Tại sao không thể quên lịch sử An Nam?

Những ngày đầu năm 2017, trên kệ sách chứng kiến hàng loạt đầu sách giá trị về lịch sử, văn hóa Việt Nam lần lượt xuất bản. Hầu hết đó là sách ở giai đoạn Việt Nam có tên gọi là An Nam.

. Mới “ra lò” trong tuần này là tác phẩm du ký Đông Dương ngày ấy (NXB Thanh Niên - Huy Hoàng Bookstore) của tác giả Claude Bourrin viết về Việt Nam về những năm 1898 – 1908.

Đông Dương ngày ấy đưa người đọc đến với một hành trình của chính tác giả với đời sống của người dân Đông Dương, từ tầng lớp tận cùng như người phu xe, người khiêng cáng, đến các quan lại, trí thực, vua Thành Thái… Đây có thể xem là một quyển sách về Đông Dương dễ đọc cho người trẻ bởi nó được diễn tả bằng ngôn ngữ của một nhà kịch nghệ; mọi sử liệu bỗng trở nên nhẹ nhàng.

Claude Bourrin chính là người đặt nền móng cho sân khấu kịch Việt Nam. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát lớn tại Hà Nội (mùa kịch 1927-1928), rồi làm giám đốc (đồng thời) của cả ba Nhà hát lớn Hải Phòng, Hà Nội và Sài Gòn các mùa kịch 1928-1930. Đông Dương ngày ấy được xuất bản đầu tiên vào năm 2008 do NXB Lao Động xuất bản, được dịch từ cuốn Choses et gens en Indochine 1898-1908 của Claude Bourin, do NXB Aspar ở Sài Gòn xuất bản năm 1940. Bản mới tái bản năm 2017 này với bản dịch của dịch giả Lưu Đình Tuân ngoài chỉnh sửa một số lỗi dịch thì còn có bổ sung một số ảnh minh họa về Đông Dương thời đó.

. Nếu Đông Dương ngày ấy nhiều phần sử liệu đời sống thì Nghệ thuật xứ An Nam (NXB Hà Nội – Nhã Nam) của tác giả Henri Gourdon lại tác phẩm sử liệu nghệ thuật. Henri Gourdon là Giáo viên Trường Thuộc địa, Tổng Giám đốc đầu tiên của Tổng Nha Học chính Đông Dương. Vào giai đoạn đầu thế kỷ 20, chuyên gia Pháp có nghiên cứu về châu Á là Albert Maybon đã chủ trì tủ sách Nghệ thuật xứ thuộc địa. Nghệ thuật xứ An Nam nằm trong tủ sách này.

Tác phẩm này đựa trên những ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân, tác giả đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nguồn gốc và xu hướng phát triển của nghệ thuật tại xứ An Nam, kèm theo 16 bức ảnh tư liệu quan trọng, minh họa sống động cho các thành tựu mà nghệ thuật xứ An Nam đã đạt được tính đến thời điểm những năm 1930.

Ngoài phần khái quát các đặc điểm xã hội, dân tộc, lịch sử chung của đất nước An Nam; ba phần tiếp theo mô tả các ngành nghệ thuật: kiến trúc, điêu khắc và hội họa, thủ công mỹ nghệ, và cuối cùng là xu hướng vận động của các lĩnh vực này trong bối cảnh An Nam là thuộc địa của Pháp.

. Đầu sách thứ ba nghiên cứu về An Nam mới nhất thuộc về quyển Những người châu Âu ở nước An Nam (NXB Thế Giới – DT Books) của Charles B.Maybon. Tác phẩm này là bản dịch hai chương II và IV cùng có nhan đề Les europeéns en pays d’Annam của cuốn Histoire moderne du pays d’Annam và tiểu luận Une factorerie anglaise au Tonkin au XVII sìecle.

Tuy nhiên tác phẩm này nghiên cứu về An Nam trong thế kỷ 18 và 18 thông qua hai chuyên luận Những người châu Âu ở nước An NamThương điếm Anh ở Đàng Ngoài. Từ hai chuyên luận này, Ch.B. Maybon đã dựng lên một toàn cảnh về sự có mặt và hoạt động của các giáo sĩ và thương nhân phương Tây ở An Nam. Riêng chuyên luận thứ hai đi sâu khai thác và phân tích những tư liệu lưu trữ viết về Công ty Đông Ấn Anh và thương điếm Anh ở Phố Hiến, sau chuyển đến Kẻ Chợ, trong ba thập kỷ cuối thế kỷ XVII.

Điều đáng quý ở các tác phẩm của Ch.B. Maybon là tính trung thực, khách quan của một trí thức có nhân cách độc lập, thoát khỏi sự ràng buộc của những định kiến về chủng tộc, chính trị hoặc tôn giáo, tín ngưỡng. Là người Pháp chính cống, nhưng ông không bênh vực cho đất nước của mình như một số tác giả khác cùng thời; và là người yêu Việt Nam, nhưng ông cũng không ngần ngại vạch ra những thói hư tật xấu của giới quan liêu và cơ chế phiền hà của bộ máy chính quyền phong kiến.

. Cuối cùng, một tác phẩm mang tính khu biệt vùng miền hơn nhưng cũng là sử liệu quan trọng đó là tác phẩm Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính của tác giả Phan Phương Thảo (NXB Hà Nội - Nhã Nam).

Đây là đầu sách giúp người đọc hình dung được quang cảnh Hà Nội từ khu phố cổ đến sự phân chia theo các đơn vị hành chính xã/thôn hay phường, theo những sở/khoảnh đất thuộc các loại sở hữu khác nhau, hay các loại hình mặt nước như ao, hồ, đoạn sông… Qua sách, người đọc có thể nhận thấy, quá trình biến đổi của Hà Nội giai đoạn cận đại trải qua hai thời kỳ chính: giai đoạn đầu từ năm 1888 - 1920 và giai đoạn thứ hai từ năm 1920 - 1945.

Ở mỗi thời kỳ, nhịp độ và mức độ các hoạt động của người Pháp tác động tới sự biến đổi diện mạo khu phố cổ hoàn toàn khác nhau. Đó là thời đầu với việc phá hủy và tái tạo cảnh quan tự nhiên khu phố cổ; thời sau là thời chỉnh trang diện mạo đường xá, nhà cửa của khu phố cổ trong quá trình quy hoạch tổng thể đô thị Hà Nội.

Mỗi tác phẩm trên mang một giá trị riêng mà những ai muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam đều không thể bỏ qua. Bởi các tác phẩm này không đơn thuần chỉ là sử liệu trên giấy mà nó chuyên chở đời sống thật của người Việt Nam thời đó. Và hơn cả, các tác phẩm này càng chứng minh rằng mối quan hệ giữa các nước phương Tây và Việt Nam là mối quan hệ khó tháo gỡ khi thương mại, tôn giáo, kinh tế, chính trị, văn hóa… đều gắn kết với nhau. Để từ đó, có thể góp phần cởi mở thêm khi nhìn nhận mối quan hệ này, rằng đó là những mối quan hệ thực dân – thuộc địa hay là mối quan hệ làm bệ đỡ cho sự phát triển và tiến bộ của Việt Nam về sau.

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/tai-sao-khong-the-quen-lich-su-an-nam-684267.html