Tái định hình nền kinh tế từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số tại Việt Nam - Tái định hình nền kinh tế để phát triển bền vững' là một hướng nhìn nhằm gợi mở một số giải pháp giúp nâng cao năng lực tự chủ ở cấp độ quốc gia. Hơn thế, đối với các đơn vị và tổ chức, cuốn sách sẽ hướng đến các hành động cụ thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho phát triển bền vững toàn xã hội. Sách do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông Việt Nam ấn hành.

Theo nhận định của tác giả: chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược và đây chính là cơ hội Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Cũng theo nhận định chung thì thời gian qua, kinh tế số ở Việt Nam cơ bản là tự phát triển và khá nhanh do hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông được quan tâm đầu tư, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Người Việt Nam ham mê công nghệ, dân số trẻ, được đào tạo, lao động chăm chỉ thích ứng nhanh với sự phát triển. Đó là những thuận lợi căn bản.

Cuốn sách “Chuyển đổi số tại Việt Nam - Tái định hình nền kinh tế để phát triển bền vững” tiếp cận nội dung chuyển đổi số không theo góc độ công nghệ mà phân tích dựa trên thực trạng chuyển đổi số trong một số lĩnh vực và ngành nghề.

Rõ ràng, tốc độ chuyển đổi số trên thế giới tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Theo dự báo, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được cho là sẽ trở thành khu vực phát triển nhanh nhất trong vòng 8 năm tới, do sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với xu thế mở rộng khu vực dịch vụ.

Với quan điểm, mỗi quốc gia đều có con đường riêng, không phải ai cũng đặt trọng tâm vào công nghiệp, tác giả và các cộng sự cho rằng: Tại Việt Nam, việc tái cấu trúc thể chế, nền kinh tế và xã hội với các công nghệ số mở ra cho cá nhân, mọi tổ chức, mọi ngành nghề và mọi quốc gia. Cơ hội này mở ra cho những quốc gia không có truyền thống công nghiệp như Việt Nam nhưng có tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác như khả năng tiếp thu công nghệ số, khả năng thích nghi cao. Việt Nam không những có thể mà còn nhất thiết phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số.

Với thực tế là, theo bảng chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các quốc gia trên thế giới hiện nay, Việt Nam có điểm trung bình 41/120 đứng thứ 55 về mức độ chuyển đổi số trên thế giới. Việt Nam còn có rất nhiều việc phải làm trong hành trình tái cấu trúc thể chế, nền kinh tế và xã hội với các công nghệ số, chứ không phải tạo ra công nghệ số. Tính bền vững của khả năng cạnh tranh số của các quốc gia phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, chính phủ, khu vực công và khu vực tư nhân cần tăng cường cung cấp số lượng và chất lượng các dịch vụ trực tuyến cho cá nhân. Thứ hai là, những cá nhân cảm thấy yên tâm về việc bảo vệ quyền riêng tư và sẵn sàng sử dụng các dịch vụ có sẵn.

Thách thức của Việt Nam và các nước đang phát triển hiện nay đó là phải đối mặt với hậu quả của dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các thách thức rủi ro như: an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực hạn chế để thực hiện chính sách về chính phủ số. Theo khuyến nghị, Việt Nam cần quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả đồng thời đẩy mạnh hơn nữa chương trình chuyển đổi số quốc gia, tận dụng sức mạnh và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số.

Căn cứ vào khung đánh giá chuyển đổi số của Ngân hàng Thế giới, tác giả có nêu ra những điểm đáng lưu ý: kỹ năng số của lực lượng lao động ở Việt Nam còn yếu, năng lực quản lý nhà nước về Chính phủ số tuy ở mức hợp lý nhưng dàn trải. Trong khi đó, từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng đó là thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử.

Dẫu thành công hôm qua chưa chắc đảm bảo cho thành công hôm nay và ngày mai. Song, với tư duy mới, tầm nhìn mới và cơ hội mới, triển khai quyết liệt, bài bản, Việt Nam hoàn toàn có thể ghi tên mình là một trong những nhóm những quốc gia có được sự phát triển bền vững nhờ sự chuyển đổi số.

Đặc biệt, sách còn cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm chuyển đổi số ở các nước, vùng lãnh thổ như: Đan Mạch, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore; tổng quan chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, thông tin truyền thông, cải cách hành chính. Hy vọng rằng, nếu cập nhật toàn diện và đồng bộ, mỗi một người dân Việt Nam thêm tin tưởng, khai mở nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu mà cả nước đang hướng tới phấn đấu trở thành nhóm dẫn đầu về chính phủ điện tử với cuộc sống số tiện ích, văn minh, bình đẳng cho tất cả mọi người.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tai-dinh-hinh-nen-kinh-te-nbsp-tu-chuyen-doi-so-31123.htm