Tách đôi việc cấp phép để dễ "xóa tên" công ty chứng khoán

Khi xuất hiện các công ty chứng khoán (CTCK) không đáp ứng điều kiện hoạt động, dù rất muốn “xóa tên” các CTCK này, nhưng Ủy ban Chứng khoán (UBCK) không thể, bởi nếu rút giấy phép hoạt động của CTCK, thì công ty sẽ không còn tư cách pháp nhân.

Hết gộp lại tách, UBCK nói gì?

Góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, ý kiến từ giới luật sư, các doanh nghiệp gửi về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một đề xuất đáng chú ý là cần sửa Chương VI của Luật Chứng khoán theo hướng các CTCK, công ty quản lý quỹ đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, sau đó xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán theo Luật Chứng khoán, nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nếu hướng đề xuất trên được ban soạn thảo tiếp thu và đề xuất Quốc hội ban hành, thì sẽ tạo ra sự thay đổi lớn đối với quy định hiện hành. Theo hướng đề xuất trên, chủ thể xin phép thành lập và hoạt động CTCK, công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh (thành lập doanh nghiệp) tại cơ quan đăng ký kinh doanh (sở kế hoạch và đầu tư) theo quy định của Luật Doanh nghiệp như các loại hình doanh nghiệp khác hiện nay. Sau đó, sẽ phải nộp hồ sơ lên UBCK để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán theo Luật Chứng khoán.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, cả hai loại giấy này đang được tích hợp làm một và các chủ thể có nhu cầu thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ chỉ phải thực hiện qua một đầu mối là UBCK.

Đại diện UBCK cho rằng, hướng cải cách trên là hợp lý và UBCK đang mong muốn tách việc cấp giấy phép thành lập CTCK theo quy định của Luật Doanh nghiệp, còn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán thì áp dụng theo Luật Chứng khoán.

Câu hỏi đặt ra là tại sao khi đề xuất Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán năm 2006, ban soạn thảo đề xuất tích hợp việc cấp phép “2 trong 1” là Giấy phép thành lập và hoạt động cho CTCK, công ty quản lý quỹ, giấy phép này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng bây giờ, UBCK lại ủng hộ theo hướng tách thành 2 quy trình cấp phép do hai cơ quan khác nhau đảm trách?

Đại diện UBCK cho biết, trước đây, khi xây dựng Luật Chứng khoán năm 2006, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình thành lập CTCK, cơ quan quản lý, nhà quản lý đề xuất áp dụng cách làm “2 trong 1” đối với quy trình cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho các CTCK. Tuy nhiên, thực tế áp dụng quy định này đang bộc lộ một hạn chế là khi xuất hiện các CTCK không đáp ứng điều kiện hoạt động, dù rất muốn “xóa tên” các CTCK này, nhưng UBCK không thể, bởi nếu rút giấy phép hoạt động của CTCK, thì công ty sẽ không còn tư cách pháp nhân. Điều này dẫn đến rủi ro cho cả nhà quản lý, lẫn các bên liên quan do CTCK bỗng dưng được… xóa sổ, nên không phải chịu trách nhiệm với các bên có liên quan, chẳng hạn các khoản nợ với khách hàng, hay nợ thuế với nhà nước…

“Điều này đặt ra vấn đề, cần phải làm sao để rút giấy phép hoạt động của CTCK, nhưng tư cách pháp nhân vẫn còn, một mặt thúc đẩy quá trình tái cấu trúc khối CTCK theo hướng giảm về lượng, tăng về chất, nhưng CTCK phải chịu trách nhiệm đến cùng với các nghĩa vụ có liên quan. Do đó, cần tách việc cấp giấy phép thành lập CTCK theo quy định của Luật Doanh nghiệp, sau đó cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo Luật Chứng khoán”, đại diện UBCK cho hay.

Cần minh bạch nghiệp vụ hoạt động

Liên quan đến quy định hiện hành về nghiệp vụ kinh doanh của CTCK, một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của khối công ty này, cần quy định chi tiết tại Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, thay vì quy định chung chung là “các dịch vụ tài chính khác…” tại khoản 3, Điều 60 Luật Chứng khoán.

Trước ý kiến cho rằng “kinh doanh dịch vụ chứng khoán”, “quản lý quỹ” không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, nên cần bổ sung vào danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, đại diện UBCK cho rằng, trong danh mục 267 ngành nghề này đã có ngành “kinh doanh chứng khoán”, nên không cần phải bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.

Lý do là bởi “kinh doanh chứng khoán” theo quy định của Luật Chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, nên đã bào hàm “kinh doanh dịch vụ chứng khoán” và “quản lý quỹ”.

Đừng nhìn vào hiện trạng mà lỏng lẻo cấp phép thành lập CTCK

Luật sư Trần Hữu Huỳnh,Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Thực ra, đối với một số lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như: chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm…, vì cần kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đối tượng xin phép thành lập pháp nhân hoạt động trong các lĩnh vực này có đáp ứng các điều kiện kiện về vốn, nhân sự, trụ sở hoạt động… hay không, nên quy định pháp lý hiện hành tích hợp hoạt động cấp Giấy phép thành lập và Giấy phép hoạt động.

Việc này không đơn thuần là đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc có nên thay đổi mô hình cấp phép thành lập và hoạt động đối với các CTCK, công ty quản lý quỹ theo hướng các chủ thể xin phép thành lập pháp nhân này thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, còn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán theo Luật Chứng khoán hay không, các bên đề xuất cần đưa ra lý lẽ sâu sắc và thuyết phục.

Liệu đã đến lúc không cần kiểm soát chặt chẽ điều kiện thành lập CTCK ngay khi xem xét cấp giấy phép thành lập nữa, nên cho phép người dân thoải mái đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp, rồi sau đó khi được UBCK cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán, thì sẽ đi vào hoạt động?

Mặt khác, đừng chỉ nhìn vào hiện trạng số lượng CTCK hiện nay còn nhiều và tập trung giảm bớt số lượng mà dẫn đến lỏng lẻo trong hoạt động cấp phép thành lập CTCK. Chúng ta cũng không thể thuần túy căn cứ vào một vài quy định mang tính rào cản (kiểu như quy hoạch số lượng CTCK được phép thành lập trong những giai đoạn nhất định) để khống chế số lượng CTCK tăng thêm.

Về lý thuyết, một khi các đối tượng đáp ứng đủ điều kiện thành lập CTCK, họ gửi hồ sơ đến UBCK, mà cơ quan này không cấp phép với những lý lẽ không chặt chẽ về mặt pháp lý, sẽ dễ phát sinh kiện tụng, gây khó cho cơ quan quản lý. Do đó, cần đưa ra các căn cứ thực tiễn, cũng như lý lẽ khoa học đủ sức thuyết phục trước khi đi đến quyết định tách việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho các CTCK và công ty quản lý quỹ thành 2 khâu, thay vì tích hợp “2 trong 1” như hiện tại.

Ủng hộ việc tách bạch, nhưng có áp dụng hồi tố?

Phó tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết

Để đảm bảo tính thống nhất về hoạt động đăng ký thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp, tránh xung đột với các luật chuyên ngành, cần tách việc cấp giấy phép thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, sau đó cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán theo Luật Chứng khoán.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nhu cầu thành lập mới các CTCK gần như không xuất hiện, nên khi áp dụng quy định mới sẽ không góp phần giải quyết những khó khăn trong giải thể, phá sản CTCK do áp dụng mô hình cấp phép “2 trong 1” trừ khi áp dụng hồi tố. Thông thường khi áp dụng luật thì không hồi tố, mà chỉ khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký lại theo quy định mới.

Câu hỏi đặt ra là nếu quy định về tách việc cấp giấy phép thành lập CTCK theo quy định của Luật Doanh nghiệp, sau đó cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo Luật Chứng khoán được đưa vào áp dụng, các CTCK có phải đăng ký lại giấy phép thành lập và hoạt động không? Nếu có là không hợp lý, còn không thì đưa ra quy định mới có ích gì?

Hữu Đạo

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/tach-doi-viec-cap-phep-de-de-xoa-ten-cong-ty-chung-khoan-163224.html