Tác giả thông tin sốc '70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm' nói gì?

Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GDĐT Nghệ An, cho biết, nhận định '70% giáo viên (GV) đứng lớp không có năng khiếu sư phạm', là dựa vào kinh nghiệm từ thực tiễn công tác.

Cô giáo vùng cao. Ảnh: Báo Lào Cai

Báo Lao Động online ngày 23.9 có bài “Sốc: 70% GV đứng lớp không có năng khiếu sư phạm?”, có thông tin dẫn lại nội dung phát biểu của Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GDĐT Nghệ An tại Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22.9.

Thông tin nói trên đã làm chấn động dư luận, về những bất cập, yếu kém trong đội ngũ GV hiện nay. Ngày 24.8, PV đã liên hệ với Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh, đề nghị giải thích về cơ sở của số liệu.

Ông Nguyễn Đình Anh cho biết: “Cơ sở của phát biểu nói trên là kết quả quan sát, suy ngẫm của tôi trong mấy chục năm công tác, chủ yếu ở Sở GDĐT Nghệ An. Nhiều người vào sư phạm cũng không xuất phát từ năng khiếu. Tôi đã dự giờ rất nhiều, từ bậc phổ thông lên tới cao đẳng, và nhận ra là trong 10 giờ của 10 GV, chỉ có 3 giờ của 3 người là thăng hoa, thể hiện năng khiếu của người dạy. Đây cũng là tỷ lệ của số GV giỏi trong đội ngũ GV hiện nay”.

Con số 70% GV đứng lớp, không phải dựa trên kết quả thống kê, điều tra, nghiên cứu trên diện rộng, mà chỉ xuất phát từ cảm nhận của một cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương.

Ông Nguyễn Đình Anh cũng lưu ý thêm, tỷ lệ 70% GV đứng lớp không có năng khiếu sư phạm không đồng nghĩa với tỷ lệ GV không hoàn thành nhiệm vụ. “Ban đầu, họ có thể không có năng khiếu, nhưng qua thời gian phấn đấu, họ vẫn tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành tốt”, ông Anh lý giải.

Đề nghị thi tuyển năng khiếu sư phạm

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Đình Anh đề nghị Bộ GDĐT có quy định thi môn năng khiếu sư phạm đối với thí sinh thi vào các trường đào tạo GV.

“Ở bậc Mầm non thì đã có các môn năng khiếu như hát, múa, vẽ…, còn ở bậc phổ thông, Bộ nói chưa có. Nhưng theo tôi, năng khiếu thuộc về tố chất thiên bẩm, là khả năng diễn đạt sao cho lưu loát, hấp dẫn, khả năng lựa chọn các phương pháp để truyền dạy, hướng dẫn, thu hút người học, khả năng trở thành “người truyền lửa” đam mê cho học sinh”, ông Nguyễn Đình Anh nói.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/tac-gia-thong-tin-soc-70-giao-vien-dung-lop-khong-co-nang-khieu-su-pham-noi-gi-566354.ldo