Tái sinh 'rừng nhiệt đới san hô'

Giữa sóng nước mênh mông, những cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm và một số ngư dân xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) lặng thầm tách tỉa, nuôi cấy, ươm trồng từng mầm san hô cho Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An.

Giữa sóng nước mênh mông, những cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm và một số ngư dân xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) lặng thầm tách tỉa, nuôi cấy, ươm trồng từng mầm san hô cho Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An.

Tách, ươm từng mầm...

Con tàu gỗ chất đầy dụng cụ chở nhóm cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý (BQL) Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm Hội An rời cầu cảng Bãi Làng, nhắm thẳng hướng Hòn Lá, Hòn Khô trong chuyến đi chiết mầm san hô về vườn ươm. Biển lặng sóng êm, nước trong xanh nên sau khi tự phân công công việc cho nhau, khởi động xong, từng kỹ thuật viên buộc chì vào xung quanh bụng và đeo bình oxy rồi nhảy ùm xuống nước. Cứ khoảng 5 mét, kỹ thuật viên lại phải dừng bơi để cân bằng áp suất, đảm bảo an toàn cho hai lỗ tai trước áp lực nước biển. Lặn xuống chừng 20 mét gặp thảm san hô cũng là lúc công việc tách tỉa từng mảng nhỏ bắt đầu. Để đảm bảo an toàn, các kỹ thuật viên phải làm việc theo cặp, hỗ trợ và ra dấu trao đổi với nhau, cùng thực hiện công việc một cách ăn ý nhất. Dưới lòng biển, việc giữ vị trí và thế bơi sao cho không giẫm đạp lên san hô và không bị dòng nước ngầm chảy xiết làm nổi người đòi hỏi rất nhiều về kỹ thuật và kinh nghiệm. Để không bị ảnh hưởng đến vùng cho nguồn giống cũng như các cá thể được tách, họ phải dùng búa hoặc dao, cẩn thận, tỉ mỉ lách vào kẽ tập đoàn san hô để chiết mầm. San hô mang về ươm trồng thường là san hô sừng và san hô tai mèo. Tuy đa dạng nhưng vì san hô là động vật, dễ cảm nhiễm trước tác động của môi trường tự nhiên nên khi vừa tách tỉa xong, kỹ thuật viên phải bỏ ngay vào dụng cụ chứa nước biển. Sau 2 tiếng đồng hồ tách tỉa, họ mang lên tàu để đưa về ươm tại khu vực gần cầu cảng. Là một trong những người trực tiếp làm việc này, anh Nguyễn Văn Vũ - Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế BQL Bảo tồn Biển Cù lao Chàm cho biết: “Hoạt động trồng san hô dưới nước đòi hỏi phải có kỹ thuật, kỹ năng thao tác trực tiếp dưới đáy biển. Đặc biệt là phải có tâm huyết bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi, phải yêu san hô mới có thể kiên trì làm việc. Vì hoạt động này rất là khó khăn và nguy hiểm. Người lặn, làm dưới biển có thể gặp những rủi ro và các bệnh tật như khớp, điếc tai... Tuy vậy khi lặn xuống, nhìn thấy những mầm san hô trồng mới nảy nở, sinh sôi tuyệt đẹp thì mọi người lại có động lực để làm việc hết mình với biển”.

Tách tỉa được san hô mới là một phần ba công việc phải làm. Khi về đến vườn ươm, một lần nữa họ lại phải lặn xuống đáy biển để cấy những mầm san hô mới vào dàn ống nhựa ráp sẵn thành giá thể dưới đáy biển trước đó. Thay vì ươm trực tiếp trên nền đáy, họ cấy mầm vào từng lỗ trên giá thể để san hô phát triển. Cứ như vậy, mỗi đợt, họ thực hiện công việc theo vòng tuần hoàn, chỉ trừ những khi mưa to, gió lớn họ mới ngưng nghỉ.

Lặn tách san hô dưới đáy biển.

Sau khi tách tỉa mang mầm san hô về điểm ươm trồng.

Làm vườn ươm dưới đáy biển rất nhọc nhằn và khó khăn.

Trồng san hô...

Hết 3 tháng ươm giống, họ bắt đầu đưa san hô từ vườn ươm đi trồng chính thức ở những vùng bị tổn thương nhiều. Thực tế, ngoài các hoạt động du lịch, những năm gần đây, việc thi công các công trình xây dựng cơ bản trên đảo Cù lao Chàm đã tạo ra các ta luy mới. Khi mưa lớn, đất đá chảy, sạt xuống biển, làm san hô bị vỉa cừng. Thêm vào đó, mỗi năm, mưa lũ làm sai lệch độ mặn khiến san hô bị tẩy trắng, hư hại nhiều. Đó là chưa kể, một số loài thiên địch như sao biển gai, cầu gai lặng thầm tấn công các cá thể san hô trong đáy biển. Vì vậy, từ năm 2013 đến nay, BQL Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm đã tiếp nhận công nghệ và tiến hành trồng san hô, vừa đảm bảo môi trường sinh thái, vừa tạo nơi cư trú cho hải sản. Việc này đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân xã đảo. Nhiều ngư dân từng một thời khai thác hải sản trong rạn san hô, giờ đây quay trở lại cùng tham gia trồng với BQL, như các ông Huỳnh Giang, Lê Đối thôn Bãi Ông, ông Trần Xá, Trần Láng ở Bãi Làng, Trần Sỹ, Nguyễn Quang ở thôn Bãi Hương... Ông Trần Xá, một người dân ở thôn Bãi Làng chia sẻ: “Cấy san hô ở Cù lao Chàm là một việc làm rất quan trọng. Họ đã nghĩ ra cách đó để bảo vệ môi trường, làm các sinh vật sống lại, phục hồi, cho người dân có nơi mà đánh bắt hải sản. Chính tôi là thợ lặn và cũng là người tham gia cấy san hô ở Cù lao Chàm và hiện nay nhiều người dân, cộng đồng của Cù lao Chàm họ đã thấy lợi ích nên đang tham gia cấy san hô để Cù lao Chàm phát triển”.

Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm luôn kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn hệ sinh thái biển. Từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã trồng được hơn 6 ngàn tập đoàn san hô tại khu vực Bãi Xếp, Hòn Lao, Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Bắc. Sau khi trồng, hàng năm, các kỹ thuật viên đều khảo sát mức độ phát triển, trồng dặm những vị trí san hô chết. Theo đánh giá, tỷ lệ sống của san hô trồng ở vùng biển Cù lao Chàm đạt khoảng 80%. Nói về ý nghĩa của công việc này, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An nói: “Hiện nay, việc trồng và nuôi cấy san hô dưới đáy biển Cù lao là một hoạt động hết sức ý nghĩa trong bảo vệ gìn giữ hệ sinh thái biển nói chung và hệ sinh thái rạn san hô nói riêng. Đây là công việc Hội An xác định cần được ưu tiên tập trung thực hiện trong những năm đến. Năm 2017, Hội An sẽ hợp tác với Cơ quan bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hàn Quốc, hỗ trợ cho Hội An để thực hiện dự án bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2017-2020”.

“Rừng nhiệt đới” san hô dưới biển Cù lao Chàm cũng đang bật mầm lung linh dưới đáy biển. Đó là một phần thành quả của việc bảo vệ và trồng mới san hô của những người yêu biển.

Lê Hiền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_166956_ta-i-sinh-ru-ng-nhie-t-do-i-san-ho-.aspx