Tại sao rượu lại khiến chúng ta thèm ăn?

Trở về nhà sau một buổi tiệc tùng, chúng ta vẫn thấy thèm ăn khoai tây chiên hay pizza khủng khiếp. Các nhà nghiên cứu cho biết đã phát hiện ra nguyên nhân: rượu khiến não nghĩ rằng chúng ta đang đói.

Một loại tế bào não chuột dễ bị rượu kích thích

Các nhà nghiên cứu tại Viện Francis Crick (London), một viện nghiên cứu về y sinh mang tên nhà sinh vật học, nhà vật lý phân tử Francis Crick, cho rằng, rượu kích hoạt các tế bào não có chức năng gây cảm giác thèm ăn.

Trong các nghiên cứu trên chuột, họ nhận thấy có một loại tế bào não dễ bị kích thích bởi rượu. Cũng chính những tế bào não này hoạt động mạnh hơn khi cơ thể bị đói, nhắc nhở chúng ta đó chính là lúc cơ thể cần được nạp nhiều thức ăn giàu calo.

“Dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng rượu giúp duy trì các tín hiệu thèm ăn cơ bản”, Sarah Cains và nhóm nghiên cứu của bà viết trên tạp chí Nature Communications.

Chuột trở nên phàm ăn

Các nhà nghiên cứu đã mang đến một “cuối tuần tiệc tùng” cho những con chuột trong phòng thí nghiệm của họ. Đều đặn ba ngày liên tiếp, họ tiêm cho chuột một liều dung dịch ethanol pha nước. Lượng rượu này tỷ lệ với lượng rượu mà một người có thể uống trong một ngày, vào khoảng một chai rưỡi rượu vang.

Kết quả là chuột đói ngấu: lượng thực phẩm chúng ăn tăng từ 10 đến 25% trong những ngày được tiêm ethanol.

Cains và đồng nghiệp cũng nhúng những lát não chuột vào rượu và nhận thấy các tế bào thần kinh mà người ta vẫn gọi là tế bào peptide liên kết với Agouti (AgRP) đều bị kích thích. Khi họ làm bất hoạt các tế bào thần kinh này bằng các hóa chất trong cơ thể chuột sống, chúng không còn phản ứng như trước đây: một cặp chuột được tiêm dung dịch ethanol trong vài ngày đã không ăn nhiều nữa.

Các nhà nghiên cứu cho biết, cơ chế cơ bản trong não chuột hoạt động tương tự như ở người.

Ảnh hưởng của rượu khai vị

“Từ lâu chúng ta đã biết rượu ảnh hưởng đến thói quen ăn uống”, Jens Reimer, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu liên ngành về chứng nghiện (ZIS) tại trường ĐH Hamburg, cho biết.

Hàng trăm năm nay, con người thích uống đồ có cồn – như rượu khai vị - để tăng cảm giác đói và sẵn sàng cho một bữa tiệc thịnh soạn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng con người thường tiêu thụ nhiều calo hơn hẳn sau khi uống một lượng rượu đáng kể.

Sau ba ly rượu vang, con người nạp thêm khoảng 6.300 calo trong 24 giờ tiếp theo, theo cuộc khảo sát do YouGov, công ty điều tra thị trường Anh, thực hiện theo đặt hàng của tổ chức về giảm cân Slimming World.

Dù vậy cơ chế cơ bản của điều hiển nhiên này vẫn còn bí ẩn. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng, khi uống nhiều rượu, con người sẽ bị mất kiểm soát hành vi, nên họ mất khả năng kiềm chế việc ăn uống.

"Nghiên cứu của Viện Francis Crick đã xác định được vùng neuron trong não kiểm soát hành vi này," Reimer nhận xét.

Mất calo

Việc con người trở nên đói hơn sau một đêm uống rượu đã đánh đố các nhà nghiên cứu một thời gian dài. Bản thân rượu cũng giàu năng lượng: một gram ethanol chứa 7,1 ki lô calo, nghĩa là chỉ thua mỡ.

Thông thường khi được nạp đồ ăn giàu năng lượng, cơ thể sẽ mất cảm giác đói. Nhưng khi uống rượu thì điều trái ngược lại xảy ra. Hệ quả là đồ uống có cồn gây tác hại gấp đôi đối với việc giảm cân: mặc dù cung cấp nhiều calo, chúng vẫn khiến người ta tiếp tục thèm ăn.

Nhà nghiên cứu về chứng nghiện Reimer cho biết, “Nếu mọi người để nó trở thành thói quen thì rất nguy hiểm: ăn uống thiếu lành mạnh, uống nhiều rượu, rồi lại ăn uống thiếu lành mạnh hơn”.

Nó có thể nhanh chóng dẫn đến bệnh béo phì, yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, ung thư, đột quỵ và các bệnh khác.

Theo Anh Vũ (Tia sáng)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tai-sao-ruou-lai-khien-chung-ta-them-an-c7a496377.html