Tác dụng phụ đáng sợ của thuốc bổ 3B

Thuốc bổ 3B được xem là một loại thuốc bổ có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, nhưng khi sử dụng thuốc cần lưu ý những tác dụng phụ không mong muốn do thuốc này mang lại.

Hiện nay, rất nhiều người dùng viên 3B như một loại thuốc bổ để phòng đau nhức thần kinh, cơ bắp, thấp khớp và suy dinh dưỡng. Viên 3B là sự phối hợp của vitamin B1, B6 và B12 trong 1 viên, với hàm lượng trong mỗi viên gấp hàng trăm lần nhu cầu bình thường hằng ngày.

Đây đều là những vitamin thiết yếu, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể để thực hiện những chức năng sinh lý quan trọng. Các vitamin này đều tan trong nước, có trong các loại rau tươi, quả, củ, men bia, thực phẩm... và được cung cấp cho cơ thể qua đường tiêu hóa.

Dùng thuốc bổ 3B cần lưu ý tiền sử dị ứng của người sử dụng với các thành phần của thuốc. Ảnh minh họa

Dùng thuốc bổ 3B cần lưu ý tiền sử dị ứng của người sử dụng với các thành phần của thuốc. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ trên báo Người lao động mới đây, trong thành phần của thuốc 3B có chứa pyridoxin làm giảm tác dụng của thuốc levodopa trong điều trị bệnh Parkinson (điều này không xảy ra với thuốc là hỗn hợp levodopa - carbidopa hoặc levodopa - benserazid). Vì vậy, người bị bệnh Parkinson phải lưu ý khi muốn dùng thuốc 3B.

Sử dụng thuốc 3B, đặc biệt là các chế phẩm thuốc tiêm 3B, cần lưu ý tiền sử dị ứng của người dùng với các thành phần của thuốc. Vitamin B1, B12 có thể gây sốc phản vệ chết người. Các thuốc tiêm 3B chỉ được sử dụng khi có chỉ định của thầy thuốc và cần chú ý cách đưa chúng vào cơ thể sao cho an toàn nhất với các phương tiện cấp cứu có sẵn để đề phòng tình trạng quá mẫn cảm (dị ứng) với thuốc.

Việc sử dụng vitamin 3B dạng tiêm chỉ nên thực hiện trong các cơ sở y tế có nhân viên được đào tạo và có bác sĩ theo dõi. Các thuốc vitamin 3B dạng tiêm được khuyến cáo chỉ nên dùng để tiêm bắp, không được tiêm tĩnh mạch. Không nên lạm dụng loại thuốc tiêm này như là một loại thuốc bổ có thể dùng cho mọi người.

Một số biệt dược 3B phối hợp ở liều cao gấp hàng ngàn lần nhu cầu bình thường, chỉ dùng điều trị các chứng đau dây thần kinh. Cũng không nên lạm dụng loại thuốc liều cao này như là một loại thuốc bổ có thể dùng cho mọi người.

Do độ ẩm của nước ta khá cao, cần lưu ý khi sử dụng và bảo quản các loại viên thuốc 3B vì thuốc rất dễ bị ẩm mốc ngay cả khi vỉ vẫn còn kín.

Liên quan đến vấn đề trên, thông tin trên báo Sức khỏe & đời sống, các thuốc 3B rất hay được dùng kèm với thuốc kháng sinh trong các đơn thuốc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Các loại thuốc 3B này lại thường được đặt tên biệt dược khác nên nhiều người không biết đó là các vitamin nhóm B. Đã có trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng với B1, cứ uống vitamin B1 vào là người nổi mẫn đỏ. Nhưng do không biết loại viên thuốc tên là Neurozinceng 3B cũng có vitamin B1 trong thành phần nên đă sử dụng và bị dị ứng sau đó. Vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc 3B bổ trợ.

Theo giáo sư Hoàng Tích Huyền, bộ môn Dược lâm sàng Đại học Dược Hà Nội, vitamin B6 nếu được dùng đồng thời với vitamin B1 thì sẽ cản trở B1 chuyển thành dạng có hoạt tính sinh học. Đây là một tương tác đối kháng hóa học nên tránh. Nếu trộn lẫn vitamin B1 với vitamin B12 trong một bơm tiêm thì sẽ có khả năng tạo thành sản phẩm gây dị ứng cho người dùng thuốc. Không nên trộn vitamin B12 với bất cứ một vitamin nào vì nó sẽ phá hủy các vitamin khác.

Theo giáo sư Huyền, nếu không thật sự cần thiết, không nên sử dụng chế phẩm phối hợp 3B mà dùng dạng thuốc riêng lẻ của mỗi loại vitamin.

Minh Hà (t/h)

Minh Hà

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tac-dung-phu-dang-so-cua-thuoc-bo-3b-d125040.html