Tại sao Hà Nội không công bố ý tưởng chống ùn tắc đạt giải 2 tỷ đồng?

TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông và nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần công bố ý tưởng chống ùn tắc đạt giải 2 tỷ đồng để dư luận được biết.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh 7 chiến lược giải pháp chống ùn tắc giúp đơn vị liên danh Việt Nam – Nhật Bản đạt giải Nhì cuộc thi do TP.Hà Nội tổ chức, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông cho rằng, các chiến lược đạt giải rất thiếu thuyết phục, không có đột phá, thậm chí có giải pháp thiếu thực tế và khó thực hiện.

Ngay giải pháp đầu tiên là “mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông…”, TS. Thủy đánh giá, việc này được nhiều chuyên gia trong nước từng đề cập từ lâu.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông.

“Tuy nhiên, nếu nhìn nhận xa hơn phải là: Phát triển đô thị thì phát triển mạng lưới giao thông phải đồng bộ, phù hợp với không gian đô thị đó và có tầm nhìn xa, phát triển cầu cống, đường sá phải tương ứng. Ví dụ, đô thị này thì đường cần rộng bao nhiêu để cho dân đi, tầm nhìn xa hơn…”, TS. Thủy đưa ra ý kiến.

Theo TS. Thủy, đối với giải pháp dịch chuyển dải phân cách mềm và giải pháp phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT đối với đường phố Hà Nội là rất khó khả thi, bởi đường chật hẹp.

“Bây giờ mới có 1 tuyến BRT mà giao thông đã tắc nghẽn rồi… Đường phố Thủ đô vốn đã hẹp, đường dài hàng km chứ đâu phải một vài mét mà bảo sáng dịch chuyển dải phân cách, chiều dịch chuyển dải phân cách… Tôi cho là rất thiếu thực tế”, TS. Thủy bày tỏ.

Bên cạnh việc nghi ngờ về tính thiết thực của 7 chiến lược giải pháp đạt giải Nhì, TS.Thủy còn bày tỏ nghi ngờ về tính minh bạch của cuộc thi.

Ông Thủy cho rằng, Hà Nội và đơn vị đạt giải cần công bố nội dung cụ thể những giải pháp đã đạt giải để dư luận người dân cùng các chuyên gia đánh giá. Đồng thời, cũng là lý lẽ thuyết phục, chứng minh năng lực xứng đáng với giải thưởng 100.000 USD.

“Lâu nay người ta vẫn dùng những từ ngữ hay lắm, nhưng từ lý thuyết đến thực tế quá xa vời”, ông Thủy bày tỏ.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, nếu đủ điều kiện được tham gia, ông thậm chí còn có nhiều giải pháp thiết thực hơn bởi ông là người hiểu và nghiên cứu nhiều năm về giao thông ở Thủ đô.

“Theo tôi, chiến lược chống ùn tắc tốt nhất hiện nay mà Hà Nội cần làm là xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, mở rộng các cửa ngõ giao thông ra tỉnh ngoài. Đồng thời, phát triển mạnh giao thông công cộng, lấy đường sắt Metro làm trục phát triển chính…”, TS. Thủy nói thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, ùn tắc giao thông luôn là vấn đề nóng được người dân Thủ đô quan tâm. Việc tổ chức một cuộc thi ý tưởng thể hiện tinh thần cầu thị nhưng khi chọn được ý tưởng TP lại trao giải “lặng lẽ” là điều lạ lùng.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Đánh giá về những giải pháp chống ùn tắc trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cũng cho là giải pháp quá cũ. Ý tưởng đạt giải Nhì không khác nhiều so với đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030 vừa được TP.Hà Nội ban hành trong tháng 8 vừa qua.

"Tổ chức thi đương nhiên phải có trao giải. Tuy nhiên, ý tưởng phải sáng tạo, đột phá chứ không phải sự tổng hợp các ý kiến chuyên gia đưa ra từ nhiều năm trước. Có lẽ, kết quả cuộc thi không được như kỳ vọng ban đầu nên Hà Nội trao giải lặng lẽ”, PGS.TS Hùng nghi ngờ.

Trong diễn biến khác, trả lời báo chí, đại diện đơn vị đạt giải Nhì cho biết, đơn vị gồm liên danh viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia (VIUP) và đại diện bên Nhật Bản là tập đoàn tư vấn thiết kế hàng đầu của Nhật thuộc top 10 thế giới là Nikken Sekkei Civi Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI).

Theo vị đại diện, nếu xét về từng giải pháp, chiến lược thì chưa hẳn hoàn hảo nhưng xét tổng thể có thể áp dụng được cho giao thông Hà Nội. Theo vị đại diện, giải pháp ngắn hạn cho giao thông Hà Nội là phát triển hệ thống xe buýt BRT, còn tương lai dài hạn phải là đường sắt đô thị. Các giải pháp này phải được kết hợp hài hòa…

Nhất Nam

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tai-sao-ha-noi-khong-cong-bo-y-tuong-chong-un-tac-dat-giai-2-ty-dong--a338536.html