Tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, vượt khó

Xuất thân là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn em Lâm Văn Thanh, người dân tộc Khmer, ở xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng và em Y Quà, người dân tộc Xê Đăng, ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là những tấm gương sáng cho tinh thần vượt khó, vươn lên học giỏi. Đây là hai trong số hàng nghìn học sinh, sinh viên người DTTS đang ngày đêm miệt mài học tập để nuôi khát vọng làm giàu cho mảnh đất quê hương.

Lâm Văn Thanh (thứ ba từ phải sang) và các bạn trong lớp tặng hoa các thầy cô giáo cũ. Ảnh: Hồ Phúc

Chàng trai Khmer tài năng

Đó là Lâm Văn Thanh (SN 1998, người dân tộc Khmer), hiện là tân sinh viên trường Đại học An ninh nhân dân tại TP Hồ Chí Minh. Trước đây, Thanh từng được biết đến là một trong những học sinh xuất sắc của trường Trung học phổ thông (THPT) Dân tộc nội trú (DTNT) Huỳnh Cương. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chàng trai tân sinh viên Đại học An ninh nhân dân Lâm Văn Thanh là một người rất nhanh nhẹn, hoạt bát và tự tin.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lâm Thị Hồng (SN 1963), mẹ của Thanh vui vẻ nói: "Vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp, cuộc sống cũng chỉ đủ ăn chứ không khá giả gì, mặc dù còn nhiều vất vả, nhưng trong thâm tâm chúng tôi luôn suy nghĩ phải lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn để có một tương lai tươi sáng hơn. Giờ đây, thấy các con trưởng thành, vợ chồng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào về các con lắm".

Trong quá trình học tập và rèn luyện, nhờ sự quan tâm, động viên của gia đình, thầy cô giáo trong trường và sự nỗ lực phần đấu của bản thân, nên năm 2016, chàng học sinh dân tộc Khmer đã đạt giải Khuyết khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn và cũng là học sinh đầu tiên của trường THPT DTNT Huỳnh Cương đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thành tích đó đã tiếp thêm động lực giúp Thanh phấn đấu thi đậu vào trường Đại học An ninh nhân dân mà em ấp ủ bấy lâu.

Thanh cho biết: "Bố mẹ thường khuyên em phải cố gắng chăm chỉ, cần cù học tập mới mong thoát khỏi đói nghèo và để sau này trở thành người có ích cho xã hội... Lời răn dạy đó cứ theo em suốt những năm tháng đến trường nên em quyết tâm học thật giỏi để không phụ công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ".

Nói về phương pháp học tập, Thanh cho biết: "Hồi còn học phổ thông, ở lớp, em thường tập trung, chăm chú nghe thầy cô giảng bài, ghi chép cẩn thận. Các giờ học trên lớp, em tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài, những vấn đề chưa hiểu, em đều nhờ thầy cô giáo giải đáp. Về nhà, em dành ít nhất 3 giờ vào buổi tối để ôn bài cũ, làm bài tập trong sách và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau... Nhờ vậy, giúp em nắm vững bài học cũ và sẵn sàng tiếp thu bài mới. Bên cạnh đó, ngoài thời gian nghe giảng ở trên lớp, em còn tranh thủ lúc rảnh rỗi để tự học, nghiên cứu tài liệu, sách vở. Chỗ nào không hiểu, em đến hỏi thầy cô để được hướng dẫn thêm".

Không chỉ học giỏi, Thanh còn được thầy, cô giáo và các bạn cùng lớp yêu mến. Với cương vị là lớp phó phụ trách học tập và ủy viên Ban chấp hành Liên chi đoàn nhà trường, Thanh luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Thanh thường xuyên động viên, giúp đỡ các bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn, những bạn có học lực kém hơn vươn lên trong học tập. Chia tay chàng sinh viên DTTS, trong tôi lắng đọng biết bao cảm xúc khó tả. Tôi tin rằng, với quyết tâm và nghị lực vượt lên khó khăn của mình, Lâm Văn Thanh sẽ thực hiện được mơ ước của em: Trở thành một sĩ quan an ninh để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Cô học trò nghèo giàu nghị lực

Cha mất sớm, em còn nhỏ, cả 3 mẹ con nhà Y Quà bấu víu lấy nhau sống qua ngày. Hoàn cảnh khó khăn không thể đánh gục ý chí vượt khó, vươn lên trong học tập của cô học trò nghèo người Xê Đăng. Nhiều năm liền, em là học sinh giỏi, từng đại diện cho nhà trường đi dự học sinh giỏi cấp huyện và đoạt giải. Hơn ai hết, Y Quà hiểu rằng, chỉ có học thật giỏi mới có thể biến giấc mơ thành hiện thực.

Ngày ông A Y khuất núi, về với tổ tiên, Y Quà cùng đứa em trai lẽo đẽo theo sau đoàn người. Hai em còn quá nhỏ để biết mình đã mất đi vĩnh viễn người cha thân yêu cũng là trụ cột của gia đình. Chỉ có mẹ hai em mới cảm thấy lo lắng thật sự, vì từ nay chẳng có ai lên nương làm rẫy, kiếm cái ăn cho gia đình. Nhìn hai đứa con thơ bé bỏng, chị Y Bé gạt nước mắt. "Thôi thì phải cố mà làm để nuôi con. Mình mà ngã xuống thì ai nuôi chúng nó".

Y Quà cố gắng phấn đấu học tập để thực hiện mong ước trở thành cô giáo của mình. Ảnh: Quốc Dinh

Với một người đồng bào DTTS, việc học tiếng Kinh, học chữ tương đương với việc học ngoại ngữ. Vậy mà Y Quà không chỉ học được mà còn học giỏi. Thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở (THCS) Bán trú DTTS Tu Mơ Rông cho biết: Trong 3 năm liền, từ lớp 6 đến lớp 8, Y Quà đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm học 2014-2015, em đạt giải Khuyến khích cấp huyện môn Ngữ văn. Năm học 2015-2016, em đạt giải Khuyến khích môn Vật lý. Trong năm học 2016-2017 này, Y Quà đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp trường. Đồng thời, em cũng là thành viên trong đội tuyển bồi dưỡng thi học sinh giỏi của trường đi dự thi cấp tỉnh.

Ở trường, Y Quà chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài, chỗ nào chưa hiểu thì đợi lúc học nhóm hỏi lại thầy cô. Bài tập về nhà, Y Quà luôn làm đầy đủ, vừa tự học, tự mày mò lên mạng tìm học thêm. Chỉ cần có thời gian rảnh rỗi là Y Quà lao đầu vào học. Vì nghị lực vượt khó, cũng như nhận thức rõ về hoàn cảnh khó khăn của bản thân và gia đình nên Y Quà phải luôn cố gắng vượt bậc. Điều đó, phần nào giải thích cho thành tích học tập của em. Y Quà hiện là học sinh lớp 9B, trường THCS Bán trú DTTS Tu Mơ Rông.

Từ khi bố mất, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, khó khăn thêm chồng chất. Có lẽ, chính điều đó tạo cho Y Quà tính tự lập từ rất sớm. Mẹ em phải làm việc quần quật quanh năm, nhưng hầu như năm nào cũng thiếu đói. Mỗi năm, nhà có 2 tháng không đủ gạo để ăn, phải lên rừng kiếm cái ăn. Ở cái tuổi vẫn còn non nớt, nhưng Y Quà lại phải cáng đáng rất nhiều công việc của người lớn, hàng ngày em phải lên rừng lấy củi, chăm sóc em, đỡ đần công việc nhà giúp mẹ. Ngày nào nghỉ học, Y Quà lại theo mẹ lên rẫy, làm cỏ giúp mẹ hoặc kiếm rau rừng, măng rừng để ăn. Y Quà như cây rừng, cứ phừng phừng lớn, mặc gió mưa gian khó, thiếu thốn của cuộc sống vẫn không thể làm mai một ý chí phấn đấu, vượt khó học giỏi của em.

Chia tay Y Quà, chia tay huyện nghèo Tu Mơ Rông, nơi có đỉnh núi Ngọc Linh sừng sững, hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên, tôi chợt nhớ đến câu nói cũng là lời hứa của Y Quà, rằng em sẽ cố gắng học thật giỏi để mai này lớn lên trở thành người có ích cho xã hội. Lớn lên em muốn trở thành cô giáo, trở về giúp bản làng, giúp đồng bào bởi quê mình nghèo lắm, dân mình lại ít chữ nữa. Tôi mường tượng một ngày không xa, đóa hoa rừng Y Quà sẽ lớn lên, ước vọng của em sẽ trở thành hiện thực, góp phần đem lại cuộc sống bình yên, sung túc cho bản làng, quê hương.

Hồ Phúc - Quốc Dinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tam-guong-sang-ve-tinh-than-hieu-hoc-vuot-kho/