Tái hiện hồn cũ Sài Gòn thập niên 70…

Như một hành trình ngược về quá khứ 'Sài Gòn thương và nhớ' sẽ đưa bạn đọc một lần nữa được quay về thập niên 70 của thế kỷ 20.

Vốn là một người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của gia đình, của thời cuộc - chính điều này đã tạo nên sự giàu có trong ký ức của tác giả Nguyễn Ngọc Hà. Những ký ức đó, không còn nằm yên mà “thức dậy” trên từng trang viết, sống động như vừa mới hôm qua.

Với chưa đầy 300 trang, Sài Gòn thương và nhớ đủ để lưu vào ngăn ký ức của người đã từng sống ở thành phố phồn hoa này và cũng đủ để lưu vào ngăn trí nhớ cho những người chưa từng đặt chân đến mà thèm thuồng mời gọi khám phá, so sánh cái mảng màu Sài Gòn xưa và nay.

Cuốn sách Sài Gòn thương và nhớ.

Những ký ức phủ đầy rêu phong, lãng đãng, thâm trầm và cổ kính, quán cóc liêu xiêu một câu thơ… dường như lâu nay người ta vẫn nghĩ đó là đặc sản của Hà Nội. Còn Sài Gòn ư?, chỉ cần nhắc đến thôi là cảm giác của một thành phố ồn ào với nhịp sống hối hả, với nắng gió như chú ngựa bất kham và những cơn mưa không thể đoán định dự báo sẽ đến và sẽ tạnh. Ấy thế mà trong Sài Gòn thương và nhớ tác giả Nguyễn Ngọc Hà lại dẫn dụ độc giả đến với một Sài Gòn đầy kỷ niệm, đầy ký ức trong dòng cảm xúc miên man, phảng phất cái rêu phong cổ kính như từ đâu mang đến. Sài Gòn cũng có hương xưa, cũng có “những quán cóc”, cũng có những tiếng rao, cóChợ Nacy, Công viên Chi Lăng, Nhà mồ Trương Vĩnh Ký, Nhà hàng Brodard, Thương tá Tax, Nhà thờ Huyện Sỹ …

52 bài tản văn cùng rất nhiều tư liệu hình ảnh trong cuốn sách “Sài Gòn thương và nhớ”xoay quanh những ấn tượng và kỷ niệm về Sài Gòn - từ những món ăn, thức uống, quán cóc, chợ búa, đến những công viên, trường học, di tích lịch sử và văn hóa… Tất cả được khởi đi từ nỗi nhớ niềm thương của một người, bây giờ trở thành nỗi niềm chung với những ai đã và đang ở Sài Gòn; nhất là những người từng gắn bó với Sài Gòn trước kia.

Một góc Sài Gòn xưa. Ảnh chụp lại từ cuốn sách.

Trong tiếng rao, Nguyễn Ngọc Hà viết thế này: “Ai… đậu xanh… bột báng… nước dừa… đường cát hôn…?. Tiếng rao nghe thật đơn giản, đơn giản đến nỗi chẳng ai để ý trừ lúc thèm cái gì ngọt ngọt để ăn. Tôi cũng chẳng quan tâm cho đến một ngày, một người bạn Mỹ chia sẻ rằng rất thích thú với những tiếng rao thỉnh thoảng đi ngang nhà chị. Tôi giật mình! Những tiếng rao đã thân quen với tôi từ tuổi thơ ham ăn ham ngủ, giờ đây dường như đã gần mất hẳn trong cuộc sống thị thành…”.

Những bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Hà thiên về cảm xúc cá nhân, không phải là một cuốn sách mang tính khảo cứu về Sài Gòn xưa. Hầu hết, các bài viết có điểm chung giống nhau khi cùng nhìn về quá khứ với niềm rung cảm lắng sâu. Tình cảm ấy vẫn còn nóng hổi. Ở đó, có những buồn vui, những tinh nghịch thơ trẻ; thậm chí tác giả không ngần ngại chia sẻ cả những tính xấu của bản thân. Chính điều này, đã tạo nên sự gắn bó và thiết thân giữa tác giả và bạn đọc. Không còn khoảng cách, tác giả Nguyễn Ngọc Hà giống như đang thủ thỉ tâm tình cùng bạn đọc về hồi ức vàng son vẫn luôn nằm trang trọng trong một góc nhỏ của trái tim.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã viết khi đọc xong cuốn sách: “Làm cho người đọc là Sài Gòn cũng tự nhiên thấy thích như lâu ngày gặp lại bạn cũ, ngồi kể đủ chuyện xưa. Người chưa phải người Sài Gòn thì cũng nhờ cuốn sách mà biết nhiều điều về một Sài Gòn của những ngày xưa thân ái… Đọc như được nghe một người bạn ngồi thủ thỉ kể, để cùng nhớ, cùng cảm động, cùng thấy yêu hơn một vùng đất đặc biệt của quê hương, nơi gắn liền với biết bao biến động lịch sử suốt mấy trăm năm hình thành…”.

Đơn vị xuất bản cuốn sách – Saigon Books liên kết với NXB Thế giới cũng muốn một cuộc “đi tìm” chủ nhân của bức ảnh được sử dụng trong sách để gửi nhuận bút và sách biếu.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/tai-hien-hon-cu-sai-gon-thap-nien-70-248234.html