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, trong đó chủ yếu là vấn đề về ngành hàng hóa tiêu dùng.

Các vụ việc khiếu nại phân chia theo ngành hàng, lĩnh vực. (Ảnh: MOIT)

Trong tổng số 1.895 cuộc gọi đến, các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 1032 cuộc gọi, chiếm 54,46%. Trong số này, có 270 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, tháng 2 và tháng 4 có số lượng các yêu cầu tư vấn, phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng nhiều nhất. Đây là thời điểm gần Tết nguyên đán và kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5, nhu cầu mua sắm tăng cao trên cả nước, vì vậy, rất nhiều vi phạm về tiêu dùng đã xảy ra.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (52 trường hợp, chiếm khoảng 19%). Sau đó là nhóm đồ điện tử gia dụng (43 trường hợp, chiếm 15,8%) và nhóm điện thoại, viễn thông (38 trường hợp, chiếm 14%) . Tương tự như năm 2015 và 2016, 3 nhóm ngành hàng này thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất.

Trong số 270 vụ việc phản ánh tới Cục, có 33% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là bảo hành với tỉ lệ 20%, cung cấp thông tin với tỉ lệ 18%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (8%), và các hành vi khác (21%).

Trong 4 tháng đầu năm 2017, Hà Nội và TPHCM tiếp tục là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 70 và 75 vụ việc). Các tỉnh có số lượng phản ánh nhiều sau Hà Nội và TPHCM là Đồng Nai và Nghệ An. 40% khiếu nại còn lại nằm rải rác tại các tỉnh, thành phố khác nhưng số lượng tại từng địa phương là rất nhỏ. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền trong thời gian tới cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là ở các địa phương chưa có điều kiện phát triển tập trung về kinh tế, vị trí địa lý ở vùng sâu, vùng xa…

Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2017, Cục QLCT đã tiếp nhận và xử lý 112 vụ việc khiếu nại bằng văn bản của người tiêu dùng. Trong đó, có những vụ việc nghiêm trọng như vụ việc quảng cáo sai sự thật thông qua hình thức trúng phiếu mua hàng qua điện thoại của công ty Cát Hưng Thịnh, vụ việc Công ty Asiabooking đã nhận tiền đặt phòng nhưng người tiêu dùng vẫn phải đóng tiền cho khách sạn. Đặc biệt là các vụ việc liên quan đến Công ty Recess (Lazada.vn) với tổng số khiếu nại lên đến 11 khiếu nại...

Đến hết ngày 30.4.2017, Cục QLCT đã xử lý thành công hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý thành công 105 vụ việc trong tổng số 112 vụ việc tiếp nhận (chiếm khoảng 93,7%). 7 vụ việc khiếu nại còn lại hiện đang được Cục phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải quyết.

L.L

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/ta-hoa-voi-hang-tram-khieu-nai-tieu-dung-trong-4-thang-dau-nam-667118.bld