Tại sao Indonesia chưa ký hợp đồng mua tiêm kích Su-35?

Dù đã trải qua thời gian dài đàm phán hợp đồng mua 8 tiêm kích đa năng Su-35, tuy nhiên đến nay Indonesia vẫn chưa thể ký hợp đồng chính thức với Nga.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Antara hôm mùng 9 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia ông Ryacudu đã cho biết nước này định đặt mua 8 chiếc tiêm kích đa năng Su-35 với phía Nga, nhưng ông cũng cho biết thêm trở ngại lớn nhất tính đến hiện nay chính là vấn đề giá cả.

Chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga. Nguồn ảnh: Janes.

Ngoài vấn đề giá cả, phía Indonesia cũng đang tìm cách thúc đẩy phía Nga chuyển giao các công nghệ quốc phòng tiên tiến của mình để nước này có khả năng sản xuất vũ khí nội địa trong tương lai.

"Chúng ta có quá nhiều mục đích và muốn hoàn thành cùng một lúc, đó là lý do đến giờ mọi chuyện vẫn chỉ đang nằm trên bàn đàm phán", ông Ryacudu nhấn mạnh với kênh truyền hình Antara.

Năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đã từng lên tiếng xác nhận nước này đã lựa chọn dòng chiến đấu cơ đa năng Su-35 để thay thế cho dòng Northrop F-5 của Mỹ vốn đã phục vụ trong biên chế không quân nước này từ những năm 1980 và đã quá lỗi thời.

Lý do lựa chọn Su-35 được phía Indonesia đưa ra đó là vì các phi công trong lực lượng không quân nước này đã quá quen với việc sử dụng các chiến đấu cơ có xuất xứ từ Nga khi mà trong hơn một thập kỷ qua có tổng cộng 16 chiếc Su-27SK và Su-30MK2 đã được sử dụng bởi Không quân Indonesia.

Thực tế nếu xét về khả năng xuất khẩu Su-35 khó lòng có thể vượt qua được các mẫu Su-27 và Su-30, phía Nga đã chào hàng Su-35 cho rất nhiều quốc gia, nhưng mới chỉ ký được một hợp đồng bán 24 chiếc cho Trung Quốc. Nếu hợp đồng bán 8 Su-35 của Nga cho phía Indonesia thành công thì Không quân Indonesia sẽ là lực lượng thứ 3 sở hữu cho mình chiến đấu cơ Su-35 sau Nga, Trung Quốc.

Chiến đấu cơ đa năng Su-35 phá vỡ bức tường âm thanh khi tăng tốc. Nguồn ảnh: James.

Sukhoi Su-35 là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng chiếm ưu thế trên không thế hệ 4++ hiện đại do hãng Sukhoi chế tạo. Dù là tiêm kích thế hệ 4, nhưng Su-35 được cho là tích hợp hàng loạt công nghệ máy bay thế hệ 5 như động cơ kiểm soát véc tơ lực đẩy đa chiều, radar mạng pha, khả năng tàng hình...khiến nó đối chọi hiệu quả với F-22, F-35.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-indonesia-chua-ky-hop-dong-mua-tiem-kich-su-35-795242.html