Tâm điểm 2016

(NBCL) Vụ thảm sát đẫm máu tại Nice đúng ngày Quốc khánh Pháp, cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, câu chuyện ly hôn đầy phức tạp giữa nước Anh với EU mang tên Brexit, đặc biệt, những sự chuyển giao quyền lực tại nhiều chính trường lớn… đã biến thế giới 2016 tiếp tục là một thế giới đầy biến động. Tâm điểm 2016 là những con người và sự kiện đã làm nên một thế giới như vậy.

Cuộc trưng cầu dân ý chấn động cả EU

Ngày 24/6/2016, chính trường Anh nói riêng và cả Liên minh châu Âu (EU) đã rơi vào cơn chấn động lớn khi 51,95 cử tri Anh bỏ phiếu đồng thuận với quyết định về việc rời khỏi EU (gọi tắt là tiến trình Brexit) sau hơn 4 thập kỷ gắn bó với “Ngôi nhà chung” này. Kết quả trưng cầu này dẫn tới nhiều hệ lụy trong chính trường Anh, bao gồm việc cựu Thủ tướng David Cameron từ chức và bà Theresa May (ảnh) lên nắm chính phủ. Nhiệm vụ của bà Theresa May là nhanh chóng ổn định tình hình, chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sau khi kích hoạt Điều khoản 50 để bắt đầu quá trình rời khỏi EU.

Theo kế hoạch, cuối tháng 3/2017, Anh sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán với các nước thành viên EU,dự kiến kéo dài 2 năm để có thể hoàn toàn rời khỏi khối. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án Tối cao Anh ngày 3/11/2016 đã khiến tiến trình Brexit có thể bị chậm lại vì chính phủ phải đề xuất một dự luật để Quốc hội thông qua. Đó là chuyện của tương lai, còn hiện nay, với nước Anh, Brexit đã để lại hệ lụy nghiêm trọng cả trước mắt và lâu dài, có nguy cơ nhấn chìm nước Anh vào khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị và an ninh. Anh tự tách mình ra khỏi thị trường lớn với hơn 600 triệu người tiêu dùng, mất đi vị thế một thành viên của EU trong đàm phán quốc tế. Về dài hạn, Brexit có thể khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái, co hẹp 3,8% – 7,5% vào năm 2030. Tiếng Anh có nguy cơ không còn là ngôn ngữ chính thống của EU. Vị thế, uy tín chính trị, văn hóa của nước Anh bị suy giảm khá nghiêm trọng. Brexit còn có thể làm Vương quốc Anh tan rã. Với Liên minh châu Âu (EU), Brexit được coi là một thảm họa. Brexit diễn ra trong bối cảnh EU đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế – chính trị và nhiều vấn đề khác. Brexit làm cho các vấn đề này càng thêm trầm trọng, hiệu ứng Domino trưng cầu dân ý tách khỏi EU ở các nước tiếp theo không phải là xa vời.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump- người tạo nhiều ảnh hưởng và bất ngờ nhất năm 2016

Dù ủng hộ hay phản đối, dù thích hay không thích, nhưng tựu chung khó có ai có thể phủ nhận sức hút truyền thông lớn từ Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Bất chấp những tranh cãi, hai tờ báo tiếng tăm: TIME (Mỹ)và Financial Times (Anh) đã cùng trao cho chính trị gia tỷ phú này danh hiệu “Nhân vật của năm 2016”. Nancy Gibbs, tổng biên tập tạp chí TIME, cho rằng dù có nhiều tranh cãi về Donald Trump, ông rõ ràng là người tạo ra nhiều ảnh hưởng và bất ngờ nhất trong năm nay. Bà Gibbs cho biết thêm, trong năm nay, ông Trump đã có mặt trên trang bìa của TIME ít nhất 5 lần và rằng, ông Trump là lựa chọn “quá rõ ràng”. Năm nay, bà và đội ngũ giám khảo không phải tranh cãi quá nhiều về việc lựa chọn ông Trump là “Nhân vật của năm 2016”.

Là một ông vua truyền thông, Donald Trump thừa hiểu và biết cách khai thác guồng máy tạo tin tức trong kỷ nguyên Internet , không ngại xuất hiện trên mạng xã hội, thậm chí cả những phát ngôn “gây sốc” có lẽ cũng nằm trong chiến dịch PR truyền thông của ông và cuối cùng ông dễ dàng biến mình trở thành một “tiêu điểm” truyền thông số 1. Chiến dịch tranh cử cho Đảng Cộng hòa của ông thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông nhiều hơn tất cả các ứng viên Đảng Cộng hòa khác gộp lại.

Đặc biệt, sức hút từ tên tuổi Donald Trump, truyền thông sẵn sàng “PR” miễn phí cho ông, trong đó, chiếm dung lượng nhiều nhất là sóng truyền hình và mạng xã hội. Điều đáng nói là Donald Trump không phải là gương mặt ưa thích của báo chí Mỹ. Trong số 100 tờ báo in hàng đâùcủaMỹ,chỉcó2tờđứngvềphía ông. Có những tờ báo đã tuyên bố phá lệ lịch sử hàng chục, thậm chí cả trăm năm của mình để lên tiếng phản đối ứng viên đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, cuối cùng, ông Donald Trump vẫn là người chiến thắng.

Đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tối 15/7/2016, nhân lúc Tổng thống Tayyip Erdogan đang đi nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng tại khu vực Marmaris bên bờ biển Aegean, một số binh sỹ quân đội đã thực hiện âm mưu đảo chính tại thủ đô Ankara và thành phố Istanbul lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy âm mưu đảo chính đã bất thành. Tổng thống Erdogan đã sử dụng ứng dụng Facetime trên điện thoại để kêu gọi người dân xuống đường, chiếm lĩnh sân bay và các quảng trường.

Cuộc đảo chính không chỉ khiến 265 người bị thiệt mạng mà còn khiến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng xáo trộn chưa từng có khi một cuộc thanh trừng gay gắt đã diễn ra sau đó với khoảng 50.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt vì liên quan tới vụ đảo chính. Hơn thế nữa, là quốc gia Hồi giáo duy nhất trong khối NATO, cửa ngoÃ́–Âu,sự bất ổn định tại Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình Đông Nam Âu và Trung Đông và cuộc chiến chống lại lực lượng nhà nước Hồi giáo IS. Đến tận những ngày cuối cùng của năm 2016, mọi sự bất ổn ở quốc gia Hồi giáo này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bằng chứng là vụ đánh bom khủng bố kép tại Istanbul ngày 10/12/2016 khiến 44 người thiệt mạng và gần 600 người bị bắt vì tình nghi có liên quan tới các tổ chức người Kurd bị cấm ở quốc gia.

Đêm Quốc khánh Pháp kinh hoàng tại Nice

Ngày 14/7/2016, nước Pháp đau đớn chứng kiến ngày Quốc khánh vui vẻ trở thành ngày quốc tang. Một nghi phạm gốc Tunisia ở Nice vừa lái xe tải vừa xả súng vào dòng người đang xem pháo hoa nhân quốc khánh Pháp dọc bờ vịnh ở thành phố Nice làm ít nhất 84 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương. Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố tính chất “khủng bố” của vụ tấn công này là điều không thể phủ nhận. Được coi là trái tim của Châu Âu, Pháp trở thành đích ngắm của các phần tử khủng bố nước ngoài và tầng lớp thanh niên nhập cư trong nước bị cực đoan hóa.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cuộc chiến chống ma túy gây nhiều tranh cãi

Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cuộc chiến chống ma túy hết sức khốc liệt tại nướcnày cũng là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông quốc tế trong năm qua. Theo số liệu thống kê mới nhất được công bố ngày 12/1/2016, trong khoảng thời gian từ ngày 1/7-12/12, đã có 5.927 đối tượng liên quan đến ma túy thiệt mạng trong chiến dịch bài trừ “cái chết trắng” tại Philippines. Sau khi đắc cử và lên cầm quyền vào tháng 6/2016, ông đã triển khai một chiến dịch cực kỳ mạnh tay với tội phạm ma túy, trong đó không chỉ cho phép cảnh sát hay lực lượng an ninh mà ngay cả người dân bình thường cũng có thể tiêu diệt các nghi phạm ma túy nếu các đối tượng này có thái độ bất hợp tác hoặc kháng cự khi bị phát hiện. Điều này gây tranh cãi trên thế giới, dẫn tới căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Manila trong thời gian qua mặc dù cả hai nước là đồng minh gần gũi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, những tranh cãi gay gắt này dường như không mấy tác động đến ông Rodrigo Duterte.

Ngày 16/12, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có buổi gặp gỡ với cộng đồng kiều bào Philippines tại Singapore nhân chuyến thăm nước này. Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Tổng thống Duterte tuyên bố, chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông sẽ không chấm dứt cho đến cuối nhiệm kỳ của ông.

Tổng thống Park Geun-hye và dư chấn chính trị khắp Hàn Quốc

Dư luận và truyền thông thế giới năm 2016 còn đặc biệt chú ý tới vụ bê bối dai dẳng suốt nhiều tháng qua: Tổng thống Hàn Quốc Park Geun- hye bị cáo buộc để lộ thông tin quốc gia, tạo điều kiện để người bạn thân can thiệp vào công việc điều hành chính phủ mặc dù không giữ bất cứ chức vụ nào trong chính quyền. Hàng loạt cuộc biểu tình lớn nhỏ đã xảy ra khắp Hàn Quốc, đòi Tổng thống từ chức.

Tổng thống Park Geun-hye phải nhiều lần lên sóng truyền hình quốc gia “xin lỗi toàn thể nhân dân Hàn Quốc”. Đỉnh điểm là việc ngày 9/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun- hye, theo đó nữ chính khách này ngay lập tức bị đình chỉ tạm thời chức vụ tổng thống. Việc nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc có mất chức hay không còn phải chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp và quá trình phán quyết sẽ có thời hạn 180 ngày (kể từ ngày 9/12). Tuy nhiên, có một thực tế là vụ bê bối đã đặt ra rất nhiều thách thức cả về an ninh, chính trị, kinh tế cho Hàn Quốc.

Tân Tổng thư ký LHQ và kế hoạch cải tổ tổ chức quyền lực nhất hành tinh

Một trong những nhân vật thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông trong năm là tân Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) António Guterres (ảnh). Để trở thành người đứng đầu LHQ, ông Guterres đã trải qua một quy trình bầu chọn công khai, minh bạch hơn bao giờ hết trong lịch sử 70 năm của LHQ. Ông đã vượt qua 12 ứng cử viên khác cuộc bỏ phiếu không chính thức và 1 cuộc bỏ phiếu chính thức của HĐBA LHQ và chính thức được Đại hội đồng LHQ chỉ định làm Tổng thư ký thứ 9 của LHQ vào ngày 13/10/2016. 67 tuổi, thông thạo 4 thứ tiếng: Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, từng ghi nhiều dấu ấn trên cương vị Thủ tướng Bồ Đào Nha, phụ trách Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông Guterres được người tiền nhiệm Ban Kimoon khen ngợi là “sự lựa chọn tuyệt vời” để kế nhiệm ông.

Tuy nhiên, phía trước tân TTK LHQ là không ít thách thức: sự đồng thuận của HĐBA về biện pháp giải quyết cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua ở Syria; tăng cường can dự để giải quyết triệt để cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine; tìm kiếm giải pháp cho chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, di cư và kiểm soát biên giới…

Sự rút lui trong cay đắng của bà Dilma Rousseff và cơn suy thoái được báo trước của Brazil

Sau những ồn ào về tham nhũng và khủng hoảng kinh tế trầm trọng, rốt cuộc ngày 31/8/2016, bà Dilma Rousseff (ảnh) đã phải rút lui khỏi chức Tổng thống Brazil trong cay đắng sau khi bị Thượng viện Brazil quyết định phế truất với “tội” “vi phạm luật ngân sách”, dùng tiền từ các ngân hàng nhà nước một cách phi pháp cho chi tiêu công. Những người phản đối bà cho rằng việc phế truất sẽ mở đường cho sự lột xác của Brazil.

Tuy nhiên, kết quả thăm dò do Viện Datafolha của Brazil thực hiện và công bố ngày 11/12/2016 cho biết chỉ có 10% người dân Brazil ủng hộ Tổng thống Temer sau 5 tháng cầm quyền kể từ khi ông này thay thế người tiền nhiệm Dilma Rousseff. Brazil đang trong năm thứ 2 suy thoái liên tiếp và các dự báo đều cho thấy nền kinh tế số 1 Nam Mỹ sẽ không thể phục hồi trước năm 2018.

Lãnh tụ Fidel Castro, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej- những sự ra đi nhiều tiếc thương sâu sắc

Ngày 26/11 (giờ Việt Nam), lãnh tụ cách mạng Cuba kiệt xuất Fidel Castro (ảnh) qua đời, để lại sự tiếc thương sâu sắc trong lòng người dân Cuba và người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Fidel Castro là một huyền thoại ngay từ khi đang sống. Ông thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới thứ ba từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc như Hồ Chí Minh, Nelson Mandela, Che Guevara… Fidel Castro đã trở thành một người anh hùng, vị “Tổng tư lệnh kính yêu”, một nguồn cổ vũ tinh thần của những dân tộc nghèo đói và bị áp bức trên thế giới. Cho đến nay, lãnh tụ Fidel Castro vẫn luôn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.

Trước đó, ngày 13/10/2016, sự ra đi của Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã khiến người dân Thái Lan trào nước mắt. Đa phần người dân Thái Lan hết mực tôn kính Quốc vương Bhumibol Adulyadej và coi ông tựa như một “vị thánh sống”, biểu tượng của sự đoàn kết đất nước. Ngài là một trong những vị vua được yêu mến nhất lịch sử Thái Lan. Ngày sinh nhật Quốc vương là quốc lễ, được xem như “Ngày của cha” và Quốc khánh của Thái Lan. Thái tử Maha Vajiralongkorn đã thay cha trở thành quốc vương Rama thứ X của triều đại Chakri và được kỳ vọng sẽ tiếp bước thành công cha mình.

Năm thứ 6, chiến sự Syria vẫn diễn biến khó lường

Có một cụm từ thường xuyên là tâm điểm của truyền thông thế giới, không phải chỉ trong năm 2016 mà cả trong suốt 6 năm qua: Chiến sự tại Syria. Ngày 13/12/2016, các lực lượng chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy còn lại ở “thành trì chiến lược”, “tử huyệt” Aleppo (ảnh) đạt một thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Điều này được kỳ vọng sẽ hé mở ra cánh cửa hòa bình cho cuộc nội chiến tàn khốc đã kéo dài tới năm thứ 6 tại Syria. Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ không hề dễ dàng.

Qua những diễn biến phức tạp trên thực địa cộng với việc các bên liên quan còn khác biệt trong cách tiếp cận, có thể thấy, bước tiến đạt được ở Aleppo nhiều khả năng vẫn không phải là tín hiệu về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước Syria vốn đã gần 6 năm chìm trong nội chiến mà nói như nhà phân tích Greg Myre của NPR “điều này không có nghĩa là đổ máu ở Syria đã kết thúc mà nó đang bước vào một giai đoạn mới”. Một trong những lý do khiến cuộc nội chiến ở Syria chuẩn bị bước sang năm thứ 6 vẫn chưa được giải quyết bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế là do xung đột lợi ích giữa các cường quốc liên quan. Nhưng giờ đây, khi các quốc gia đều đã quá mệt mỏi với toan tính của mình ở Syria và cục diện chiến trường đang chuyển biến mạnh mẽ, hơn bao giờ hết, đất nước và nhân dân Syria đang mong mỏi tiến gần tới cơ hội hòa bình và ổn định.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tam-diem-2016/