Tại sao nhiều nhà lãnh đạo thế giới chửi rủa thậm tệ ông Donald Trump?

Hôm 6/9, The National Interest (TNI) dẫn lời ông Christopher Preble, chuyên gia chính sách đối ngoại thuộc Viện Cato, Mỹ cho rằng, có rất nhiều lý do khiến ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump bị nhiều nhà lãnh đạo thế giới chửi rủa.

Theo ông Christopher, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay có một điều đáng để ý đó là những nhận xét của các nhà lãnh đạo nước ngoài về ông Donald Trump. Ông Trump có lẽ đang trở thành chính trị gia bị chửi mắng thậm tệ nhất thế giới. Rất nhiều nhà lãnh đạo, của cả những nước đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp cũng không ngần ngại chỉ trích ông Trump, một trong hai ứng cử viên cho vị trí Tổng thống Mỹ.

Năm ngoái, Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron đã thẳng thừng cho rằng tuyên bố của ông Trump về việc kêu gọi ban hành lệnh cấm tạm thời đối với người Hồi giáo đến Mỹ là "chia rẽ, ngu ngốc và sai lầm". Một số thành viên nghị viện Anh thậm chí còn muốn cấm ông Trump đến nước này.

Trong khi đó, Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Ả Rập Xê-út khẳng định, ông Trump nên rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng vì ông ta sẽ không thể chiến thắng. Ông nói: “Ông Trump là sự sỉ nhục không chỉ với đảng Cộng hòa mà còn của cả nước Mỹ”.

Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hồi tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau chỉ trích chính sách của ông Trump về người nhập cư và người tị nạn. Ông nói: "Cởi mở và tôn trọng lẫn nhau là cách để xóa bỏ hận thù và giận dữ. Nó hiệu quả hơn nhiều so với việc xây dựng một bức tường lớn và chính sách áp bức. Tôi sẽ không gây hấn với Donald Trump vào thời điểm hiện tại nhưng tôi không ủng hộ ông ấy”.

Cũng trong thời gian này, Phó thủ tướng Đức Sigma Gabriel nói rằng, tư tưởng của ông Trump không chỉ là mối đe dọa đối với hòa bình và sự gắn kết xã hội, mà còn cả sự phát triển kinh tế.

Tổng thống Mexico Enrique Penã Nieto thậm chí còn nói, giọng điệu của ông Trump làm gợi nhớ đến trùm phát xít Italy Benito Mussolini và trùm phát xít Đức Adolf Hitler.

Phát biểu hôm 3/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, ông Trump khiến ông thấy buồn nôn. Ông nói: "Sự thái quá của ông ấy làm tôi thấy buồn nôn, đặc biệt là khi ông nói xấu về một người lính, về ký ức của một người lính”.

Ngoài ra, rất nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới và ở Mỹ còn sử dụng nhiều từ ngữ nặng nề đối với ông Trump như: ngu dốt, ngớ ngẩn, điên, đáng sợ, một thằng ngốc, thằng hề…

Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton

Theo ông Christopher, ông Trump có thể sẽ chẳng quan tâm tới những lời khinh miệt như vậy. Chủ đề trong suốt chiến dịch tranh cử của ông là “Nước Mỹ là trên hết” và công khai thể hiện sự coi thường ý kiến của những người khác, đặc biệt là những người không phải công dân Mỹ. Chiến dịch của ông rõ ràng giành được sự ủng hộ của những người hiện đang cho rằng các chính trị gia điển hình của Mỹ, ở cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đều đang quá chú ý đến suy nghĩ của những người bên ngoài nước Mỹ.

Ông Christopher cho rằng, ông Trump đã tạo ra sự bất an trên thế giới và đó sẽ là một lỗ hổng lớn trong trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như đối với trật tự quốc tế mà Mỹ đã cố xây dựng trong nhiều thập kỉ qua. Cuộc bầu cử Mỹ không chỉ tác động trực tiếp tới 330 triệu người dân Mỹ và còn tới hơn 7 tỷ người trên khắp thế giới.

Mỹ đang giữ nhiệm vụ làm người đảm bảo an ninh cho nhiều đồng minh trên thế giới như Nhật Bản và các thành viên NATO. Do đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã không cường điệu khi nói rằng: “Cuộc bầu cử Mỹ là cuộc bầu cử của cả thế giới". Chính phủ mà người Mỹ lựa chọn để lãnh đạo nước Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.

Theo ông Christopher, ngay cả khi nước Mỹ không có ý định bảo vệ cả các nước khác thì việc nước Mỹ được an toàn và phát triển thịnh vượng cũng mang lại lợi ích cho phần còn lại của thế giới.

Do vậy, các nhà lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới đang theo dõi rất sát sao cuộc bầu cử Mỹ. Và tất nhiên, chủ đề "Nước Mỹ là trên hết" của ông Donald Trump khiến các đồng minh Mỹ cảm thấy lo ngại. Tôn chỉ đó được xem là một mối đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu khi mà ở đó, Washington rút lui và không can thiệp vào các vấn đề của thế giới.

Cựu Thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han cho rằng, ông Trump là "ứng viên Tổng thống Mỹ đầu tiên theo chủ nghĩa biệt lập, trong khi tất cả các tổng thống Mỹ thời kỳ hậu chiến đều là những người theo chủ nghĩa quốc tế hóa ở một mức độ nhất định".

Ông nói thêm, nếu Mỹ không tham gia vào những vấn đề của các đồng minh mà bị coi là gánh nặng của Washington thì cũng gần giống như việc Washington bỏ rơi các đồng minh. Ông bình luận: "Làn sóng chống Mỹ trên toàn thế giới chắc chắn cũng vì thế mà dâng cao thêm".

Xenia Wickett, chuyên gia cao cấp tại Viện chính sách Chatham House, Anh, đánh giá, chính sách của ông Trump sẽ khiến các đồng minh của Mỹ yếu hơn thay vì vững vàng hơn trước. Ông cho rằng, ông Trump đang có tư tưởng rằng, các đồng minh cần tự thân vận động để bảo vệ chính mình.

Hồi tháng 5/2016, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao phương Tây cho hay: “Viễn cảnh ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ sẽ là thảm họa cho mối quan hệ Mỹ - châu Âu".

PHẠM KHÁNH (Tổng hợp)

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tai-sao-nhieu-nha-lanh-dao-the-gioi-chui-rua-tham-te-ong-donald-trump-post208410.info