Tại sao CEO bị “đá” ngày càng nhiều

Các công ty đối xử, và trả lương, cho các giám đốc điều hành như thể họ là người toàn năng. Vì vậy, khi mọi chuyện xấu đi, “người toàn năng” đó bị đá ra khỏi cửa.

Năm 1960, Sở Tư pháp Hoa Kỳ truy tố các giám đốc điều hành của một số công ty có dính líu vào bê bối ấn định giá trong ngành điện. Câu chuyện chẳng khác gì tiểu thuyết điệp viên, có họp hành bí mật, có mật mã... Kẻ phản diện chủ mưu là General Electric (GE), công ty điện lớn nhất thế giới khi ấy. 16 giám đốc của GE đã bị kết tội vi phạm luật chống độc quyền, trở thành “Great Electrical Price Conspiracy” (Tạm dịch: Đại bê bối Thông đồng giá điện). Đến hôm nay vẫn không có chứng cớ đủ rõ ràng để kết tội thực sự, song theo lẽ thường, chỉ cần xuất hiện nghi ngờ lớn như vậy đã quá đủ để nói đó là một thất bại hệ thống quản lý. Tuy nhiên, Ralph Cordiner, Chủ tịch kiêm CEO của GE, không chỉ thoát khỏi truy tố, mà thậm chí tiếp tục ngồi ung dung trên chiếc ghế quyền lực.

John Stumpf lại không may mắn được như vậy. Cuối tháng 10/2016, Stumpf bị buộc rời khỏi vị trí CEO của Wells Fargo, sau một vụ bê bối kỳ lạ: hàng ngàn nhân viên ngân hàng đã sử dụng dữ liệu khách hàng để mở hơn 2 triệu tài khoản giả, trong đó có hơn 500 nghìn thẻ tín dụng. Tổng chi phí thực ra chỉ khoảng 2,5 triệu USD. Bởi vì hành động này của các nhân viên chỉ nhằm đáp ứng đủ chỉ tiêu được giao và lấy được tiền thưởng. Nhưng gian lận là gian lận, nó cho thấy văn hóa của công ty có vấn đề nghiêm trọng. Và khi Stumpf phải ra điều trần, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã tấn công dồn dập và thành công buộc ông mất công việc CEO.

Nếu Stumpf sống cùng thời đại với Cordiner, hản ông sẽ chẳng có việc gì ngoài mấy lời khiển trách, cảnh cáo. Nhưng trong môi trường kinh doanh ngày nay, ông gần như không có cơ hội.

Ảnh: New Yorker

Theo thống kê, ở Mỹ, tốc độ thay CEO đã tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian 1970 – 2006. Một nghiên cứu khác kết luận ban giám đốc giờ “mạnh tay sa thải CEO vì hiệu suất yếu kém”. Ngoài ra, thời gian tại nhiệm trung bình của các CEO cũng đã giảm. Năm 1984, 35% CEO cầm quyền 10 năm trở lên. Đến năm 2000, chỉ có 15%. Một nghiên cứu vào năm 2009 khảo sát trên các công ty lớn cho thấy: thời gian cầm quyền trung bình chỉ là 6 năm. (Nhưng từ đó đến nay thì chỉ số này đã nhích lên khi CEO ít khả năng bị sa thải hơn do lợi nhuận lành mạnh).

Các giáo sư kinh tế từng thao thao về “đế chế CEO”, nhưng giờ, theo Marcel Kahan, Giáo sư Luật của trường đại học New York, đã trở thành kỷ nguyên “CEO dàn trận”. Ông ám chỉ đến việc các cổ đông lớn và hội đồng quản trị có nhiều quyền lực hơn, và sẵn sàng sử dụng nó.

Sự sụp đổ của trật tự cũ diễn ra từ khoảng hơn 30 năm trước, nhưng rõ ràng nhất kể từ thời điểm chuyển giao thế kỷ. Đạo luật Sarbanes-Oxley, được thông qua vào năm 2002, yêu cầu công bố thông tin tài chính cho các nhà đầu tư, và tăng cường tính độc lập của hội đồng quản trị. Charles Elson, chuyên gia quản trị kinh doanh của đại học Delaware, nói: “Ngày trước, hội đồng quản trị thường trung thành với CEO. Nay, họ trung thành với công ty.” Ngoài ra, phải kể đến sự nổi lên của các nhà đầu tư hoạt động, những người sẵn sàng “vận động hành lang” khi không hài lòng với năng suất làm việc của lãnh đạo công ty. Cứ với đà hiện nay, xác suất CEO bị sa thải trong vòng một năm tăng gấp đôi.

Nhìn sâu hơn thì cuộc cách mạng thông tin chính là mối đe dọa với sự cầm quyền của CEO. Trong thời đại của truyền thông xã hội, những chuyện “làm hỏng” sẽ bị phát tán rất nhanh chóng và gây phẫn nộ trên diện rộng. Bê bối bị phơi bày đã niêm phong không ít sự nghiệp của các lãnh đạo. Chẳng hạn ở Saatchi & Saatchi, Chủ tịch đã phải từ chức sau khi nói với báo chí rằng bất bình đẳng giới không phải là vấn đề quá phải chú ý.

Đây cũng là nguyên lý mà nhiều nước đã dùng để trấn áp các băng nhóm tội phạm, những hội kín một thời khét tiếng. Khi màn sương mù còn dày đặc, mọi người coi những tổ chức đó thần bí và đáng sợ. Nhưng khi cơ cấu hoạt động và các thông tin nội bộ bị rò rỉ ra bên ngoài, tổ chức đó dần dần tự suy yếu.

Tình cảnh của CEO thời hiện đại trái ngược hẳn với hình dung về cuộc sống xa hoa hay đình đám trên báo chí.

Các CEO hàng đầu thường được trả cao hơn giá trị họ đóng góp. CEO ở Mỹ lại càng như vậy. Theo thống kê, CEO Mỹ kiếm được gấp 2-4 lần so với những người cùng vị trí ở châu Âu và 5 lần so với ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Khoản thu nhập trên cũng chính là yếu tố khiến chiếc ghế CEO không hề vững vàng, bởi kỳ vọng thường rất cao. GS Elson cho hay: “Nếu bạn nhận một số tiền khổng lồ để mọi chuyện đi đúng, mọi người tự nhiên sẽ sẽ nghĩ bạn phải chịu trách nhiệm khi có chuyện xảy ra.” Xét trên ý nghĩa nào đó, việc CEO bị sa thải càng nhiều với thời gian càng ngắn là mặt trái của sự sùng bái. Thời đại của Ralph Cordiner (nay vẫn còn ở một số nước, chẳng hạn như Nhật Bản), người ta tin rằng khả năng CEO thay đổi công ty là hạn chế. Nhưng chiếc ghế CEO ngày nay được thành lập trên niềm tin: đó là người có chìa khóa thành công.

Quan niệm của mọi người nói chung đã thay đổi, nhưng bản thân CEO lại bắt nhịp chậm hơn. Elson cho hay: Một số CEO cực kỳ tự tin, đến mức khi bị sa thải, họ sốc nặng. Điều này cũng áp dụng ở nhiều chuyện khác. Chẳng hạn vụ bỏ phiếu Brexit, trước đó thì thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ ở lại trong EU cao đến mức không cần phải nghĩ nhiều, để rồi kết quả “dội gáo nước lạnh”. Hay vụ bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Ứng viên Hillary Clinton trong các cuộc thăm dò hầu như đều dẫn trước, và thường cách khá xa, đối thủ, song kết quả cuối cùng (mặc dù một phần còn nhờ quy chế bầu cử nước Mỹ) đã đưa Donald Trump lên cầm quyền.

Xem thêm:

Những phát ngôn “quá đà” của CEO công nghệ

“Cuộc thanh trừng” giá trị gốc và một “ngôi sao” hết sáng

Lỗ nặng khiến lãnh đạo ngân hàng JPMorgan phải từ chức

Nhiều lãnh đạo Volkswagen tiếp tục từ chức sau bê bối khí thải

Lãnh đạo Coca-Cola từ chức vì gian dối trong nghiên cứu béo phì

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/tai-sao-ceo-bi-%e2%80%9cda%e2%80%9d-ngay-cang-nhieu