Tài chính 24h: Lãnh đạo Lọc dầu Bình Sơn nói bị 'vu khống', 'bịa đặt' việc nhận hàng chục tỷ tiền chăm sóc lãi ngoài

Trong sáng nay, 4 lãnh đạo và cựu lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được triệu tập để đối chất lời khai nhận lãi ngoài với bị cáo Nguyễn Minh Thu – cựu Phó TGĐ Oceanbank.

Ảnh minh họa.

Phiên toà sáng 11/9: Lãnh đạo Lọc dầu Bình Sơn một mực phủ nhận nhận tiền chi lãi ngoài

4 người bị triệu tập gồm ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV, ông Đinh Văn Ngọc – cựu Tổng Giám đốc, Vũ Mạnh Tùng - Phó Tổng Giám đốc và ông Phạm Xuân Quang - Kế toán trưởng.

Ông Phạm Xuân Quang, kế toán trưởng BSR cho biết, ông công tác tại BRS từ năm 2008 đến nay. BRS có quan hệ gửi và vay tiền tại Oceanbank, hợp đồng tín dụng cao nhất là 1.150 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn liên quan đến lời khai của bị cáo Thu nói đã chi tiền cho lãnh đạo BSR, ông Quang nói “đây hoàn toàn là lời khai 1 phía, tôi không nhận khoản chăm sóc khách hàng nào từ phía cán bộ ngân hàng Oceanbank”. (Xem tiếp)

Bitcoin dần yếu đuối trước các tin dữ

Bitcoin, đồng tiên kỹ thuật số đáng tin cậy nhất hiện nay, vẫn trên đà giảm giá mạnh. Với những ai từng kỳ vọng đầu tư vào Bitcoin như một cách để trú ẩn cho tài sản, tránh được mọi sự kiểm soát của các quốc gia và sinh lời dễ, thì lúc này, niềm tin đó đã phôi pha ít nhiều.

Sau vụ Triều Tiên thử bom hạt nhân cách đây một tuần, giá vàng và đồng yen Nhật lại tăng 0,8% và 0,6%, trong khi Bitcoin giảm giá đến 4,9%. Đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy Bitcoin không phải là "hầm trú ẩn" nếu xuất hiện những tin xấu trong khu vực và trên toàn cầu. (Xem tiếp)

Sửa đổi thuế chuyển nhượng vốn: Liệu có ảnh hưởng đến dòng vốn M&A khối ngoại?

Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung các luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân và Thuế tài nguyên vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, sẽ đánh thuế 1% trên mức giá của các hoạt động chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài, dù có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Tương tự, mức thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân (cư trú và không cư trú) cũng sẽ được tính ở mức 1% trên giá chuyển nhượng. Hiện nay, Nghị định 12/2015/NĐ-CP đang quy định mức thuế cho các thương vụ này là 20% thu nhập.

Các chuyên gia nhận xét, việc đánh thuế chuyển nhượng vốn dựa trên giá chuyển nhượng có nhiều ưu điểm so với cách tính cũ (dựa trên mức thu nhập từ thương vụ). Theo ông Tạ Hồng Thái, chuyên viên thuế tại KPMG Việt Nam, Dự thảo sẽ giúp Bộ Tài chính đỡ được gánh nặng kiểm định thu nhập của các doanh nghiệp trong thương vụ chuyển nhượng vốn. (Xem tiếp)

Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ

Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền ảo được xem xét quản lý dưới ba góc độ: tiền tệ, phương tiện thanh toán; tài sản ảo; hàng hóa (khi được đưa vào giao dịch trao đổi, chuyển nhượng, mua, bán...).

Dưới góc độ là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, qua nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hầu hết các quốc gia không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp, bởi hai lý do chính.

Thứ nhất, nếu chấp nhận nó là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (tiền ảo nằm ngoài phạm vi quản lý, điều tiết của ngân hàng trung ương). (Xem tiếp)

Ngân hàng báo lãi ngàn tỷ từ... nợ xấu

Gần đây, VAMC đã tịch thu tòa nhà cao thứ 3 tại TP. HCM là Saigon One Tower, là tài sản đảm bảo của CTCP Saigon One Tower để thu hồi nợ từ công ty này. Ban đầu khoản nợ này thuộc về Maritime Bank và DongA Bank trước khi được VAMC mua lại trong năm 2015. Hiện tại, VAMC đang tìm kiếm NĐT mua lại tài sản đảm bảo Saigon One Tower. Giá trị khoản nợ này đã lên tới hơn 7 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Đặng Tiến Đông, chủ tịch VAMC, tốc độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới sau Nghị quyết 42 của Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 15/8) được ban hành quy định về cơ chế xử lý nợ xấu đặc biệt cho VAMC. Quy trình thu giữ tài sản đảm bảo của VAMC thông thường sẽ diễn ra gồm: VAMC gửi thông báo đến người vay về việc thu giữ tài sản đảm bảo; Thời gian chờ đợi phản ứng từ phía người vay sẽ là 7-14 ngày; VAMC tiến hành thu giữ tài sản.

Tuy nhiên, VAMC cũng như các TCTD đã gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 3 của quá trình thu hồi tài sản đảm bảo vì không có cơ chế đặc thù nào để buộc những khách hàng vay tiền bất hợp tác phải bàn giao tài sản đảm bảo. VAMC đã phải tìm đến tòa án để giải quyết nên mất nhiều thời gian và chi phí. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-lanh-dao-loc-dau-binh-son-noi-bi-vu-khong-bia-dat-viec-nhan-hang-chuc-ty-tien-cham-soc-lai-ngoai-3169185.html