Tác nghiệp giữa lòng cuộc đụng độ

Vụ đụng độ đẫm máu ở Bangkok (Thái Lan) hôm 10.4 có lẽ là trải nghiệm không thể nào quên với những phóng viên tham gia đưa tin hôm ấy.

Phóng viên Thanh Niên đang cầm máy ảnh tác nghiệp tại nơi biểu tình - Ảnh: do đồng nghiệp chụp Đến tận bây giờ, Namita Lâm Cảnh Bình vẫn không thôi nghĩ về những gì đã xảy ra vào đêm 10.4 ở đại lộ Ratchadamnoen. Namita, phóng viên hãng thông tấn CNA của Đài Loan, đã chứng kiến nhiều vụ đụng độ và biểu tình ở Bangkok suốt 2 năm làm phóng viên thường trú tại đây. Cũng như bao lần đi đưa tin biểu tình khác, trưa 10.4, Namita cùng tôi chạy vội ra khu vực Ratchaprasong sau khi nghe tin cảnh sát bắt đầu được triển khai và một vụ trấn áp có thể xảy ra. Khi đến nơi, thấy lực lượng cảnh sát khá mỏng và có vẻ như sẽ không có trấn áp, tôi rủ Namita đến đại lộ Ratchadamoen, nơi mà quân đội đã bắt đầu dùng hơi cay, vòi rồng để đẩy lui biểu tình. Vẫy hai anh xe ôm “áo đỏ”, chúng tôi đến Ratchadamnoen khi trận đụng độ đã kết thúc. Hai bên án binh bất động, vài cảnh xô đẩy xảy ra. Phóng viên báo chí thì có vẻ không sợ sệt gì, tích cực xông pha vào chụp ảnh các pha giằng co. Thật ra, Namita, tôi, cũng như nhiều phóng viên khác không sợ lắm bởi kinh nghiệm từ lần đụng độ hồi tháng 4 năm ngoái cho thấy, cứ việc đứng sau hàng rào quân đội là ổn. Quân đội cùng lắm chỉ bắn chỉ thiên với đạn rỗng, rồi dùng hơi cay, vòi rồng để trấn áp biểu tình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tự trang bị cho mình những thứ cần thiết khi đi đưa tin, bao gồm: mũ bảo hiểm (để bảo vệ va đập vào đầu), khẩu trang và kính bơi che mắt (tránh hơi cay) và bông gòn bịt tai (trong trường hợp quân đội dùng âm thanh tần số cao để đẩy lui đám đông). Áo chống đạn thì không mấy người có vì đắt tiền và không được phép bán công khai, đại trà. Mặc dù nghe tin có nhiều người bị thương từ trận đụng độ buổi chiều nhưng hình như phóng viên chẳng ai nao núng. Có lẽ do máu nghề nghiệp nên phải như thế. Bom nổ sát bên Khi trời tối, nghe tin quân đội bắt đầu áp sát biểu tình ở khu vực tượng đài Dân chủ, tôi kéo Namita và Nhậm Thiên (phóng viên Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc) chạy đến đó xem sao. Đến nơi, chúng tôi nhận thấy tình hình có vẻ căng và lần lượt leo lên các xe tải nhỏ để chụp ảnh. Chẳng ai có cảm giác sợ sệt gì. Vừa chụp ảnh xong thì cảnh xô đẩy bắt đầu xảy ra. Người biểu tình hò hét lấn át quân đội. Cả ba chúng tôi ngã dúi dụi xuống đất, đè lên nhiều binh sĩ khác trong khi đồng đội của họ chạy lùi về phía sau. Tiếng súng bắt đầu vang lên. Quân đội bắn chỉ thiên để cảnh cáo người biểu tình. Tôi chỉ lo cảnh hỗn loạn có thể làm chúng tôi bị giẫm đạp. Namita biến mất. Tôi hét ầm lên hỏi Nhậm Thiên: “Namita đâu rồi?”. Thì ra cô đã bị đẩy lùi ra phía sau. Hơi cay được bắn ra. Chúng tôi ho sặc sụa, lùi dần về phía sau hàng rào quân đội, không quên quay lại cố chụp vài cảnh đụng độ. Bỗng một tiếng nổ đinh tai vang lên. Vụ nổ chỉ cách chúng tôi chừng 2-3m, ngay giữa nơi các binh sĩ đang đứng. Tôi không rõ đó là loại chất nổ gì, chỉ cảm nhận được sức ép kinh khủng của vụ nổ. Cả ba chúng tôi tháo chạy. Các binh sĩ cũng bắt đầu rút nhanh. Hỗn loạn! Một tiếng nổ thứ hai phát ra, cũng lớn như tiếng nổ thứ nhất. Tôi hét: “Chạy! Chạy mau!”. Trong lúc chạy, tôi chứng kiến cảnh các binh sĩ dìu hoặc khiêng đồng đội bị thương với máu chảy bê bết. Phía sau lưng, tiếng súng, tiếng nổ tiếp tục vang lên. Tim đập thình thịch, chúng tôi bấm máy chụp ảnh liên tục để ghi lại cảnh binh sĩ bị thương. Có người bị đứt cả ngón tay. Lực lượng quân đội dần bị đẩy lui, tiếng súng mỗi lúc một gần. Có lẽ quyết định rút sâu hơn về phía sau là một quyết định khôn ngoan. Thấy một nhà dân còn mở hé cửa, sáng đèn, chúng tôi xin vào để cắm sạc máy tính, gửi tin. “Ngay lúc vụ nổ xảy ra, tôi không thấy sợ gì cả. Có lẽ mọi việc diễn ra quá bất ngờ”, Namita kể. Nhậm Thiên lục lại những bức ảnh vừa chụp và ngạc nhiên khi tình cờ cô ghi lại được khoảnh khắc khi vụ nổ xảy ra. “Chúng ta thật may mắn! Vụ nổ quá gần. Chúng ta có thể đã bị thương hoặc... đi luôn”, tôi nói đùa. Cùng lúc đó, chúng tôi nhận được tin nhà báo Nhật Bản làm việc cho Reuters là ông Hiroyuki Muramoto thiệt mạng vì bị đạn bắn trúng ngực. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy sợ. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra đối với những người làm nhiệm vụ đưa tin giữa nơi nguy hiểm. Đêm đó, tôi trằn trọc không ngủ được vì cứ nghĩ về nhà báo Nhật Bản kia. Ông sang Bangkok hôm 8.4, nhưng 2 ngày sau đó thì không còn nữa. Đêm đó, Namita cũng thao thức. Cảnh vụ nổ xảy ra nơi những người lính đang đứng mà đồng nghiệp Nhậm Thiên vô tình chụp được - Ảnh: Nhậm Thiên Phóng viên Thanh Niên (giữa) và cô Lee Yu Kyung (phải) tại đại lộ Ratchadamnoen - Ảnh: Kadir Korkmaz Mạo hiểm vì nghề Lee Yu Kyung, một phóng viên kỳ cựu của Hàn Quốc, cũng có mặt trong vụ đụng độ nhưng cô đứng bên những người biểu tình. Lee đã đi cùng Muramoto trước khi ông bị bắn. Lee kể: “Tôi đi cùng một phóng viên ảnh Nhật Bản tên So và Muramoto trước khi đến giao lộ Kok Wua gần tượng đài Dân chủ. Tôi nhận được tin có vụ đụng độ gần khu vực trên. Tôi và So bắt xe ôm đi đến đó ngay. Còn Muramoto thì tự đi riêng. Đến nơi, chúng tôi nhào vào đám đông để tác nghiệp. Khi về đến nhà sau nửa đêm, tôi nhận được tin Muramoto đã thiệt mạng”. Vì đứng ở phía biểu tình, Lee chứng kiến vụ đụng độ theo một khía cạnh khác. Cô bám theo những nhóm áo đỏ hối hả khiêng người chết hay người bị thương. Lee kể cô đã quay phim những cảnh tượng kinh hoàng như một người biểu tình bị bắn vỡ sọ. “Những người đàn ông và đàn bà gào thét, khóc lóc thảm thiết” - Lee nhớ lại - “Tôi thường không nghĩ ngợi gì cả khi tác nghiệp. Tôi chỉ chú tâm để ghi lại những khung hình tốt. Nhưng trong trường hợp này, tôi cảm thấy thật khủng khiếp”. Lee kể cô không áp sát hàng rào quân đội, nơi bạo lực xảy ra, vì không đủ can đảm để làm điều đó. “Khi tôi biết tin phóng viên của Reuters chết chỉ cách vị trí tôi đứng có vài mét, tôi cảm thấy thật sự xấu hổ”, Lee tâm sự. Cô phóng viên từng tham gia đưa tin nhiều sự kiện, thảm họa và đi đến nhiều nơi trên thế giới công nhận mình đã rất may mắn, nhưng cái máu nghề nghiệp quá cao vẫn khiến cô cảm thấy hổ thẹn, bởi theo cô, mình đã không can đảm bằng Muramoto để có thể áp sát nơi đụng độ hơn để ghi lại những hình ảnh tốt hơn, rõ hơn về vụ chạm trán. Trong đoạn phim 7 phút cuối cùng mà Muramoto quay do Reuters công bố, có thể thấy phóng viên này đã giữ vững tay máy, hình ảnh không bị giật, ngay cả khi vụ nổ xảy ra cách ông có vài mét. Máu nghề đôi khi khiến người phóng viên quên đi mình đang ở đâu, đang làm gì. Họ chỉ chú tâm vào sự kiện. Và giữa muôn trùng nguy hiểm như tối đó, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Ngày 11.4, tôi tiếp tục nhận được tin anh bạn phóng viên ảnh người Bỉ Dario Pignatelli cũng bị thương và đang nằm viện. Pignatelli bị thương trong cuộc chạm trán buổi chiều ngày 10.4 khi bị kẹt giữa đám đông biểu tình và quân đội. Các thiết bị sân khấu rớt trúng chân anh, cộng thêm việc bị người biểu tình giẫm đạp nên Pignatelli đã bị gãy chân. Cả ngày hôm đó, anh đành nằm trong bệnh viện để theo dõi tình hình qua tivi. Sẽ mất chừng 2 tháng để Pignatelli bình phục hoàn toàn và anh chàng phóng viên ảnh này nói sẽ quay lại tác nghiệp ngay khi có thể. Nhậm Thiên tâm sự với tôi rằng cô cảm thấy buồn khi nghe tin Muramoto thiệt mạng. “Thật buồn khi có nhiều người chết trong vụ đụng độ, nhưng ông ấy chỉ là một nhà báo, như chúng ta. Chúng ta cũng đã ở đó và nếu không may mắn, chúng ta có thể thiệt mạng. Thật khó tin khi một đồng nghiệp ra đi như vậy và nhất là ở gần chỗ chúng ta đứng”, cô nói. Nghe thấy tiếng súng thì sợ, muốn chạy đi nhưng cái máu nghề nghiệp vẫn níu người làm báo quay đầu lại để chụp ảnh. “Tôi nghĩ mọi phóng viên có mặt ở đó đều nghĩ như vậy và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm” - Nhậm Thiên nói - “Không có gì đáng trân trọng bằng việc đánh đổi cả mạng sống để hoàn thành công việc. Cầu chúc cho mọi phóng viên được an toàn”. Việt phương (VP Bangkok)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201016/20100417224320.aspx