“Tải trọng” trách nhiệm

Sau vụ sập cầu treo Chu Va 6 ở tỉnh Lai Châu khiến 8 người chết, 37 người bị thương, địa phương, các bộ, ngành liên quan đã rất nỗ lực cứu chữa người thương vong và tìm nguyên nhân vụ tai nạn. Nhiều cuộc kiểm tra đã được thực thi và cuối cùng, nguyên nhân được “đổ lên đầu”... một con ốc của chiếc tăng- đơ bằng sắt nối giữa cáp treo với hố neo mố cầu.

CôngThương - Ngành giao thông vận tải đã khẳng định: Công tác thẩm định thiết kế “không có vấn đề, mà lỗi tại ốc neo cáp của cầu làm ẩu” và “nguyên nhân là do khi chế tạo lẽ ra phải khoan để bắt nối thì lại hàn, khiến sắt bị giòn như gang nên đứt thẳng ra”. Tuy nhiên, vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào bị điểm mặt phải chịu trách nhiệm về việc “lẽ ra con ốc phải được khoan”. Thật “oan” cho con ốc neo vì nếu đúng nó là nguyên nhân gây ra thảm họa thì bản thân con ốc không tự mình... tắc trách! Còn ở góc độ quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ngành xây dựng lại khẳng định: Trước đây, các công trình này không chịu sự kiểm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật.

Đáng buồn hơn, một số lãnh đạo địa phương đã vội vã kết luận rằng, cầu ghi rõ tải trọng là 1,5 tấn (chỉ bảo đảm cho khoảng 20 người cùng lưu thông một lúc), nhưng khi xảy ra tai nạn có khoảng 50 người trên cầu.Vậy là do quá tải,do lỗi của người dân!

Ngay sau đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bác bỏ quan điểm này. PGS.TS Nguyễn Quang Toản- nguyên Chủ nhiệm Bộ môn đường bộ (Đại học Giao thông vận tải Hà Nội)- lý giải: "Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn của cầu đi bộ cho người và xe thô sơ, nếu xây dựng đúng quy trình của Bộ Xây dựng thì trọng tải được tính là 500kg/1m 2 , chiều rộng là 1,4m thì trọng tải của nó gấp 1,4 lần, có nghĩa là được 700kg/1m dài cầu. Cây cầu dài 54m thì sẽ có lực dải đều là hơn 35 tấn".

Đến đây, người viết chợt nhớ, vào tháng 5/2013, tại Lai Châu từng xảy ra vụ sập gẫy một cây cầu sắt mà nguyên nhân cũng vì…quá tải. Và rốt cuộc, chẳng ai phải “chịu trận” ngoài chủ chiếc xe tải trực tiếp gây ra vụ việc.

Phải thừa nhận rằng, việc điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ đổ, vỡ, gãy, sập ở các công trình giao thông, xây dựng không hề đơn giản vì nó liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, chịu tác động từ nhiều yếu tố. Song, có lẽ việc quan trọng nhất để “trấn an” dư luận, cần phải xác định “tải trọng trách nhiệm” của các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan!

Hoàng Châu

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/dien-dan/50579/tai-trong-trach-nhiem.htm