Tại sao nội bộ Hàn Quốc lại tranh cãi về việc lắp đặt hệ thống THAAD?

Giữa lúc cảnh báo gia tăng về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Washington và Seoul đã đẩy nhanh việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại tại Hàn Quốc nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Reuters đưa tin, ngày 26/4, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho biết Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), đang được thiết lập tại Hàn Quốc để phòng vệ trước khả năng Triều Tiên tấn công, sẽ đi vào hoạt động trong những ngày tới.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Harris bày tỏ sự tự tin rằng Mỹ có thể đánh bại bất cứ vụ tấn công bằng tên lửa nào của Triều Tiên nhằm vào đội tàu sân bay của Mỹ, song cho rằng Mỹ cũng nên nghiên cứu khả năng thiết lập năng lực phòng thủ tên lửa bổ sung ở Hawaii.

Mặc dù mục đích của việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được nêu rõ như vậy, song quá trình lắp đặt hệ thống này vẫn là chủ đề gây tranh cãi lớn ở Hàn Quốc, thậm chí còn trở thành vấn đề nóng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Các chuyên gia của AP đã giải thích cơ chế hoạt động của THAAD cũng như tại sao hệ thống này lại trở thành chủ đề tranh cãi ở Hàn Quốc.

Hệ thống bảo vệ trước các tên lửa tầm trung

Mỗi khẩu đội THAAD, một khẩu đội đang được lắp đặt ở phía Nam Hàn Quốc, bao gồm 6 xe mang phóng có thể tiêu diệt 48 tên lửa đánh chặn. Ngoài ra, hệ thống này còn được trang bị hai radar tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu AN/TPY-2, hai trung tâm chiến thuật di động.

Hệ thống THAAD có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly 200 km, tầm cao 150 km, vì vậy các chuyên gia quân sự cho rằng THAAD sẽ bảo vệ Hàn Quốc trước những tên lửa tầm trung của Triều Tiên. Một số chuyên gia khẳng định Seoul cần thêm nhiều hệ thống THAAD nữa để che phủ diện tích lớn lãnh thổ nếu muốn đối phó với những động thái phát triển kho tên lửa tầm trung của Bình Nhưỡng thời gian gần đây.

Người dân Hàn Quốc phản đối lắp đặt THAAD. Nguồn: Reuters

Không rõ khi nào hệ thống đi vào hoạt động

Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu lắp đặt THAAD từ tháng trước và hãng tin Yonhap hôm 26/4 thông báo những bộ phận chính, gồm 6 xe mang phóng, tên lửa đánh chặn và một radar đã được hoàn thành ở Seoul. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định đã có tiến triển trong việc triển khai hệ thống này nhưng không cung cấp cụ thể các chi tiết đã hoàn thành của THAAD. Bộ này cũng cho biết Seoul và Washington đang đẩy nhanh việc đưa THAAD vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Trung Quốc quan ngại về radar của THAAD

Kế hoạch triển khai THAAD không chỉ khiến Bình Nhưỡng tức giận mà còn động chạm đến cả Bắc Kinh bởi Trung Quốc coi hệ thống này là mối đe dọa an ninh bất chấp những cam đoan của Mỹ và Hàn Quốc rằng phòng vệ là mục đích duy nhất. Seoul cho rằng Bắc Kinh cố tình chống đối kế hoạch triển khai THAAD bằng các “đòn” kinh tế như hạn chế du khách tới Hàn Quốc cũng như ngừng nhập khẩu một số mặt hàng công nghiệp.

Trung Quốc cho rằng radar của THAAD có thể thâm nhập sâu vào lãnh thổ nước này và giám sát các chuyến bay cũng như những hoạt động quân sự khác của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lo lắng của Bắc Kinh là quá cường điệu bởi hệ thống THAAD ở Seoul không tăng cường khả năng giám sát của Hoa Kỳ bởi Washington đã theo dõi những vụ phóng tên lửa của Trung Quốc thông qua các hệ thống radar lắp đặt ở Qatar, Đài Loan hay Nhật Bản. Thêm vào đó, có rất ít lý do để điều chỉnh radar của THAAD ở Seoul sang chế độ chuyển tiếp bởi như vậy sẽ khiến hệ thống này không thể phát hiện và đánh chặn được những tên lửa đang đến.

Người dân địa phương lo lắng về sự an toàn

Các cư dân ở thị trấn Seongji, Hàn Quốc, nơi khẩu đội đầu tiên của THAAD được triển khai tại một sân đánh golf, đã bày tỏ lo lắng về những tác động không tốt tới sức khỏe con người mà radar của hệ thống này có thể gây ra. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng những lo lắng đó là không có cơ sở và chưa có báo cáo nào về lo ngại trên tại những địa điểm lắp đặt THAAD.

Vấn đề nóng trong chiến dịch tranh cử

Ứng viên hàng đầu của cuộc đua Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in đã cam kết sẽ cân nhắc lại việc triển khai THAAD nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/5 tới. Ông cũng khẳng định Hàn Quốc nên cân nhắc đến mối quan hệ với Trung Quốc. Ông cho rằng những lợi ích an ninh mà THAAD mang lại nên bị loại bỏ nếu làm cho mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trở nên xấu đi. Chiến dịch tranh cử của ông Moon Chae-in hôm 26/4 đã ra thông báo phản đối việc lắp đặt THAAD và cho rằng ý kiến của công chúng đã bị phớt lờ.

Đối thủ lớn nhất của ông Moon là Ahn Cheol-soo, lại lên tiếng ủng hộ lắp đặt THAAD nhưng cũng cho biết ông sẵn sàng đề nghị Mỹ dỡ bỏ hệ thống này nếu Trung Quốc đồng ý thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tai-sao-noi-bo-han-quoc-lai-tranh-cai-ve-viec-lap-dat-he-thong-thaad-post226333.info