Tam giác mậu dịch sắp sụp đổ?

Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, thặng dư mậu dịch của Hàn Quốc với Trung Quốc bị tụt giảm. Trong khi đó thâm hụt mậu dịch giữa nước này với Nhật Bản lại tăng cao. Đây là những dấu hiệu xấu cho cấu trúc tam giác mậu dịch của vùng Đông Bắc Á.

small_2155.jpg Kết thúc năm tài chính 2006, Hàn Quốc (HQ) cùng lúc chứng kiến 2 mối đe dọa đang rình rập ngành mậu dịch của mình. Đó là sự tuột giảm 9,9% trong thặng dư mậu dịch với Trung Quốc (TQ), còn 20,96 tỷ USD và thâm hụt mậu dịch với Nhật Bản tăng 3,9%, lên 25,33 tỷ USD. Như vậy, “tiền lời” HQ kiếm được trong quan hệ mậu dịch với TQ không đủ để họ bù lỗ cho quan hệ mậu dịch với Nhật Bản. Trong quan hệ thương mại ở khu vực Đông Bắc Á (vốn hình thành từ thập kỷ 1990), HQ kiếm lời từ TQ, Nhật Bản kiếm lời từ HQ và TQ kiếm lời từ Nhật Bản. HQ bán các loại hàng hóa bán gia công sang TQ, trong khi TQ bán các loại hàng tiêu dùng cho Nhật Bản còn Nhật Bản bán sang HQ và TQ các loại nguyên liệu và linh kiện. Nhưng trong những năm gần đây, cấu trúc tam giác mậu dịch trên đã bắt đầu rạn nứt. Nguyên nhân lớn nhất là do kinh tế TQ đang tăng trưởng rõ rệt trong ngành sản xuất nguyên liệu và sản phẩm bán gia công. 80% hàng xuất khẩu của HQ sang TQ là các mặt hàng bán gia công mà TQ dùng để chế tạo các sản phẩm hoàn chỉnh. TQ cũng ngày càng đầu tư nhiều hơn vào các ngành sắt thép, chất hóa dầu và các nguyên liệu cơ bản khác. Vì vậy, thị trường TQ dần trở nên không thích hợp cho các loại hàng bán gia công. Nếu HQ không thể phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới sang TQ, họ sẽ khó có thể kiếm lợi được từ quan hệ mậu dịch với TQ trong tương lai. Ngược lại, HQ chứng kiến một khoản tăng thặng dư mậu dịch với Nhật Bản mỗi năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1965. Tích lũy thâm hụt mậu dịch giữa hai nước trong vòng 40 năm qua đã lên hơn 280 tỷ USD và còn tăng thêm mỗi năm. Đây là kết quả của cấu trúc công nghiệp trong đó HQ mua linh kiện và nguyên liệu từ Nhật Bản để sản xuất hàng hóa. Linh kiện và nguyên liệu chiếm hơn 60% hàng nhập khẩu của HQ từ Nhật Bản. Hơn nữa, hàng hóa Nhật Bản bán sang HQ cũng được bán qua TQ và thường thì số lượng các loại hàng này bán sang TQ nhiều gấp đôi số lượng bán sang HQ. TQ cũng đang sản xuất hàng hóa từ các linh kiện và nguyên liệu giống như của HQ, nhưng họ lại có lợi thế về thị trường lao động và mặt bằng rẻ, do đó có giá thành sản phẩm thấp hơn HQ. Đó là lý do tại sao doanh nghiệp HQ không thể cạnh tranh với TQ về phương diện giá cả. Xu hướng này hiện đang phát triển nhanh chóng trong các ngành sắt thép và chất hóa dầu. Chẳng bao lâu, các lĩnh vực khác vốn là lợi thế xưa nay của HQ như công nghệ thông tin, hàng điện tử, tàu bè và xe hơi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy, có thể nói những ngày tháng người HQ nhởn nhơ với việc xuất khẩu hàng bán gia công sang TQ để kiếm lời đã kết thúc hoặc sắp sửa kết thúc. Nếu không có một chiến lược xuất khẩu mới, người Hàn Quốc sẽ bị loại ra khỏi cấu trúc tam giác mậu dịch ở vùng Đông Bắc Á, hay tam giác mậu dịch này sẽ sụp đổ?

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29027-tam-giac-mau-dich-sap-sup-do