Tại sao lại cấm các hãng bia...tài trợ, tiếp thị ?

Cấm các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu bia không được quảng cáo, tài trợ, giới thiệu sản phẩm... là không hợp lý.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Bộ Y tế soạn thảo, dự kiến sẽ trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 3 tới đây.

Điều 8 của dự luật về các biện pháp kiểm soát trong khuyến mãi, quảng cáo, tài trợ gây ra nhiều quan ngại cho các doanh nghiệp rượu bia tại Việt Nam.

Nên cấm quảng cáo gắn với bạo lực

Ngày 9-5, tại hội thảo góp ý về dự luật trên, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng việc dự luật cấm các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu bia không được quảng cáo, tài trợ, giới thiệu sản phẩm là không hợp lý.

Ông Vỵ nhấn mạnh: “Nhiều quốc gia đã từng cấm quảng cáo rượu bia nhưng không có tác dụng giảm mức tiêu thụ rượu bia nên đã bỏ việc cấm này. Ví dụ, thập niên 1970, Na Uy cấm quảng cáo thì tiêu thụ rượu bia lại tăng. Pháp cũng từng tranh cãi về luật liên quan cấm rượu bia và cuối cùng đã kết luận rằng không có hiệu quả đối với việc tiêu thụ đồ uống có cồn kể từ khi luật có hiệu lực”.

Đồng quan điểm, ông Matt Wilson, Giám đốc ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam, nhận định các đề xuất của dự luật không ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng rượu bia mà ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cấm quảng cáo rượu bia không mang lại hiệu quả mà chỉ ảnh hưởng và hạn chế khả năng đưa sản phẩm, giới thiệu tác dụng của sản phẩm đến người tiêu dùng.

Quảng cáo, tiếp thị bia tại hội chợ ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Từ thực tế đó, đại diện Heineken đề xuất chỉ nên cấm quảng cáo một số sản phẩm thực sự có độ cồn cao. Đồng thời cấm những quảng cáo sử dụng đồ uống có cồn gắn với hành động bạo lực, điều khiển phương tiện giao thông và cấm những hành vi gia tăng việc lạm dụng rượu bia. Còn lại thì phải cho quảng cáo để gợi ý, khuyến khích người dân sử dựng đồ uống có cồn rõ nguồn gốc, chất lượng.

Ở khía cạnh khác, ông Matt Wilson cho rằng nếu cấm các cá nhân, tổ chức quảng cáo rượu bia có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động quảng bá du lịch, giao lưu văn hóa. Đặc biệt, về khía cạnh kinh tế, ông Wilson cho rằng: “Trên thế giới quảng cáo đóng góp 15,7% vào GDP, còn ở Việt Nam, tỉ lệ đó là 2,5%. Nếu cấm quảng cáo rượu bia thì tỉ lệ này sẽ bị ảnh hưởng”.

Còn ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, lo ngại việc cấm quảng cáo rượu bia sẽ khiến người dân không biết đâu là rượu thật, đâu là rượu giả để lựa chọn. Hậu quả là người tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục tiêu thụ rượu lậu, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc chất lượng kém.

Tác hại là do lạm dụng

GS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, nhận xét rượu bia có một số lợi ích đối với sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ tiểu đường, giảm nguy cơ đột quỵ và tăng tuổi thọ.

“Tôi đã từng gặp những người 70 tuổi rồi nhưng cứ sáng ra là phải súc miệng bằng rượu, uống một ly, ăn sáng rồi mới làm việc được. Rượu là tác nhân làm phấn chấn tinh thần, còn những tác hại của rượu bia chủ yếu là do việc lạm dụng mà ra. Cụ thể nếu uống rượu quá liều sẽ dẫn đến nhiều bi kịch như tai nạn giao thông, lú lẫn, nghiện rượu. Nghiện rượu có thể gây chuột rút, tăng tốc độ lão hóa, giảm thèm ăn, loãng xương và trầm cảm” - GS Kim cho hay.

Những tác hại của rượu bia chủ yếu là do việc lạm dụng mà ra. Ảnh minh họa

- Trong khi đó, luật sư Ngô Ngọc Linh, đại diện diễn đàn “Uống có trách nhiệm”, cho rằng: “Hiện các văn bản pháp luật điều chỉnh rượu bia đã khá đầy đủ nhưng tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra. Tôi cho rằng đó là hậu quả của việc thi hành pháp luật không nghiêm. Cần phải động viên các cơ quan nhà nước trong việc thực thi pháp luật”.

Theo ông Linh, hiện nay rượu người dân nấu thì chất lượng cũng đảm bảo nhưng những nguồn cung cấp cồn công nghiệp để pha chế rượu vẫn còn tồn tại. Từ đó ông Linh cho rằng cần phải cung cấp công nghệ, quy trình giám sát chất lượng rượu cho người dân chứ không phải là cấm quảng cáo, tiếp thị.

Lo không được xem UEFA Champions League

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu bia không được thực hiện các hoạt động tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí…

Trước nội dung này, nhiều đại biểu phản ứng mạnh. Ông Matt Wilson, Giám đốc ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam, dẫn ra nhiều sự kiện âm nhạc, thể thao mà Heineken đang phối hợp với nhiều đơn vị của Việt Nam thực hiện. Đặc biệt là việc tài trợ cho chương trình trực tiếp giải UEFA Champions League mà khán giả Việt Nam say mê.

“Nếu cấm các hãng bia tài trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao… thì hàng triệu người Việt Nam sẽ không được xem các trận bóng đá đỉnh cao; không được thưởng thức những lễ hội âm nhạc mà chúng tôi đã tài trợ. Đó là chưa kể các hoạt động do chúng tôi tài trợ đã giúp Việt Nam tiếp thị hình ảnh quốc gia tốt hơn, thu hút khách du lịch và góp phần khiến ngành du lịch không khói này phát triển” - ông Matt Wilson nói.

Đề xuất cấm bán bia trong quán karaoke

Theo Bộ Y tế, muốn phòng tránh tác hại của rượu bia thì phải kiểm soát địa điểm, đối tượng, phương thức không được bán rượu bia. Do vậy, trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế đề xuất các phương án là cấm bán rượu bia trong các quán karaoke hoặc chỉ cấm bán rượu trong các cơ sở kinh doanh này; không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say và phụ nữ đang mang thai…

Bộ Y tế đánh giá việc cấm bán rượu bia trong quán karaoke sẽ không làm phát sinh lợi ích hoặc thiệt hại kinh tế trực tiếp cho nguồn thu của Nhà nước mà chỉ góp phần giảm mức độ dễ tiếp cận đối với rượu bia.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phí tổn kinh tế do rượu bia chiếm 1,3%-12% GDP quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả thường cao hơn chi phí trực tiếp. Giả sử phí tổn do rượu bia ở Việt Nam ở mức 1,3% GDP thì thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng. Trong khi đó đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát của Việt Nam năm 2012 chỉ 19.000 tỉ đồng.

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-kinh-te/cam-tai-tro-tiep-thi-quang-cao-bia-700808.html