Tại sao Mỹ thất bại trong mưu đồ thay đổi chế độ Syria?

Rốt cuộc, Mỹ cũng phải thừa nhận rằng mưu đồ thay đổi chế độ Syria là một chiến lược thất bại, không hề có cơ may thành công.

Cuộc nội chiến ở Syria sắp bước sang năm thứ sáu. Nó đã, đang và vẫn sẽ là một thảm họa đối với con người, đặc biệt là thường dân vô tội.

Cuộc xung đột Syria không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự. Ảnh: The National Interest

Rõ ràng, cuộc nội chiến Syria vẫn chưa tiến đến gần một giải pháp, giống như 6 năm trước đây, mặc dù Mỹ đã đưa vào nước này hàng trăm nhân viên quân sự và cung cấp hàng tỷ USD viện trợ. Cuộc xung đột đẫm máu này sẽ không thể kết thúc bằng các điều khoản được áp đặt từ bên ngoài, mà phải do những người trong cuộc cùng nhau đạt được một thỏa thuận chính trị.

Xem xét tình hình thực tế, người ta có thế lý giải vì sao mưu đồ thay đổi chế độ Syria của Mỹ lại thất bại thảm hại.

Thứ nhất, điều quan trọng là phải hiểu cuộc nội chiến Syria không giống như cuộc nội chiến Bắc-Nam ở nước Mỹ. Nó giống như những chiếc đầu của một con quái thú Hydra đánh lộn với nhau. Các nhóm phiến quân như IS, Mặt trận al-Nusra, Ahrar al-Sham và một số nhóm phiến loạn liên quan đến cái gọi là Quân đội Syria Tự do (FSA) hiện thời có thể xung đột với nhau, nhưng lại rất khó tách biệt về ý thức hệ. Các sự kiện ở Serekaniye, Til Kocher và Tell Hamis cho thấy các nhóm này đã hợp tác với nhau chống lại Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trước khi IS nuốt chửng hoặc đánh đuổi.

Các nhóm thánh chiến Hồi giáo có thể tạm thời liên kết với nhau chống lại kẻ thù chung, nhưng sau đó lại quay ra cắn xé lẫn nhau, tranh giành quyền lực và lãnh thổ.

Thứ hai, Quân đội Syria Tự do (FSA) là một tổ chức ô hợp, lỏng lẻo. Vào thời điểm đầu cuộc nổi dậy chống chế độ Assad, có đến hàng trăm nhóm nổi dậy được thành lập. Một số nhóm thuộc về

những người yêu nước, chống lại sự áp bức và muốn sống trong hòa bình. Nhưng nhiều nhóm khác lại thuộc về bọn tội phạm kiểu mafia, lợi dụng sự đổ vỡ của đất nước Syria để “đục nước béo cò”, làm giàu một cách bất hợp pháp.

Sự phức tạp của cuộc nội chiến Syria một phần là do lòng trung thành luôn thay đổi của các nhóm chống chế độ, nhưng đa phần là do sự can thiệp của các nước bên ngoài: Qatar, Kuwait, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Vào thời điểm này, thường xảy ra xung đột giữa các nhóm được Lầu Năm Góc hậu thuẫn trong SDF và các nhóm do CIA hậu thuẫn trong chiến dịch “Lá chắn Euphrates” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính vì những lý do trên mà giải pháp thay đổi chế độ ở Syria là không khả thi và cuộc nội chiến ở nước này không thể giải quyết bằng phương tiện quân sự.

Một giải pháp cho tình hình khó xử này ở Syria sẽ chỉ được tìm thấy từ bên trong và Mỹ phải thừa nhận rằng thay đổi chế độ là một chiến lược đã thất bại.

Mỹ nên cam kết tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giúp các bên tham chiến tìm ra giải pháp, trước khi cung cấp nhiều vũ khí và đào tạo các nhóm phiến quân. Những nỗ lực của FBI, CIA và các cơ quan khác của Bộ An ninh Nội địa phải đảm bảo rằng các mối đe dọa từ Syria không lan sang nước Mỹ. Trong số các lực lượng tham chiến ở Syria, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd cầm đầu xem ra là lực lượng có khả năng đánh bại ISIS nhất. Nhưng phía Mỹ phải cam kết bảo đảm cho tương lai của lực lượng này ở Syria.

Chính sách của Wahington đối với Syria trong sáu năm qua đã thất bại bởi vì nó không hề có một chiến lược thống nhất, không phục vụ cho bất kỳ lợi ích quan trọng nào của Mỹ và chỉ dựa vào công cụ quân sự để đạt được một số mục đích mù mờ chưa xác định.

Đã đến lúc, Mỹ phải áp dụng một chiến lược mới ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng, một chiến lược ít nhất cũng có cơ hội khả thi và thành công.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/tai-sao-my-that-bai-trong-muu-do-thay-doi-che-do-syria-858820.html