Tại sao dân Mỹ không mặn mà với ô tô 'Made in China'?

"Làm sao chiếm được "trái tim" của những thượng đế đến từ Mỹ?". Đó là câu hỏi mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đi tìm câu trả lời trong suốt ít nhất một thập kỷ qua.

Trong buổi triển lãm xe hơi Detroit Auto Show vừa qua, công ty sản xuất ô tô Trung Quốc Guangzhou Automobile Group Co. (GAC) tuyên bố sẽ lấn sang thị trường Mỹ bằng các dòng xe thể thao đa dụng trong năm tới.

Mặc dù các dòng xe của hãng GAC có thể là một gợi ý cho người tiêu dùng Mỹ tuy nhiên điều này không có nghĩa nó có thể tạo nên một "cú hích" lớn tại thị trường khó tính này, nhất là khi GAC còn thiếu kiên nhẫn và kinh nghiệm trong các chiến dịch marketing tại Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg

Thêm vào đó, nếu thâm nhập vào thị trường Mỹ, GAC sẽ gặp trở ngại lớn về thương hiệu, đây cũng là khó khăn chung của nhiều hãng sản xuất ô tô Trung Quốc khác khi xuất ngoại. Trong bảng xếp hạng Top 100 các thương hiệu tốt nhất trên toàn cầu năm 2016 do tổ chức Interbrand thực hiện, Trung Quốc chỉ góp mặt 2 cái tên đó là Huawei (đứng thứ 72) và Lenovo (đứng thứ 99). Bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên tiêu chí về giá trị cũng như sức ảnh hưởng của thương hiệu đối với người tiêu dùng. Đáng buồn hơn, trong một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2015 đã tiết lộ chỉ có 22% người dân Trung Quốc sống ở nước ngoài có thể kể tên ít nhất một nhãn hàng đến từ quốc gia của mình.

Tệ hơn nữa, các sản phẩm "Made in China" đã đánh mất niềm tin từ phía khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là sau hàng loạt các vụ bê bối về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bảng xếp hạng Top 100 các doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới do tổ chức Reputation Institute thực hiện thì không có một công ty Trung Quốc nào được lọt vào trong danh sách này. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm sau nhiều lần rớt các bài kiểm tra về độ an toàn nhưng họ vẫn "chứng nào tật nấy" khi liên tiếp sản xuất các sản phẩm bị lỗi và không đáng tin cậy.

Một bất cập khác mà các công ty Trung Quốc vấp phải đó chính là thói quen làm nhái các sản phẩm đến từ thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Các hãng sản xuất ô tô cũng không phải ngoại lệ. Điển hình nhất là vụ bê bối năm 2004 khi hãng xe QQ bị cáo buộc là nhái lại dòng xe Chevrolet Spark. Gần đây nhất, hãng xe Jaguar Land Rover cũng đã kiện công ty sản xuất ô tô Trung Quốc Jiangling Motors Co. vì làm nhái hai dòng xe nổi tiếng của hãng là Landwind X7 và Land Rover Evoque. Nếu GAC thực sự muốn làm hài lòng các khách hàng khó tính đến từ toàn thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng thì công ty phải thực sự đầu tư sáng tạo những sản phẩm mang nét riêng của mình thay vì sao chép của các hãng khác.

Các chiến dịch markerting cũng là một dấu hỏi lớn khiến các công ty phải nỗ lực đầu tư hơn nữa để giải quyết. Đa phần họ dùng những chiến dịch quảng bá thương hiệu lỗi thời và không mấy hiệu quả. Đơn cử như WeChat đã mạnh tay chi 200 triệu USD để thuê Lionel Messi làm gương mặt đại diện cho hãng. Hay GAC cũng đã từng bỏ ra số tiền khổng lồ để các sản phẩm của mình xuất hiện trong bộ phim Transformers 2014. Nếu các nhãn hãng "Made in China" muốn nuôi tham vọng xâm nhập vào một thị trường cạnh tranh khốc liệt như thị trường Mỹ thì họ cần phải đầu tư nhiều chất xám hơn nữa để tạo nên điều khác biệt gây ấn tượng trong lòng khách hàng.

Hơn thế nữa, đây không hẳn là thời điểm thích hợp cho quyết định của GAC bởi lẽ thị trường ô tô Mỹ lúc này đang có dấu hiệu đi xuống. Song song với đó, công ty cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề an toàn và phát thải khí. Đây là hai mối quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó, GAC cần tạo ra mạng lưới bán hàng nhằm tạo sự cạnh tranh về giá.

GAC chia sẻ công ty đã ấp ủ ý định xuất khẩu xe ô tô sang nước ngoài từ nhiều năm trước mặc dù hãng cũng đã ý thức được những thách thức hiện tại của công ty. Phát biểu trên tờ Automotive News năm 2015, đại diện của công ty cho biết GAC sẽ tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ về chất lượng và dịch vụ mà còn về giá cả khi hãng tuyên bố sẽ bán với giá rẻ hơn 30% so với các đối thủ cùng phân khúc. Mặc dù vậy, người tiêu dùng cũng không khỏi nghi ngại về chất lượng và độ an toàn của một hãng xe không có tên tuổi đến từ Trung Quốc.

Còn một cách tiếp cận thị trường khác tốt hơn dành cho GAC đó là thay vì chỉ tập trung xúc tiến một nhãn hiệu dường như không mấy gây được tiếng vang trong lòng người Mỹ thì công ty có thể hợp tác với một số hãng xe trong nước như GM và Volvo trong việc phân phối sản phẩm. Thực tế hai hãng xe này cũng đang bán các dòng xe được sản xuất tại Trung Quốc như Buick Envision SUV. Bằng cách đó, GAC có thể kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ sản xuất ô tô của Trung Quốc với nghệ thuật bán hàng Mỹ.

>> Những ôtô đắt khách nhất Việt Nam năm 2016

Nguồn NDH: http://ndh.vn/tai-sao-dan-my-khong-may-man-ma-voi-o-to-made-in-china--2017011908505432p6c95.news