Tác phẩm trên facebook có phải 'ngôi nhà lý tưởng' của văn học?

Lý giải thêm về nhận định văn học mạng liệu đã hết thời sau khi văn chương blog bị bỏ hoang, vậy đến thời facebook thống trị, văn học mạng ra sao?

Cũng là mạng xã hội miễn phí dành cho mọi người và chỉ sau một thời gian ngắn, dù sinh sau đẻ muộn nhưng facebook đã tỏ rõ ưu thế, sự tiện dụng nên nhanh chóng áp đảo và trở thành mạng xã hội có lượng người dùng khổng lồ. Các nhà văn cũng không nằm ngoài xu hướng đó nên hàng loạt các trang blog, weblog … đã bị thay thế bằng facebook.

Các nhà văn cũng hăm hở đưa sáng tác của mình lên đó. Nhưng sau một thời gian nhìn lại, không mấy hiệu quả. Liệu đây có phải nguyên nhân khiến “văn học mạng” tuột dốc?

Có một nhà thơ từng phàn nàn rằng, để làm một bài thơ, viết một truyện ngắn họ đã phải mất thời gian, công sức cùng biết bao gửi gắm. Vì thế nên khi chia sẻ trên facebook với bạn bè, tác giả hi vọng sẽ tìm được sự đồng cảm, góp ý, nhận xét. Cần nói thêm, vì cùng là người cầm bút nên phần lớn trong danh sách bạn bè cùng đều là nhà văn, nhà thơ. Nhưng dường như hi vọng bao nhiêu, thì nhà thơ này càng thất vọng bấy nhiêu, số người like (thích) không nhiều và số comment (tương tác, bình luận) càng ít, hiếm hoi lắm mới có người share (chia sẻ thông tin). Trong khi đó, có khi chỉ đi chợ, đi chơi bắt gặp một hình ảnh gì đó vu vơ, lạ lẫm hơn thường ngày một chút thì mọi người ào ào like, conment và share.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Mỗi khi mở facebook, dường như tất cả mọi người trong số bạn bè nếu lướt qua “đều bình đẳng” hiện diện lên nếu có thông tin mới. Nhưng kỳ thực, đằng sau sự bình đẳng đó là một sự cạnh tranh thông tin. Chỉ cần di chuột một lượt, cái nào cần đọc, đủ sức níu kéo, chủ đề đang được quan tâm thì mới đọc.

Với ưu thế của facebook gần gũi với báo chí. Facebook cần thông tin ngắn gọn, cập nhật. Nếu nhà văn, nhà thơ viết lên đó dài một chút đã khiến nhiều người “ngại đọc” và nhanh chóng bỏ qua, huống hồ nếu tương cả truyện ngắn hàng nghìn từ thì đúng là người đọc chỉ có thể “đi lướt qua nhau” cho nhanh và an toàn.

Còn với thơ trên facebook. Cho dù bài thơ “nóng hổi” vừa được tác giả hoàn thành và chia sẻ trên mạng, nhưng tác phẩm đó chưa chắc lại là thời sự. Mặc dù thực tế cũng có những bài thơ mang tính thời sự, tức cảnh, tức chuyện sinh tình… nhưng thường chỉ ở mức châm biếm, giễu nhại đùa vui là chính chứ không hẳn là tác phẩm văn học. Chưa kể, người đọc facebook có tâm lý, thơ là thể “tĩnh”, đọc lúc nào cũng được, không đọc hôm nay thì đọc ngày mai. Hoặc nay mình đang vội, đang cần tìm thông tin, đang muốn thư giãn, thơ phải ngẫm nghĩ à, phải chơi vơi, phải băn khoăn, phải tương tư, suy tư à… lúc này chưa phù hợp, để sau vậy.

Lý luận phê bình, xem ra có phần “đắt hàng” hơn các thể loại thơ và văn xuôi. Nhưng nếu người viết chỉ ngắn gọn đúc kết ý trong khoảng vài dòng thì sự quan tâm của mọi người sẽ đông người đọc hơn so với khổ chủ mất ngày mất buổi đưa cả bài dài dằng dặc lên.

Nói như vậy không phải không có những tác phẩm văn học gây được sự chú ý trên facebook khiến hàng trăm hàng nghìn người vào đọc. Nhưng đấy chỉ là con số rất ít. Còn phần nhiều, số người thực sự đọc văn học trên facebook không đáng để người cầm bút cảm thấy khả quan và an lòng.

Vì thế, để tạo cho trang facebook cá nhân của bản thân phong phú, đỡ nhàm chán, có nhiều người đọc, tương tác, ngay cả những người sáng tác văn chương, các nhà văn, nhà thơ dù mới cầm bút viết hay đã nổi tiếng cũng phải nghĩ cách “nuôi facebook”, đan xen thông tin, chứ không chỉ một màu văn chương. Thế nên, cũng dễ hiểu vì sao, facebook có lẽ chưa phải là ngôi nhà lý tưởng của văn học.

Hiện nay, một số cá nhân, nhóm văn chương đã lập riêng trang facebook chuyên về văn học. Vẫn còn những trang web văn học âm thầm, bền bỉ tìm kiếm bài viết để đem đến cho người đọc sáng tác văn học, quan điểm văn chương. Một số nhà văn vẫn lặng lẽ lưu giữ và giới thiệu những tác phẩm văn học của mình đến độc giả. Sự riêng biệt này ngầm ý nhắc nhở rằng, trang này chỉ dành cho văn học, cho tác phẩm văn học, cho người yêu văn học, quan tâm đến văn học thực sự. Nếu không phù hợp thì người đọc đừng tham gia. Đây chính là một bộ phận nhỏ như là minh chứng văn học mạng dù không còn ở thời hoàng kim như mấy năm trước, nhưng vẫn tồn tại, vẫn có một lượng độc giả nhất định. Và các địa chỉ này để những người còn yêu văn học hi vọng khi đi trên một nhánh nhỏ khác sẽ tìm kiếm được hướng đi đúng, đầy khả dĩ cho văn học trong thời đại internet.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/tac-pham-tren-facebook-co-phai-ngoi-nha-ly-tuong-cua-van-hoc-249721.html