Tại sao ông Táo lại cưỡi cá chép về trời?

Chuyên gia văn hóa giải thích tại sao lại cúng cá chép vào ngày ông Công, ông Táo mà không phải con vật khác.

Hàng năm, các gia đình thường làm lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp để tiễn ông về trời. Lễ vật cúng ngày ông Công ông Táo thường được các gia đình chuẩn bị rất chu toàn, từ đồ hương hoa, vàng mã, hoa tươi, mâm cơm mặn đủ món đến một thứ không thể thiếu được là ba chú cá chép đỏ để ông Táo cưỡi về trời. Vậy tại sao ông Táo lại cưỡi cá chép mà không phải là con vật khác?

Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, cá chép gắn liền với môi trường sông nước, phù hợp bối cảnh sống truyền thống của chúng ta là những vùng sông nước hoặc nghề làm lúa nước. Do vậy những loài vật sống dưới nước được ưu tiên hơn những loài vật sống trên cạn.

Cá chép sau khi cúng sẽ được thả ra sông, hồ.

TS Thơ giải thích: "Cá chép theo truyền thuyết vượt vũ môn hóa rồng, rồng là biểu tượng của sự thịnh vượng. Cá chép hóa rồng tức là có được thần lực đặc biệt, do vậy có thể trở thành vật để ông Táo cưỡi về trời.

Cũng có quan niệm dân gian cho rằng cá chép vàng là loài cá tiên xưa sống trên Thiên đình, vì bị lỗi nên xuống trần gian, mỗi dịp 23 tháng Chạp được ông Táo dùng để cưỡi về trời".

Hiện nay, ở miền Bắc duy trì tục thả cá chép nhiều hơn, miền Nam thì thường đốt hình cá chép bằng giấy vàng mã.

Khi cúng ông Táo, người ta đặt cá chép ở chậu trước chỗ bàn thờ ông Táo. Sau khi gia chủ làm lễ xong xuôi thì mang cá chép ra sông, hồ phóng sinh để ông Táo có phương tiện về chầu trời.

Có một số người đang hiểu sai rằng tiễn ông Táo về trời là ném luôn bàn thờ ông Táo hoặc ném hết chân nhang.

Thực ra, nếu đúng phong tục là cúng ông táo xong sẽ lau dọn lại lư hương, đắp tro cho đầy lư hương hơn, nhổ bớt những tàn của lư hương mang đi đốt và chỉ chừa lại 3 cây. Sau đó, gia chủ sẽ ngừng thắp hương cho đến ngày 30 Tết đón ông bà về ăn Tết thì đón luôn ông Táo.

Theo VTCnews

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tai-sao-ong-tao-lai-cuoi-ca-chep-ve-troi-d113594.html