Tạm biệt 'ông hoàng' điện thoại Vertu

Mới đây, người dùng công nghệ chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi của Nokia, thì 'đứa con rơi' cuối cùng từng đi cùng thương hiệu này - dòng điện thoại Vertu, cũng tuyên bố phá sản khi chìm trong việc chi trả khoản nợ khổng lồ. Được biết, hãng này sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất của mình tại Anh trong thời gian tới.

Đây luôn là dòng điện thoại tinh tế trong từng chi tiết thiết kế. (Ảnh: Vertu).

Nhắc đến Vertu, người ta thường nhắc đến một thiết bị di động cao cấp, vừa là đồ dùng vừa giống như một loại trang sức thể hiện đẳng cấp người dùng. Tuy nhiên, đối mặt với thị trường ngày một phát triển, tất yếu sẽ phải cạnh tranh về mẫu mã lẫn chất lượng. Khi những chiếc điện thoại thông minh (Smartphone) ngày càng được thiết kế tinh tế, sáng tạo cùng nhiều phiên bản giới hạn (Limited Edition) được nạm vàng, kim cương, thì giá cả “trên trời” của điện thoại Vertu đã đẩy hãng vào bước đường cùng.

Bên trong nhà máy sản xuất điện thoại Vertu. (Ảnh: Vertu)

Cách đây 6 năm, khi doanh thu của Nokia lao dốc, thì hãng này đã từng có ý định bán đi Vertu. Trong thời điểm đó, việc bán thương hiệu nổi tiếng này được xem là một “hiện tượng lạ” khi Vertu vẫn mang về cho công ty khoảng 200 - 300 triệu euro. Định hình trong việc chiếm lĩnh thị trường ngách, “ông hoàng” dường như không mấy quan tâm đến công nghệ hay chất lượng nhưng nhiều chuyên gia đã phải công nhận thiết kế sáng tạo kết hợp với kim cương, đá quý và vàng trắng đã trở thành đối trọng của thương hiệu này từ những nhà chế tác lớn trên thế giới. Họ mang đến một sản phẩm có sự giao thoa giữa công nghệ và chi tiết xa xỉ.

Năm 2015, Vertu một lần nữa được bán, lần này người mua là một công ty đầu tư của Trung Quốc - Godin Holdings. Đến tháng 3/2017, thương hiệu này được Godin Holdings bán cho Hakan Uzan - thuộc gia tộc kinh doanh Uzan đầy tai tiếng, và cũng là người đối đầu với Nokia trong nhiều năm trước đó. Uzan được cho đã trả 50 triệu bảng (61 triệu USD) để sở hữu Vertu.

Vertu rơi từ đỉnh cao xuống vực thẳm. (Ảnh: Vertu)

Không đem đến viễn cảnh tươi sáng như mong đợi, ông chủ Vertu Uzan đã phải tuyên bố phá sản khi không thể đàm phán chi trả cho chủ nợ 1,9 triệu bảng trên tổng số nợ 128 triệu bảng mà thương hiệu này đang nợ.

“Người ta sẽ không mua một vật mắc bằng vàng nhưng lợi ích chỉ như một chiếc di động hạng xoàng. Nhất là khi vàng có thể nạm được, tráng được lên thứ khác có ích lợi hơn” - Một người dùng từng đam mê dòng điện thoại này chia sẻ.

Về phần Uzan, ông tuyên bố vẫn sẽ giữ lại thương hiệu, bản mẫu công nghệ và giấy phép thiết kế vì “đã có kế hoạch khôi phục” nhưng có lẽ việc tái sinh sẽ là một thách thức lớn, đặc biệt là hiện nay điện thoại thông minh đang thống trị, người dùng luôn ưa chuộng chất lượng đi kèm với giá cả cạnh tranh.

Tuy vậy, dù nói thế nào, trên chặng đường dài đã đi qua, Vertu quả thật đã có một cuộc đời đủ rực rỡ. Từ năm 1998, từ một phần của thương hiệu Nokia, đến nay, Vertu đã bán được hơn 500.000 chiếc điện thoại xa xỉ của mình - đây cũng là dòng điện thoại phổ thông có tàn tích Nokia duy nhất còn tồn tại.

Như Ý (Theo BBC Money, 7/2017)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tam-biet-ong-hoang-dien-thoai-vertu-d59913.html