Tắc đường Xuân

Tắc đường là đặc sản của mùa cận Tết. Gọi là đầy đường đúng hơn. Vì hầu như lúc nào đường cũng đầy người nhưng tất cả vẫn tiến dần về phía trước.

Tắc đường ở nút giao thông giờ cao điểm là chuyện quanh năm không tính. Tắc đường Xuân vì những lý do thông thường ai cũng hiểu. Bởi có nhiều việc cần làm nốt trước khi khóa sổ một năm. Chẳng hạn đi chúc Tết sớm vài nhân vật quan trọng. Với đa số dân lao động những ngày cận Tết là cơ hội cuối cùng để thu vén cho một cái Tết tươm tất.

1.Gần Tết cũng là lúc phải đi sắm sửa. Ngày nay có mạng nên mọi người có thể xem và mua hàng bằng bàn phím. Gần Tết, Facebook cũng tắc nghẽn bởi đủ loại hàng hóa chủ yếu là thực phẩm, đồ uống. Nhiều khi cũng phải ẩn bớt các bạn bán hàng vì bày ra nhiều món hấp dẫn quá, mà lời quảng cáo nào cũng đáng tin cả.

Mua hàng qua mạng đôi khi bất tiện cho chính khách hàng. Vì không được xem tận mắt món hàng trước khi lấy. Người bán không có cửa hàng nên nơi lấy hàng thường trong ngõ ngách ngoắt ngoéo. Tôi từng mất cả tiếng mới tìm ra nhà một người bán hàng. Đi vào một con ngõ cũng chả to, ai dè mở ra hàng loạt khu chung cư. Cả khu mới khu cũ đều có cách đánh dấu nhà giống nhau thì chớ, quy hoạch lại chẳng theo hàng lối gì cả. Báo hại mua xong ra còn bị lạc, hỏi đường mãi mới thoát khỏi mê hồn trận.

Lại nói lúc nhận hàng. Vì chát chít qua mạng nên không khỏi ông nói gà bà hiểu vịt. Vậy là mẹ của người bán hàng kết nối luôn với con gái qua Ipad. Quên chưa nói cô bán hàng là một tài năng âm nhạc từng có giải quốc tế đang tu nghiệp nước ngoài. Cô cũng trường vốn và tháo vát, lập hẳn trang web bán hàng xách tay đủ loại từ rượu, đồng hồ đến khăn mũ... Mà lúc nói chuyện với mẹ là cô đang trong phòng thi. Hy vọng việc buôn bán không ảnh hưởng đến việc học của cô, nếu có cũng chỉ là ảnh hưởng tốt. Thời bao cấp nhiều người Việt tìm cách ra nước ngoài chủ yếu để buôn bán nhỏ lẻ gọi là tìm đường cứu nhà. Chưa biết chừng mươi năm nữa cô bạn tôi lại thánh “soái” bên đó cũng nên.

Nói chung cái chợ phiên ngày Tết trên mạng cũng phần nào thể hiện sở thích buôn bán của người Việt. Thích đến nỗi tâm sự với nhau cũng gọi là “buôn chuyện” cơ mà. Buôn bán tay ngang phát triển đặc biệt trong ngành hàng ăn uống phần nào thể hiện sự khủng hoảng niềm tin vào độ sạch của thực phẩm. Khách hàng thà tin bạn trên mạng hơn tin những nhà cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp. Dù gì đây cũng là một việc làm mất thời gian của xã hội, khi mỗi người phải mất thời gian công sức cho việc không đúng chuyên môn của mình. Nhưng dân buôn chuyên nghiệp cũng chẳng chịu thua, bèn thuê luôn đám nhân viên văn phòng làm chân rết- đọc báo thì biết.

2.Trong dòng người lầm lụi đo đường ngày cuối năm kia không chỉ có những người mải miết đi sắm sửa hoặc đến những cuộc nhậu. Rằm tháng Chạp vừa qua, nhằm ngày thứ ba Hà Nội mưa ròng rã, hàng trăm người vẫn đổ về bệnh viện Phụ sản Trung ương để liên hoan ca nhạc. Sau đó không phân biệt người tổ chức, người tham dự hay người xem sẽ bỏ tiền vào hòm từ thiện hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Cuối buổi tiền sẽ được đếm và trao luôn. Chính là sinh nhật tuổi lên 5 của Mang âm nhạc đến bệnh viện.

Có những người đóng góp không bằng tiền, chẳng hạn các thợ cắt tóc giúp các bệnh nhân kiểu đầu mới. Các tình nguyện viên là sinh viên cắm những lẵng hoa bé xíu rao bán tại chỗ để quyên tiền. Số tiền thu được tất nhiên không nhiều nếu so với những dự án từ thiện khủng của các siêu sao, các tập đoàn… nhưng điều khiến tôi chú ý là nó lẻ tới hàng nghìn. Hẳn là trong đó có cả số tiền chắt chiu của những người không giàu có gì, thậm chí đang phải chiến đấu với bệnh tật vẫn mong giúp những người còn khổ hơn mình. Thấy lẻ, chủ xị Thái Thùy Linh xin thêm vài nghìn để làm tròn tiền đặng chia phần cho dễ. Số tiền lập tức tăng thêm hàng triệu, và lại lẻ, lại xin thêm…

Của cho không quan trọng bằng cách cho, cũng như cách làm thế nào có của để cho. Với chương trình này, người bệnh vừa được động viên vật chất lại được giai trí về tinh thần. Các bác sĩ vừa có dịp hỗ trợ bệnh nhân, vừa được xả hơi sau những giờ làm việc quá tải. Và họ cũng giải trí cho bệnh nhân bằng tiếng hát. Có nữ bác sĩ bệnh viện Lão khoa vừa song ca với ca sĩ chuyên nghiệp, vừa vác hòm quyên góp đến từng bàn.

Tôi tin rằng bất kỳ ai dự buổi liên hoan ấy đều thấy hào hứng và thoải mái vì đã mang niềm vui và hy vọng đến đúng thời điểm và nơi chốn: mùa Xuân trong bệnh viện. Sau buổi hôm đó, nhóm nghệ sĩ và tình nguyện viên còn tiếp tục chuyên chở niềm vui và hy vọng tới những nơi xa xôi chưa từng biết đến tắc đường, kể cả vào dịp Tết.

An Sơn

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/tac-duong-xuan-1113766.tpo