Tái công nhận trường đạt chuẩn quốc gia: Bài toán không dễ

Phấn đấu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã khó thì việc giữ chuẩn lại càng khó hơn. Thực tế đã có trường chuẩn quốc gia được công nhận, qua thời gian cơ sở vật chất xuống cấp, không được đầu tư kịp thời nên có nguy cơ 'rớt chuẩn'.

Đến nay, giải pháp được các địa phương thực hiện là tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng như nguồn huy động từ xã hội hóa…

Vướng đủ thứ!

Theo quy định, thời hạn công nhận trường chuẩn quốc gia là 5 năm kể từ ngày ký quyết định. Sau khi hết thời hạn, các trường tự đánh giá, trình các cấp theo thẩm quyền để được kiểm tra công nhận lại. Tuy nhiên, việc tái công nhận chuẩn quốc gia ở các trường không hề đơn giản. Lý do là nhiều trường bị “vướng” các tiêu chí, nhất là gặp khó về tài chính, về quỹ đất, về cơ sở vật chất.

Theo thống kê, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) hiện có 44 đơn vị trường học (trong đó có 29/44 trường đạt chuẩn quốc gia). Từ đầu năm học 2016 - 2017 đến nay, ngành Giáo dục huyện tập trung xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ khá cao; góp phần quan trọng vào tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Giáo dục huyện, địa phương đang gặp không ít khó khăn vì cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều phòng học xuống cấp chưa được đầu tư xây mới, nâng cấp bổ sung để đủ điều kiện công nhận hoặc đề nghị tái công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo ông Nguyễn Bá Tòng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền (TP Cần Thơ): Mỗi năm, huyện có ít nhất 6 trường tái công nhận đạt chuẩn quốc gia nên rất cần bổ sung nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa một số trường xuống cấp. Hiện nay, huyện rất cần bổ sung đủ biên chế cho Phòng GD&ĐT, cần tuyển dụng bổ sung 30 giáo viên, 6 nhân viên y tế các trường mầm non, tiểu học, THCS để kịp thời giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…

Cùng chung khó khăn với huyện Phong Điền, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang gặp khó khăn với các trường đạt chuẩn từ năm 2011 trở về trước, khi hết hạn phải công nhận lại nhưng không đủ tiêu chí. Lý giải vấn đề này, lãnh đạo các trường cho rằng, do xuất phát điểm cơ sở hạ tầng kém, nhiều điểm trường manh mún, ngân sách hạn chế. Một nguyên nhân khác khiến nhiều trường “rớt chuẩn” là do không duy trì được điều kiện phòng học như ở thời điểm công nhận chuẩn… Theo chia sẻ của một Trưởng phòng GD&ĐT: Nguyên nhân cơ bản là do cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu. Sau khi đạt chuẩn, việc huy động nguồn lực, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các nhà trường ngày càng hạn chế nên việc tái công nhận gặp khó khăn.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Để tháo gỡ khó khăn trong việc tái công nhận trường chuẩn quốc gia, UBND huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) bố trí ngân sách đầu tư xây dựng, nâng cấp 10 trường thuộc diện tái công nhận đạt chuẩn trong năm 2017. Theo bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP cần Thơ: Ngành Giáo dục huyện Phong Điền cần chủ động phối hợp các phòng chức năng của Sở GD&ĐT thành phố triển khai thực hiện tốt kế hoạch cũng như tháo gỡ những vướng mắc. Sở GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, trang thiết bị giảng dạy cũng như phối hợp với địa phương rà soát mạng lưới trường lớp, phù hợp yêu cầu phát triển chung của thành phố...

Với xuất phát điểm thấp, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp gặp nhiều khó khăn, TP Vị Thanh (Hậu Giang) trong thời gian qua đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục; đặc biệt là xã hội hóa trong việc xây trường chuẩn quốc gia. Đến nay, tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia của thành phố chiếm hơn 73%.

Theo ông Huỳnh Hữu Thoại - Trưởng phòng GD&ĐT TP Vị Thanh: Trong những năm qua, kinh phí đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn, nhưng thành phố đã tranh thủ với tỉnh trong vận động các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất. Các trường Mầm non Vành Khuyên, Hoa Trà Mi, Hoa Sen… đều là những công trình được thực hiện từ nguồn xã hội hóa và một phần kinh phí của Nhà nước. Việc đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đầu tư các trường tái đạt chuẩn góp phần tích cực trong việc tạo môi trường sư phạm thân thiện, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.

Song song với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên thì việc quy hoạch mạng lưới cũng như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh những công trình lớn, ngành GD&ĐT thành phố còn có kế hoạch chỉ đạo cho hiệu trưởng các cấp học tranh thủ các nguồn lực về mặt tài chính như: Tranh thủ nguồn kinh phí được giao hàng năm, từ nguồn xã hội hóa tiến hành đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình trường học; Đảm bảo từ các điểm chính đến điểm lẻ đều đạt yêu cầu cơ sở vật chất để tổ chức dạy học…

Theo bà Dương Thị Ngọc Diễm - Trưởng phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học này là ngành Giáo dục thành phố tham mưu cùng lãnh đạo UBND thành phố đẩy mạnh việc đầu tư, nâng cấp sửa chữa một số hạng mục công trình. Trong đó, tập trung đầu tư vào những trường xây dựng chuẩn và tái công nhận chuẩn. Ngành cũng ưu tiên mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các đơn vị trường mầm non, nhằm đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tai-cong-nhan-truong-dat-chuan-quoc-gia-bai-toan-khong-de-3070966-b.html