Tái khởi động đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Có sớm không?

"Việc nghiên cứu tiền khả thi ngay bây giờ là quá sớm, bởi vì, từ nay đến 2035-2040 là chưa nên xây dựng đường sắt cao tốc".

Năm 2020 hãy làm nghiên cứu tiền khả thi

Ngày 12/9, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật đường sắt (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Đông, trong số các nội dung mới của dự luật sửa đổi sẽ có một chương về đường sắt tốc độ cao. Dù Quốc hội từng bác dự án đường sắt cao tốc song theo Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam sẽ hoàn thành vào năm 2050.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, dự kiến năm 2018, Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020.

Đoạn Sài Gòn - Long Thành được chọn thí điểm để vận hành khai thác, đào tạo chuyển giao công nghệ, sau đó làm tiếp các đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh. Sau năm 2030, tuyến sẽ kéo dài tiếp Hà Nội - Đà Nẵng và Sài Gòn - Đà Nẵng.

Trước đó, Ban quản lý Dự án đường sắt cao tốc Bắc –Nam cũng đã có đề xuất lên Bộ GTVT 5 mốc thời gian trong kế hoạch hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi của dự án này, bắt đầu tư 2017.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao thông cho biết: "Tất cả các bước làm của Ban quản lý dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đều đúng và đáng hoan nghênh, đặc biệt là có việc lắng nghe ý kiến cộng đồng trong đó có các chuyên gia, các nhà khoa học.

Tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Thế nhưng, việc nghiên cứu tiền khả thi ngay bây giờ là quá sớm. Bởi vì, có thể tạm thời khẳng định từ nay đến 2035-2040 là chưa nên xây dựng đường sắt cao tốc.

Nguyên nhân là vì thứ nhất, đường sắt cao tốc chưa phù hợp với điều kiện, với mức sống của nhân dân Việt Nam hiện nay. Vì nếu làm hiệu quả thấp, thời gian thu vốn không khả thi, người Nhật Bản đã từng khẳng định nếu xây thì khả năng thu vốn là zero.

Thứ hai, đời sống người dân VN hiện nay rất thấp, kể cả đến 2030 thì mức sống cũng không tăng lên nhiều, bây giờ khoảng 1500-2000 USD/ đầu người, lúc đó may ra được 3000 USD. Trong khi, nếu làm đường sắt cao tốc thì giá vé gần bằng giá vé máy bay thì sẽ bao nhiêu người dân được sử dụng loại hình vận tải này.

Đáng nói, sân bay hiện nay mở rộng rất nhiều, vận tải hàng không đang phát triển, vậy nếu hành khách muốn đi nhanh, thì chắc chắn lựa chọn máy bay, nếu đi chậm hơn mà giá rẻ thì đi ô tô hoặc đường sắt Thống Nhất.

Thứ ba, tiềm năng kinh tế đang rất khó khăn, làm đường sắt cao tốc với đầu tư trên 50 tỷ USD lớn hơn toàn bộ thu ngân sách của cả nước trong 1 năm khoảng 800-900 nghìn tỷ, là điều bất hợp lý. Trong khi đó, khả năng thu hồi vốn không có, như vậy rất bất lợi, không khả thi.

Thứ tư, các loại hình vận tải, như ô tô vẫn được sử dụng chính, chiếm 70%, đường sắt chỉ vận chuyển 15 triệu hành khách, chiếm 2-3% vận tải của cả nước.

Nếu chúng ta dùng đường sắt cao tốc Bắc - Nam chủ yếu chở hành khách, khả năng chở hàng hóa ít, nên việc thu hồi vốn là cực kỳ khó khăn. Vì vậy, cho nên việc vội vàng xây dựng phương án đường sắt cao tốc là nóng vội, không cần thiết, không khả thi, không hiệu quả".

Qua phân tích, theo ông Thủy, đến năm 2020 hãy xây dựng nghiên cứu tiền khả thi, nghĩa là khoảng 4 năm nữa, bây giờ cứ chuẩn bị, khi triển khai thì đến 2025 sẽ hoàn thành.

Lúc đó năm 2035-2040 hãy đầu tư, thì khả dĩ mới hiện thức hóa được, còn xây dựng sớm, không có tiền thì lại để vào hốc tủ, trong khi chi ra hàng đống tiền để làm báo cáo không để làm gì, rồi đến lúc cần làm thì lại khảo sát lại, làm lại.

Bởi vì, nghiên cứu tiền khải thi phải tùy thuộc vào tình hình kinh tế, thị trường của đất nước, chỉ vài năm sau là đã có thể lạc hậu.

Nên nâng cấp đường sắt Bắc - Nam

Nói về phương án tốt nhất hiện nay, ông Thủy cũng chia sẻ: "Tôi đã từng đề nghị, việc cần làm là nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay. Cải tạo lại toàn bộ hệ thống đó, từ đầu đường, ga hầm, thông tin tín hiệu, hiện đại hóa lại.

Cùng với đó, nâng khổ đường từ 1m lên 1.435mm, từ đường đơn thành đường đôi, hai đường song song nhau.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tai-khoi-dong-duong-sat-cao-toc-bac--nam-co-som-khong-3317530/