Tài sản công và yêu cầu cải cách DNNN

Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là 5,408 triệu tỷ đồng (khoảng 240 tỷ USD), gấp 2 lần GDP. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng, còn phần chìm của tài sản công có giá trị lớn hơn rất nhiều thì rất khó tính toán.

Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là 5,408 triệu tỷ đồng (khoảng 240 tỷ USD), gấp 2 lần GDP. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng, còn phần chìm của tài sản công có giá trị lớn hơn rất nhiều thì rất khó tính toán.

Đó là chưa kể còn rất nhiều tài sản của Nhà nước nằm ở chính quyền các địa phương dưới dạng bất động sản nhưng không đánh giá được hết giá trị thực tế do thiếu minh bạch.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chậm lại, chỉ 5,9%, thâm hụt ngân sách tăng tới 6,1% và nợ công cũng tăng nhanh, 62,1% GDP. Trong khi các dòng vốn không ổn định đã có một số vấn đề liên quan đến thâm hụt thương mại, năng suất thấp ở các ngành trọng yếu do DNNN nắm giữ. Những vấn đề này dẫn đến hiệu suất của tài sản công kém hơn.

Tài sản công có thể là yếu tố tạo nên thịnh vượng nhưng tài sản công của Việt Nam vẫn là nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả. Một phần là bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có năng suất thấp, thậm chí còn thấp hơn khối kinh tế tư nhân, dẫn tới nợ khó đòi của các DNNN trong các ngân hàng tăng cao. Đáng chú ý, phần lớn các bất động sản nằm trong tay Nhà nước đã không thể hiện rõ lợi nhuận do việc sử dụng không minh bạch.

Một trong những ưu thế của các DNNN so với các thành phần kinh tế khác là quỹ đất khổng lồ, nhưng Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số tập đoàn, tổng công ty không sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, trong đó có Tổng công ty Mía đường II chưa sử dụng 112 ha đất.

Đáng lo ngại hơn, hàng ngàn ha đất đang được các DNNN sử dụng không đúng mục đích, đây cũng là một trong những lý do các doanh nghiệp này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất.

Việt Nam đang có kế hoạch thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước để tách bạch chức năng chủ sở hữu với các chức năng khác của Nhà nước trong quản lý kinh tế nhằm thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế thị trường. Muốn vậy, cần khoanh định rõ những tài sản mang tính thương mại của Nhà nước.

Cụ thể, về mô hình và cách thức hoạt động, khối tài sản thương mại của Nhà nước cần được quản lý bằng chuyên môn, chuyên trách và chuyên nghiệp, tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường. Bước đầu tiên là phải có hệ thống dữ liệu tích hợp toàn bộ tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực, trên cơ sở giá thị trường và được kiểm toán độc lập.

Đồng thời xây dựng bảng cân đối để hình thành mẫu cơ bản cho báo cáo kiểm toán lần đầu và báo cáo năm, xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể.

Tài sản công từng là vấn đề buộc Thụy Điển phải giải quyết hồi những năm 1990, khi đất nước bên bờ vực phá sản. Theo đó, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và khối kinh tế nhà nước được thực hiện sâu rộng. Có 63 tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc nhiều lĩnh vực phải cải cách theo mô hình và cách thức trên của Ngân hàng Thế giới.

Sau 3 năm cải tổ, nền kinh tế Thụy Điển đã đạt được hiệu suất gần gấp 2 lần, khu vực kinh tế nhà nước tăng hiệu năng gấp 2 lần so với trước, đóng góp vào danh mục đầu tư tỷ trọng lớn hơn.

Mỗi quốc gia phải tạo ra cơ chế ủy quyền, tăng trách nhiệm giải trình, bởi đây là yếu tố mang tính chất sống còn của nền kinh tế. Các DNNN chỉ thực hiện một mục tiêu là tạo ra lợi nhuận, không chịu trách nhiệm thực hiện các sứ mệnh tạo công ăn việc làm hay các mục tiêu chính trị khác.

Chính phủ cử người đứng đầu điều hành DNNN nhưng người đứng đầu không liên quan đến các hoạt động chính trị. Nhà nước đóng vai trò giám sát quá trình thực hiện mục tiêu tạo lợi nhuận của DNNN. Nhưng chắc chắn việc thực hiện mục tiêu cũng như trách nhiệm giải trình sẽ tốt hơn nếu phân định rõ ràng nhiệm vụ của từng bộ phận, từng con người cụ thể.

Quá trình tái cơ cấu DNNN và hệ thống ngân hàng vừa qua đã giúp Việt Nam có được bảng cân đối kế toán trong khối kinh tế nhà nước. Việc xây dựng bảng cân đối kế toán này là vô cùng quan trọng đối với kinh tế công. Ví dụ, phải cân đối tỷ lệ nợ trên GDP để Việt Nam có thể có được nền kinh tế lành mạnh.

Nhưng hơn thế, rất cần có sự quản trị nhà nước mang tính chất chuyên nghiệp để thay đổi chất lượng quản lý tài sản công. Theo đó, phải tách riêng quản trị nhà nước ra khỏi những chức năng khác của chính phủ thì người dân mới tin tưởng Nhà nước có thể quản lý hiệu quả tài sản công.

HẢI VÂN ghi

> Quý I/2016, doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn 2.019 tỷ đồng

> 5 đề xuất sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước

> Đừng quá "nuông chiều" doanh nghiệp nhà nước!

DAG DETTER - Chuyên gia Ngân hàng Thế giới

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/tai-san-cong-va-yeu-cau-cai-cach-dnnn/1099709/