Tại các quận nội thành cũ: Thiếu đất xây nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng

(HNM) - Nhà sinh hoạt cộng đồng đang thiếu nghiêm trọng tại các phường, nhất là ở địa bàn 4 quận nội thành cũ, do khan hiếm quỹ đất. Kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, về việc đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục - thể thao từ năm 2012 đến nay cho thấy, thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Nhờ có quỹ đất xây dựng, hệ thống nhà văn hóa khu vực ngoại thành đã phát triển hơn các quận nội thành. Ảnh: Lê Tuấn

Kết quả giám sát bước đầu của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, cho thấy trong 2 năm trở lại đây, tại khu vực ngoại thành, việc triển khai xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được phủ rộng tới các thôn. Đơn cử tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, 9 thôn trong xã đều có nhà văn hóa khang trang sạch đẹp, diện tích đủ rộng để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân, hay trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện đã có 77 nhà văn hóa, nhà hội họp thôn, cụm dân cư. Huyện cũng đang gấp rút hoàn thiện 7 nhà văn hóa ở các thôn, tổ dân phố, dự kiến cuối năm toàn huyện sẽ có 67% số thôn có nhà văn hóa và con số này sẽ là 85% vào năm 2015.

Tuy nhiên, tại khu vực nội thành, việc xây dựng nhà văn hóa hay các điểm sinh hoạt cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu quỹ đất. Tại quận Đống Đa, dù có số dân xấp xỉ 400 nghìn người nhưng ở 21 phường, 250 khu dân cư và 1.403 tổ dân phố trên địa bàn hiện chỉ mới có một khu trung tâm văn hóa quận và 109 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng diện tích sử dụng 35.000m2 (tỷ lệ 0,1m2/1 người dân). Hiện tại, quận vẫn chưa có hệ thống nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao cấp phường. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Đống Đa Trần Thanh Tùng, dù quận và các phường đã rất nỗ lực lựa chọn địa điểm nhưng vì mật độ dân số quá đông, quỹ đất khan hiếm nên khó có thể đáp ứng được nhu cầu.

Tương tự, tại quận Hai Bà Trưng, sau rất nhiều nỗ lực kiểm tra, đôn đốc các phường đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng mới nhà văn hóa, câu lạc bộ trên các khu đất nhỏ lẻ thì đến nay cũng mới chỉ có 12/20 phường có nhà văn hóa; 67 nhà văn hóa khu dân cư và 10 sân chơi khu dân cư. Dù mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, toàn quận sẽ đạt chỉ tiêu 50% khu dân cư có nhà văn hóa; 70% khu dân cư có nơi hội họp hoặc điểm vui chơi nhưng theo lãnh đạo quận, để đạt được con số trên thực sự không đơn giản bởi quỹ đất không còn nhiều.

Đánh giá bước đầu về kết quả giám sát, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, nhận xét hiện các thiết chế văn hóa của cấp huyện, quận khá đầy đủ. Tại cấp xã, việc triển khai tương đối tốt tuy nhiên nếu theo chỉ tiêu của quy hoạch phát triển văn hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì vẫn phải cố gắng nhiều. Trưởng ban Văn hóa - xã hội bày tỏ sự quan ngại khi các thiết chế văn hóa tại cấp phường và tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội thiếu về số lượng, quy mô diện tích không đáp ứng nhu cầu, trong khi đó việc quản lý và khai thác còn hạn chế. Chẳng hạn, tại hai quận Hai Bà Trưng và Đống Đa, bình quân 10-12 tổ dân phố mới có một nơi sinh hoạt cộng đồng, diện tích nhỏ, trang thiết bị loa đài, âm thanh ánh sáng tạm đủ yêu cầu để phục vụ các hội nghị nhỏ. Còn các hoạt động khác như phòng đọc, nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao, nơi vui chơi của khu dân cư còn hạn chế và sơ sài.

Trên thực tế, việc quản lý các thiết chế văn hóa đã được thực hiện theo phân cấp, nhưng do các cơ quan chức năng chưa ban hành văn bản quy định hướng dẫn quy chế tổ chức, hoạt động đối với trung tâm văn hóa phường, nhà họp tổ dân phố nên nhiều địa phương lúng túng khi thực hiện. Bên cạnh đó, để giải quyết tình hình khan hiếm quỹ đất hiện nay, các quận, huyện đều có chung kiến nghị yêu cầu thành phố rà soát và thu hồi đất tại các dự án treo, chậm tiến độ, bàn giao cho địa phương để xây dựng nhà họp, sân chơi và các công trình dân sinh khác phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nhà văn hóa cụm dân cư hay nhà sinh hoạt cộng đồng dù đến nay vẫn chưa thống nhất tên gọi song đó là một mô hình tốt cần phát huy. Đây không đơn thuần là nơi diễn ra các hoạt động chung của cộng đồng mà còn là nơi phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần, giúp nâng cao đời sống văn hóa, đặc biệt đời sống tinh thần của người dân.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Quy-hoach/635888/tai-cac-quan-noi-thanh-cu-thieu-dat-xay-nha-van-hoa-sinh-hoat-cong-dong-