Tái hiện tình yêu của nàng Scarlett trong 'Cuốn theo chiều gió' qua ảnh

Nữ diễn viên điện ảnh và sân khấu Anh Vivien Leigh đã “hút hồn” khán giả với vai diễn trong các tác phẩm điện ảnh bất hủ Cuốn theo chiều gió (Gone With the Wind; 1939) và Chuyến tàu mang tên dục vọng (A Streetcar Named Desire; 1950). Kể từ đó tới nay, người hâm mộ vẫn không ngừng tò mò về cuộc sống riêng tư, về cuộc hôn nhân đầy sóng gió với nam tài tử Laurence Olivier và cả các màn diễn của bà.

Giờ đây, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Leigh, người hâm mộ đã có cơ hội nhìn lại cuộc đời và những cuộc tình của bà qua triển lãm mới tại Bảo tàng V&A ở London. Bảo tàng V&A đã có được “kho” tư liệu và các kỷ vật của Leigh từ người cháu của bà, gồm hơn 200 bức thư, điện tín, ảnh, nhật ký, những bài báo hiếm.

Vivien Leigh và chồng nam tài tử Laurence Olivier. Họ là cặp đôi vàng trong những năm 1940-1950.

Mối tình lớn với Laurence Olivier

Trong những cuốn nhật ký, Leigh ghi lại tất cả các khía cạnh liên quan tới sự nghiệp và cuộc sống riêng tư của mình. Bà bắt đầu ghi nhật ký từ năm 1929, lúc mới 16 tuổi và duy trì thói quen cho tới khi qua đời vào năm 1967, ở tuổi 53.

Vivien Hartley sinh ngày 5/11/1913 ở Darjeeling, Ấn Độ (thời điểm đó là thuộc địa của Anh). Năm 1932, bà kết hôn với luật sư Leigh và mang họ chồng. Bà có 1 con gái, Suzanne, với ông Leigh. Leigh có bước đột phá đầu tiên tại khu sân khấu West End với vở kịch Mask Of Virtue (1935).

Năm 1940, bà kết hôn với Laurence Oliver. 2 người không có con sau khi Leigh bị sảy thai. Họ ly hôn năm 1960. Leigh từng gặp nhiều khó khăn trong công việc khi bà mắc bệnh cảm tính lưỡng cực. Bà qua đời năm 1967 vì bệnh lao. Bà đứng thứ 16 trong danh sách các nữ ngôi sao điện ảnh lớn nhất mọi thời đại của Viện Điện ảnh Mỹ.

Ông Keith Lodwick, phụ trách mảng sân khấu và trình diễn tại Bảo tàng V&A, nói về mục đích của cuộc triển lãm: “Chúng tôi muốn cứu Vivien Leigh thoát khỏi cái bóng của Laurence Olivier. Bà là một trong những người phụ nữ đẹp nhất thế kỷ 20, song có lúc vẻ đẹp mê hồn ấy lại gây bất lợi cho bà. Tôi nghĩ, bộ sưu tập này sẽ mang đến cho người hâm mộ những cái nhìn sâu sắc về tính cách, trí tuệ và những mối quan tâm của bà".

Có thể thấy cái bóng của Olivier hiện diện rất rõ trong bộ sưu tập này. Olivier và Leigh bắt đầu yêu nhau sau khi họ thủ vai một cặp tình nhân trong phim Fire Over England (1937). Lúc đó Olivier đã kết hôn với nữ diễn viên Jill Esmond. Cuộc hôn nhân của Leigh và Olivier kéo dài từ năm 1940 đến năm 1960. Họ là đôi trai gái vàng trong những năm 1940-1950. Khi phải xa nhau vì công việc, 2 người đã gửi cho nhau rất nhiều thư.

Trong một bức thư, Leight thể hiện tình cảm nồng nàn của bà: “Anh yêu, tình yêu của em dành cho anh từng giây, từng phút. Em biết, đêm nay anh sẽ gặt hái thành công lớn. Luôn tự hào về anh và ngưỡng mộ anh, Vivien”.

Từ tháng 4 đến tháng 6/1939, khi Olivier tham gia diễn xuất trong vở kịch No Time for Comedy trên sân khấu Broadway ở New York, và Leigh quay phim Cuốn theo chiều gió ở Los Angeles, hai người đã gửi cho nhau 40 bức thư.

Ngoài việc trao cho nhau những lời yêu thương ngọt ngào nhất, các bức thư của họ còn ghi lại những quan sát về sân khấu và những kế hoạch thành lập Nhà hát Quốc gia. Leigh còn trao đổi thư từ với một số nhân vật xuất chúng nhất trong lịch sử thế kỷ 20 như Winston Churchill, Graham Greene và Noel Coward.

Nhiều bạn bè và hiếu khách

Leigh đã đoạt giải Oscar đầu tiên với vai Scarlett O'Hara trong phim Cuốn theo chiều gió. Để có được vai diễn đó, bà đã “vượt mặt” hầu hết các nữ diễn viên hàng đầu thời điểm ấy và đã lao động hết sức hăng say. Leigh là người có thân hình mảnh khảnh và thần kinh yếu, nhưng trong phim bà xuất hiện trong hầu hết các cảnh phim, ngoại trừ cảnh chiến trận.

Leigh đã tỉ mỉ lưu giữ hơn 7.500 bức thư của bạn bè và đồng nghiệp gửi cho bà cùng Olivier. Các bức thư này tới từ cả những người nổi tiếng gồm Nữ hoàng Elizabeth, Arthur Miller và huyền thoại Hollywood Marilyn Monroe.

Vivien Leigh và Marlon Brando trong phim Chuyến tàu mang tên dục vọng

Bộ sưu tập cũng có nhiều bức thư trao đổi công việc giữa bà với nhà soạn kịch Tennessee Williams. Trong bức thư gửi cho Leigh hồi tháng 9/1950, Williams đã ca ngợi vai diễn Blanche DuBois của bà trong Chuyến tàu mang tên dục vọng , bộ phim được đạo diễn Elia Kazan dàn dựng theo vở kịch cùng tên của ông. Vai diễn đã đem về cho Leigh giải Oscar thứ hai.

Nhà soạn kịch Williams viết: “Chẳng cần phải nhắc lại về niềm hạnh phúc lớn lao của tôi đối với bộ phim và đặc biệt là vai diễn của cô. Đây là một Blanche DuBois mà tôi luôn mong ước và tôi vô cùng biết ơn cô đã đưa một nhân vật điện ảnh đẹp đến thế vào đời thực”.

Bộ sưu tập còn gồm những cuốn album ảnh chụp những cảnh trong phim Cuốn theo chiều gió , Romeo and Juliet . Các bức ảnh này chưa hề được trưng bày trước công chúng.

Ông Martin Roth, Giám đốc Bảo tàng V&A, nhận định: “Vivien Leigh là một trong những ngôi sao sân khấu và điện ảnh vĩ đại nhất của Anh. Chúng tôi thật xúc động khi giành được bộ sưu tập kỷ vật của bà nhân 100 năm ngày sinh và trưng bày trước công chúng lần đầu tiên. Bộ sưu tập này không chỉ thể hiện rõ cuộc đời cùng sự nghiệp của Vivien Leigh, mà còn mang đến cái nhìn đầy lôi cuốn về thế giới sân khấu và xã hội xung quanh bà”.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/tai-hien-tinh-yeu-cua-nang-scarlett-trong-cuon-theo-chieu-gio-qua-anh-n20130816084632067.htm